Lên sàn thương mại điện tử, dược liệu xứ Thanh vươn xa
Lên sàn thương mại điện tử, dược liệu xứ Thanh vươn xa
Anh Thư
Thứ ba, ngày 17/10/2023 10:00 AM (GMT+7)
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, mở rộng thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các loại dược liệu của Thanh Hóa đã và đang được tiêu thụ rộng rãi, từ đó giúp các HTX, doanh nghiệp tại Thanh Hóa duy trì, mở rộng sản xuất, làm ăn hiệu quả.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 641.000ha đất có rừng, trong đó 393.000ha rừng tự nhiên với 529 loài dược liệu bản địa. Trong 5 năm qua, khu vực miền núi Thanh Hóa đã xây dựng được 16 mô hình dược liệu dưới tán rừng tự nhiên và rừng trồng, trong đó tập trung vào các loại dược liệu bản địa có giá trị kinh tế cao như: lan kim tuyến, ba kích, sa nhân, cát sâm, bảy lá một hoa, khôi tía…
Theo thống kê của Sở Công Thương Thanh Hóa, tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh đã có trên 5.568 tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, 188 website bán hàng được duyệt điện tử, trên 10.000 hộ sản xuất, kinh doanh được đào tạo kỹ năng số và kỹ năng hoạt động trên không gian mạng; gần 500 sản phẩm nông sản của Thanh Hóa đã được đưa lên sàn bán hàng trực tuyến.
Sử dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm cũng là cách mà HTX Bản Thổ (xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân) thực hiện ngay từ khi mới thành lập HTX năm 2020. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm của HTX khá ổn định, doanh thu tăng hàng năm. Trong năm 2023, HTX dự kiến sẽ chế biến, tiêu thụ trên 20 tấn sản phẩm mật ong, gồm: mật ong lên men, các dược liệu lên men cùng mật ong như: gừng, tỏi, nghệ... Gần như 100% đơn hàng của HTX đều được đặt và tiêu thụ thông qua các nền tảng số.
Đại diện HTX Bản Thơ cho biết: Nắm bắt nhu cầu và xu hướng tiêu dùng của khách hàng, HTX Bản Thổ đã lựa chọn phương thức bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và các kênh bán hàng trực tuyến khác.
Rau má đang được các đơn vị Thanh Hóa chế biến sâu thành các sản phẩm cung ứng trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng qua các nền tảng số.
So với các phương thức bán hàng truyền thống, rõ ràng kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử không những mở thêm cơ hội mới, giúp HTX có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trên khắp mọi miền đất nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã đưa gần 500 sản phẩm nông sản, dược liệu của nông dân, HTX, doanh nghiệp trong tỉnh lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa và các sàn thương mại điện tử "voso.vn", "postmart.vn"…
Nhiều đặc sản, trong đó có mắm tép đang được tiêu thụ mạnh trên các nền tảng số.
Bên cạnh sự chủ động của các chủ thể, thực hiện Kế hoạch số 195 ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT, thúc đẩy phát trển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và đảm bảo cung cấp tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT... các địa phương, sở, ngành liên quan cũng đã tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết và kết nối với các đơn vị để đưa nông sản lên các sàn như: "postmart.vn", "voso.vn", "nông sản an toàn Thanh Hóa"...
Các sản phẩm được lựa chọn đưa lên sàn thương mại điện tử hầu hết đã đạt tiêu chuẩn OCOP, VietGAP, GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Qua rà soát, hiện nay lượng nông sản tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử chiếm từ 20 - 30% doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân sản xuất trong tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.