Lễ Quốc khánh 2/9: Không về quê, nhiều người lao động nghèo lựa chọn tiếp tục làm việc
Lễ Quốc khánh 2/9: Không về quê, nhiều người lao động nghèo lựa chọn tiếp tục làm việc để kiếm thêm thu nhập
Nguyệt Minh
Thứ hai, ngày 02/09/2024 13:23 PM (GMT+7)
Trái với khung cảnh tấp nập, nô nức nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, ở những xóm trọ nghèo tại TP.HCM, nhiều người lao động vẫn tiếp tục làm việc kiếm sống.
Gần 2 giờ chiều, trong căn phòng nhỏ chỉ khoảng 15m2, chị Nguyễn Thị Khánh (38 tuổi, Gò Vấp) bắt đầu nấu bữa trưa cho gia đình. Góc bếp nhỏ nằm ngay cạnh tủ để đồ, chỉ cách nhà vệ sinh 1 bước chân là nơi đã làm nên sự gắn kết trong gia đình chị bằng những bữa ăn ấm cúng.
Hôm nay, chị Khánh tranh thủ trở thêm vài xe đá nên về muộn, chồng chị cũng đi làm vẫn chưa về. Quốc khánh 2/9, kỳ nghỉ lễ lớn của dân tộc nhưng với chị Khánh, cảm giác về một ngày nghỉ lễ trọn vẹn đường như đã phai màu.
“Quê 2 vợ chồng ở Quảng Ngãi, từ lâu rồi gia đình tôi không về quê. Nhà 4 người chi phí mỗi lần về quê tốn kém, đồng lương của 2 vợ chồng cũng chẳng đáng bao nhiêu, nên cứ khoảng 2,3 năm tôi mới về quê một lần”, chị Khánh tâm sự.
Vừa tranh thủ nấu cơm, chị Khánh vừa kể, cả 2 vợ chồng đến TP.HCM làm việc đã ngót chục năm. Dù cố gắng chăm chỉ làm việc, tiền cũng chỉ đủ để con cái ăn học, cũng chẳng có dư. Thời buổi kinh tế khó khăn, chị Khánh cảm thấy ngày về quê của mình lại càng xa.
“Cả nhà 4 người quây quần với nhau là vui rồi. Gia đình tôi cũng không có dự định đi đâu ngoài việc dành thời gian cho nhau, rồi cùng nhau quây quần nấu một bữa cơm", chị Khánh cười.
Ở một góc khác của xóm trọ nghèo, Trần Vân Trang (23 tuổi) vội vàng soạn đồ chuẩn bị đi làm. Trời bên ngoài mưa to, Trang hối bạn cùng phòng nhanh chóng để kịp giờ.
Làm phục vụ nhà hàng đã được cả năm nay, Trang nói: “Những ngày này lại càng đông khách, lại còn được tăng lương nên em không muốn nghỉ. Nhà em ở Trà Vinh, em nhớ gia đình lắm nhưng em sẽ về vào dịp khác”.
79 tuổi, ông Trần Văn Út sống một mình trong phòng trọ chật hẹp tại Gò Vấp. 6,7 năm qua, ông lang thang khắp những con đường tại TP để bán những tờ vé số mưu sinh. Ông Út mỉm cười, nói: “Tôi chẳng còn quê đề về”.
Nụ cười của ông út giờ đây là sự thanh thản, chấp nhận và vui những gì mình đang có. Từ ngày vợ mất, ông bỏ quê về TP.HCM để mưu sinh, ông cũng không muốn phiền hà đến con cái nên lựa chọn sống một mình.
“Ngày nghỉ lễ, khắp đường phố trang hoàng bằng lá cờ tổ quốc đẹp lắm. Tôi vẫn đi ra ngoài, vẫn bán vé số rồi về phòng. Ở cái tuổi này, tôi chẳng còn mong cầu điều gì hơn nữa rồi" - Ông Út tâm sự.
Không chỉ ông Út, còn rất nhiều người lao động nghèo không thể về quê vì chi phí về quê đắt đỏ.
Chia sẻ về lý do không về quê lần này, chị Nguyễn Thị Phượng (41 tuổi) cho biết thêm: “Nhà tôi ở Đắk Lắk, vé về quê đợt nghỉ lễ lần này còn tăng gấp đôi so với đợt Tết”.
Cụ thể, theo chị Phượng, giá vé về quê chị những ngày bình thường khoảng 200.000 đồng. Đợt Tết vừa rồi giá chỉ lên khoảng 400.000 đồng, thế nhưng đợt nghỉ lễ Quốc khánh này, chị bị ép giá vé lên đến 800.000 đồng.
“Kỳ nghỉ lễ chỉ diễn ra trong 4 ngày, nhưng chi phí đi lại quá đắt đỏ, chưa kể thêm chi phí phát sinh nên vợ chồng tôi quyết định ở lại TP.HCM".
Cũng như chị Phượng, anh Nguyễn Văn Tú (46 tuổi, quê Quảng Trị) bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể về quê đợt nghỉ lễ này: “Tôi làm công nhân, 2 vợ chồng chắt góp tiết kiệm nhưng tiền vé về quê cho cả 4 người cũng đã tốn khoảng 4.000.000 đồng, chưa tính thêm tiền phát sinh. 2 con đòi về với ông bà, vợ chồng tôi chỉ có thể kiên nhẫn giải thích cho các con hiểu".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.