Triển khai công tác tìm kiếm, trục vớt các phương tiện bị chìm trong vụ sập cầu Phong Châu. Video: QK2
Sở GTVTtỉnh Phú Thọ vừa có văn bản gửi Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đề nghị xem xét, chấp thuận phương án cứu hộ, cứu nạn, trục vớt các phương tiện và phần cầu Phong Châu (nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông) bị lũ cuốn trôi.
Trên cơ sở phương án cứu hộ, cứu nạn, trục vớt phương tiện chìm đắm và phần cầu Phong Châu bị lũ cuốn trôi của Công ty TNHH Hữu Nghị (Công ty Hữu Nghị), trên cơ sở kết quả khảo sát (dùng thợ lặn kiểm tra, cùng với kiểm tra, đánh giá tại thực địa) và đánh giá tình hình thực tế, vị trí tài sản chìm đắm và dự kiến công tác trục vớt, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đề xuất như sau:
Đối với các phương tiện chìm đắm nằm ngoài nhịp giàn thép của cầu, có thể trục với được ngay, Công ty Hữu Nghị sử dụng tàu trục vớt phương tiện chìm đắm và đưa về gần bờ, sau đó dùng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn trên bờ nâng, nhấc, đặt phương tiện chìm đắm vào khu vực bãi tập kết (khu đất bãi than cũ do UBND huyện Tam Nông, UBND xã Vạn Xuân quản lý).
Đối với các phương tiện chìm đắm nằm trong nhịp giàn thép của cầu, không thể trục với ngay được, Công ty Hữu Nghị sử dụng cần cẩu chuyên dùng 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt cùng các phương tiện, thiết bị cần thiết để nâng nhấc giàn thép lên khỏi mặt nước, tiến hành cắt từng nhịp giàn thép, sau đó dùng tàu lai dắt, chở từng nhịp giàn thép vào bờ và dùng cần cẩu chuyên dùng 150 tấn trên bờ nâng, nhấc, đặt vào khu vực bãi tập kết (khu đất bãi than cũ do UBND huyện Tam Nông, UBND xã Vạn Xuân quản lý).
Cắt các nhịp giàn thép cho tới khi có thể đưa phương tiện chìm đắm ra được thì tiến hành đưa phương tiện chìm đắm vào bờ rồi tiếp tục tiến hành cắt, tháo dỡ các nhịp giàn thép còn lại. Đối với nhịp giàn thép, phương tiện bị bồi lấp sâu dưới lớp cát, phù sa.
Công ty Hữu Nghị ngoài sử dụng các phương tiện thiết bị cần thiết trên còn phải sử dụng thêm vòi xối, hút để loại bỏ lớp cát, phù sa bồi lấp phương tiện và nhịp giàn thép.
Đối với bê tông mặt cầu, trụ cầu, cọc, bệ mố chìm dưới nước, Công ty Hữu Nghị sử dụng cần cẩu chuyên dùng 400 tấn đặt trên bờ và 2 tàu có lắp trục vớt để nâng nhấc lên mặt nước, phần bê tông nhô lên đến đâu, đơn vị thi công sử dụng máy xúc Komasu 450 lắp đầu đục bê tông đặt trên tàu tiến hành phá dỡ đến đó.
Riêng đối với phần trụ cầu T7 bị đổ không thể phá dỡ, lai dắt và chưa tính toán để giải quyết, xử lý theo phương án này, Công ty Hữu Nghị sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền thả phao, báo hiệu cảnh báo bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, chờ khi nước xuống để tiến hành phá dỡ, thanh thải (nếu cần thiết).
Thời gian dự kiến thực hiện đối với các công việc kể trên là 60 ngày, kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án và hiện trường sự cố được cơ quan có thẩm quyền cho phép giao cơ quan, đơn vị chức năng chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép các tư liệu cần thiết phục vụ công tác giải quyết sự cố công trình xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng trước khi phá dỡ, thu dọn và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tháo dỡ phần cầu Phong Châu bị cuốn trôi.
Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ trên sông Hồng lên cao, khoảng 10 giờ ngày 9/9/2024 cầu Phong Châu bị sập, cuốn trôi 2 nhịp 6, 7 và trụ T7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn huyện Tam Nông làm giao thông bị chia cắt.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, Bộ GTVT và Cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với lực lượng công an, quân đội, chính quyền các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo giao thông và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Sở GTVT chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ huy động nhân lực, vật tư, phương tiện lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn khu vực nguy hiểm và triển khai phương án phân luồng, tổ chức giao thông cầu Phong Châu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.