“Lên bờ xuống ruộng” vì làm nông sản hữu cơ ngược đời

Trần Đáng Thứ hai, ngày 28/12/2020 10:10 AM (GMT+7)
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang thu hút sự quan tâm của nông dân, doanh nghiệp, nhưng với cách làm theo quy trình ngược hiện nay đã khiến nhiều nông dân “lên bờ xuống ruộng”.
Bình luận 0

Anh Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) - một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu nông sản cho biết, hiện hầu hết nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ đều làm theo quy trình "ngược", tức sản xuất xong mới tìm kiếm thị trường.

Lời giả, lỗ thật

Anh Bùi Công Đức - Giám đốc Công ty TNHH Ducsaco (TP.HCM) cho biết, hiện anh đang sản xuất nấm và dưa lưới theo hướng hữu cơ. Theo anh Đức, cái khó nhất khi sản xuất nông sản hữu cơ là không biết tỷ lệ người tiêu dùng cho phân khúc này thế nào, sở thích ra sao?...

"Giá sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khá cao. Trong khi tâm lý người mua còn ái ngại, thì nông dân làm vẫn cứ làm. Nhiều anh em làm sản phẩm hữu cơ cho biết, họ đang kiếm lời từ sản phẩm này. Nhưng tôi đinh ninh "lời giả, lỗ thật", bởi "sáng rau, chiều rác" là phổ biến" - anh Đức chia sẻ.

“Lên bờ xuống ruộng” vì làm nông sản hữu cơ ngược đời - Ảnh 1.

Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Mục tiêu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ sẽ đạt khoảng 1,5 - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực như: Lúa, rau đậu các loại, cây ăn quả, chè, hồ tiêu, cà phê, điều, dừa...

Hợp tác xã Hưng Phú (Long An) thành lập tháng 6/2015 với mục đích liên kết nông dân sản xuất theo mô hình Cánh đồng lớn. Thời gian qua, HTX này đã chuyển hướng sang sản xuất lúa hữu cơ với 50ha. Theo ông Lưu Văn Hoài - Giám đốc HTX Hưng Phú, sản xuất lúa hữu cơ tại HTX nhận được chính sách hỗ trợ từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Gạo hữu cơ do HTX sản xuất hầu hết được bán cho người thân quen trên địa bàn tỉnh và TP.HCM.

"Do sản phẩm còn mới, không đủ kinh phí để quảng bá sản phẩm nên khó khăn về thị trường. Thậm chí, giờ sản phẩm gạo hữu cơ phải cạnh tranh với "hàng chợ" nữa" - ông Hoài thổ lộ.

Ông Hoài kể, tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần III tổ chức tại Long An, để quảng bá sản phẩm gạo hữu cơ, HTX Hưng Phú tổ chức nấu cơm và mời khách dùng thử. Sau khi dùng cơm, đa số khách phản hồi cơm dẻo, thơm, có hậu ngọt, nhưng rất ít khách hàng mua, bởi họ so sánh giá với các loại gạo thông thường.

Anh Nguyễn Hoàng Cung cho rằng, do việc sản xuất khá tốn kém và giá cả cao của sản phẩm đặc thù này nên nông dân phải đặc biệt quan tâm đến đầu ra trước khi sản xuất. "Sản xuất sản phẩm hữu cơ đang vướng kỹ thuật và thương mại hóa. Nếu vướng kỹ thuật còn xử lý được, nhưng vướng con đường kinh doanh, thương mại hóa thì nông dân, doanh nghiệp chỉ có thất bại. Vì thế, trước khi sản xuất sản phẩm hữu cơ cần tìm hiểu thị trường ra sao, đối tượng nào, khả năng đáp ứng, quy mô sản xuất..." - anh Cung bộc bạch.

Không thể tự làm, tự bán

Hiện hầu hết nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản hữu cơ đang thực hiện phương thức sản xuất xong đem bán trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng.

Theo anh Cung, với sản phẩm đặc thù này, cách làm như vậy là không ổn. Phải có người trung gian để điều phối sản xuất và kinh doanh: "Nhà vườn bán ra thì bán một lần là hết sản phẩm, trong khi hệ thống kinh doanh cần có hàng và có liên tục để phục vụ thị trường. Ngoài ra, hệ thống kinh doanh ít khi mua hết một lần sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp. Vậy, sản phẩm dư thừa, chưa tiêu thụ, đơn vị trung gian phải xử lý cho nông dân, doanh nghiệp" - anh Cung cho biết.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Kim Xuân - Giám đốc HTX Mặt trời mọc (TP.HCM), một đơn vị chuyên sản xuất ớt sạch cung cấp cho VinEco cho rằng, đơn vị trung gian mới đủ tầm điều phối hợp lý sản phẩm hữu cơ của nông dân, doanh nghiệp cho thị trường.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An - Đinh Thị Phương Khanh nhận định, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do phần lớn nông dân, HTX chưa quen với quy trình sản xuất khắt khe, thị trường chưa ổn định. Từ đó, dẫn đến người sản xuất sản phẩm hữu cơ gặp nhiều khó khăn ở đầu ra.

Theo bà Khanh, để tháo gỡ khó khăn này, ngành nông nghiệp của tỉnh đang thực hiện xây dựng chuỗi để giúp các HTX, doanh nghiệp, nông dân có sản phẩm tiêu thụ theo hướng liên kết, ổn định đầu ra sản phẩm. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem