“Lên ngôi” từ đáy sông: Khởi nghiệp với con đò nát

Thứ năm, ngày 25/08/2011 14:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhìn dáng vẻ sành điệu của vị giám đốc, thật khác hẳn hình ảnh Trần Văn Văn - anh thuyền chài đen đúa, không biết chữ, lấy vợ năm 17 tuổi và đẻ một mạch 5 đứa con... của mấy chục năm trước.
Bình luận 0

Tự mày mò sáng chế ra những loại máy móc hỗ trợ công việc như máy thổi hơi, hệ thống tời cẩu... và chỉ dùng những dụng cụ đơn giản, thông thường, nhưng những người thợ trục vớt của Công ty Mạnh Nam đã vớt hàng trăm con tàu đắm từ dưới đáy sông, đáy biển.

Hẹn gặp được Giám đốc Trần Văn Văn của Công ty Trục vớt Mạnh Nam (đóng tại đoạn chân cầu Lạc Long, TP. Hải Phòng) vô cùng khó. Anh liên tục đi khảo sát và ký các hợp đồng trục vớt tàu đắm. Nhìn dáng vẻ chịu chơi, sành điệu của vị giám đốc, thật khác hẳn hình ảnh Trần Văn Văn - anh thuyền chài đen đúa, không biết chữ, lấy vợ năm 17 tuổi và đẻ một mạch 5 đứa con... của mấy chục năm trước.

img
“Đôi bạn cùng tiến” Văn (phải) và Cửu.

Tuổi thơ miền sông nước

Gia đình Văn nhiều đời sống trên sông nước, bố mẹ đẻ tất cả 7 anh em đều trên sông Kinh Thầy (Hải Dương). Cả đại gia đình chỉ có một con đò nhỏ, sống chen chúc nhau, dập dềnh theo con nước. Hàng ngày anh em Văn cùng bố đánh cá để mẹ mang lên chợ Kinh Môn bán đong gạo. Tuổi thơ của Văn chẳng biết đến cái bút, quyển vở. Biệt tài Văn có là khả năng lặn rất giỏi, sông Kinh Thầy nổi tiếng là sâu và nước chảy xiết nhưng cũng chỉ 2 hơi là Văn mò được xuống tận đáy để bắt cá bò, cá ngạnh.

Năm Văn 17 tuổi, từ sự sắp đặt của mẹ, Vân và cô gái Đào Thị Sa của gia đình thuyền hàng xóm nên duyên vợ chồng sau một bữa 2 gia đình gặp gỡ và làm 3 mâm cơm để cùng ăn, chẳng có đăng ký kết hôn, không rước dâu... Khi vợ chồng Văn có con gái đầu lòng, anh xin bố mẹ cho ra riêng. Ông bà đồng ý và chia cho vợ chồng Văn một con đò cũ, với 5 ngày gạo ăn và vài cái xoong nhôm. Từ bữa đó, vợ chồng Văn ôm con chèo thuyền xuôi theo con nước của sông Kinh Thầy đổ ra biển, cứ chỗ nào thấy thuận lợi là cắm sào trụ lại, làm đủ thứ nghề từ chèo đò, bốc vác mướn...

Kiếm sống

Thuyền neo lại khu vực Máy Chai, Hải Phòng. Vợ đẻ liền một mạch 3 con, Văn phải lao vào kiếm tiền cho “đoàn tàu há mồm”. Văn đi bốc vác, một đêm vác hàng chục tấn xi măng từ nhà máy xuống tàu, bợt cả da vai da cổ mà vẫn bị đầu gấu đánh cho tím mày tím mặt... Mãi cũng ức, anh nghĩ mình lặn giỏi, muốn tồn tại được thì phải làm cái gì mà người khác không làm được.

Thế là anh nảy ra ý định đi mò phế liệu. Khu vực Máy Chai từ thời Pháp đến lúc ấy có rất nhiều xác tàu đắm. Một mình Văn lặng lẽ lặn xuống sông, tìm những xác tàu đắm rồi hì hục cưa, kéo từng miếng sắt, miếng đồng lên bờ để Sa mang đi bán. “Kho báu” tàu đắm thì lớn, mò tìm phế liệu thì hình như chỉ mình Văn, nên vợ chồng anh kiếm bộn tiền.

Đến đầu những năm 1990, gia đình anh đã có của ăn của để, và tiếng về tài lặn của Văn được rất nhiều người biết đến. Vì vậy, mỗi khi Cảng vụ Hải Phòng có tàu đắm, cần phải giải phóng luồng là họ gọi anh. Dù đêm tối hay giữa trời nắng gắt, anh đều nhiệt tình, vui vẻ nhận làm. Rồi Quân khu 3 có chương trình dò tìm vũ khí bị đắm, bị chìm do chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra và họ mời Văn cộng tác. Từ đó nhà anh không lúc nào hết việc...

Đôi bạn cùng tiến

Để có được một công ty trục vớt tiếng tăm như bây giờ, Giám đốc Trần Văn Văn luôn có một người bạn cùng đồng hành từ thủa hàn vi là anh Dương Văn Cửu. Gặp anh Cửu khi đang ngồi canh 4 con tàu là tài sản của Công ty Trục vớt Mạnh Nam ở dưới sông Tam Bạc, nghe tôi hỏi chuyện, anh cười giòn: “Tôi và Văn phân công rồi, có khách gọi thì Văn đi khảo sát, đàm phán giá cả, xong là tôi và anh em đánh tàu đi làm. Tiền công thì Văn nhận rồi anh em tôi tính sau, chẳng bao giờ lo thiệt hơn”.

Anh Cửu kể, anh và Văn cùng quê Liên Hoà, Kim Thành, Hải Dương, chơi thân với nhau từ nhỏ. Bẵng đi 3 năm Cửu đi bộ đội, về thì không còn biết tin tức của Văn nữa. Rời quân ngũ, Cửu làm thủ kho, cuộc sống gia đình cuối những năm 90 cũng rất khó khăn.

Lúc nào anh Văn cũng mang 2 cái điện thoại di động hiện đại trong người, nhưng không biết đọc nên khi có khách hàng gọi tới thì anh Cửu lại phải lưu lại. Khi cần gọi ai thì Văn phải nhờ người tìm số hộ.

Một ngày, bỗng dưng Văn lù lù xuất hiện giữa nhà Cửu, buông luôn một tràng: “Bây giờ tao có miếng ăn rồi, mày còn khó khăn. Tao quyết định làm ăn lớn, nhưng vợ chồng tao đều không biết chữ, phải có mày làm cùng tao mới tự tin”. Nghe Văn nói vậy, Cửu chẳng suy nghĩ gì vì biết tính bạn rồi, thế là theo Văn xuống đi làm sắt vụn khu vực cửa sông Cấm.

“Cho tới bây giờ đã sắp 20 năm làm việc cùng nhau, cả 2 chưa bao giờ có một xích mích nhỏ” - anh Cửu nói. Những ngày làm cùng nhau, vì Văn không biết chữ nên mọi việc liên quan đến hợp đồng trong công ty, anh chỉ nói mồm, còn lại anh Cửu phải viết, soạn thảo...

Việc duy nhất của anh Văn là ký (viết) mỗi cái tên cúng cơm của mình vào, thế là xong mà không bao giờ phải suy nghĩ là trong hợp đồng có điều khoản nào mình bị lừa gạ. Riêng chữ Văn, anh Cửu phải dạy bạn hàng chục ngày mới viết nên.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem