Mười năm trước, năm cổ đông sáng lập đã góp số vốn đầu tiên là 1 tỉ đồng, nay, giá trị công ty đã được định hơn 5.000 tỉ đồng, TGDĐ hiện sở hữu hai chuỗi bán lẻ thegioididong.com (chuyên về các sản phẩm kỹ thuật số: điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện) với 241 chi nhánh và dienmay.com (chuyên kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện gia dụng…) với 13 chi nhánh.
Thế Giới Di Động đưa mô hình siêu thị lớn vào các đô thị lớn. Trong ảnh: siêu thị lớn thứ hai của Thế Giới Di Động vừa được khai trương hôm 1.6.2014 tại ngã tư Cao Thắng – Ba Tháng Hai, Q.10, TP.HCM. Ảnh: Minh Phúc
Nhiều tiềm năng
Ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty tự hào, TGDĐ hiện là chuỗi bán lẻ có mặt trên toàn quốc với nhiều mô hình khác nhau: siêu thị lớn (trên 200m2), siêu thị trung (50 – 200m2) và cửa hàng nhỏ (30 – 50m2). Hiện TGDĐ đang thử nghiệm mô hình cửa hàng nhỏ tại tỉnh Long An với hai cửa hàng đầu tiên. “Nếu thành công về doanh thu và lợi nhuận, chúng tôi mới triển khai mô hình này”, ông Tài nói. Hiện nay, TGDĐ chiếm 25%
thị phần nhóm hàng kỹ thuật số (theo số liệu của GfK Việt Nam, tháng 4.2014). Mục tiêu của nhà bán lẻ này là chiếm 40% thị phần, sau đó sẽ kinh doanh một chuỗi bán lẻ mới nhưng ông Tài không tiết lộ ngành hàng mới này.
Theo số liệu được TGDĐ công bố, giá trị tài sản ngắn hạn và dài hạn của nhà bán lẻ này đã tăng lên nhanh chóng. Nếu năm 2010, khối tài sản ngắn hạn là 25 triệu USD thì vào năm 2013 đã tăng lên 92 triệu USD, dự tính đến cuối năm 2014, giá trị tài sản ngắn hạn sẽ là 135 triệu USD. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 85,8% (năm 2012) xuống còn 64,1% (năm 2013), đồng thời, biên lợi nhuận gộp tăng từ 14,8% lên 15,6%, lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu tăng từ 33,2% lên 41,2%. Ông Tài cho biết, kết quả kinh doanh của quý 1/2014 đã chứng minh năm nay sẽ là một năm tăng trưởng gần gấp đôi năm ngoái về doanh thu và lợi nhuận (kế hoạch được đặt ra cho năm nay: 13.000 tỉ đồng doanh thu và 435 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế).
Nhưng giá quá cao?
Theo ông Trần Huy Thanh Tùng, giám đốc tài chính của TGDĐ, mức giá giao dịch đầu tiên của cổ phiếu MWG dự kiến là 85.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá trên, theo một nhà đầu tư có mặt tại buổi giới thiệu của TGDĐ, là quá cao trong tình hình thị trường chứng khoán hiện nay. Theo nhà đầu tư này, với những thông tin mà hội đồng quản trị TGDĐ công bố trong buổi giới thiệu, nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng “mức độ ổn định của hoạt động bán lẻ ngành hàng điện máy, kỹ thuật số tại Việt Nam vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro mà chính chủ thể cũng chưa tiên liệu được, như mức độ cạnh tranh từ các hệ thống bán lẻ trong và ngoài nước, tỷ lệ chi tiêu của người dân dành cho nhóm hàng này… Trao đổi với nhiều nhà đầu tư bên lề cuộc họp này, dù công bố là 85.000 đồng/cổ phiếu nhưng với đợt “pha loãng” cổ phiếu thưởng vừa rồi (dịp kỷ niệm mười năm thành lập TGDĐ), giá trị thực tế của MWG chỉ từ 50.000 – 60.000đồng/cổ phiếu.
Theo ông Tùng, hiện năm cổ đông sáng lập: Trần Lê Quân, Nguyễn Đức Tài, Trần Huy Thanh Tùng, Đinh Anh Huân và Điêu Chính Hải Triều đang giữ 51% cổ phiếu, phần của Mekong Capital và CDH: 30% cổ phiếu, nhân viên công ty: 10%, các nhà đầu tư mới: 9%. Theo một nguồn tin riêng, hiện năm cổ đông sáng lập và nhân viên của nhà bán lẻ này cam kết không bán phần của mình, Mekong Capital và CDH cũng không có ý định bán ra trong năm nay. Vì vậy, việc công bố lên sàn là bước thực hiện đúng cam kết với Mekong Capital, còn với cổ phiếu mà các cổ đông của TGDĐ đang sở hữu sẽ “không muốn bán ra khi giá trị và tương lai của công ty vẫn đang tăng trưởng tốt”, một thành viên đang sở hữu giá trị cổ phiếu lớn cho biết như vậy. Dù vậy nhưng ông Tài cũng xác nhận rằng, mọi giá trị của MWG vẫn còn ở phía trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.