Lên sàn UPCoM, “ông trùm” khu công nghiệp Sonadezi “khủng” cỡ nào?

Quốc Hải Thứ hai, ngày 11/09/2017 16:39 PM (GMT+7)
Là chủ đầu tư 12 khu công nghiệp nổi tiếng khu vực phía Nam, độc quyền cung cấp nước cho toàn tỉnh Đồng Nai, sở hữu hàng loạt BOT cầu đường, cùng nhiều dự án bất động sản,… Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) được đánh giá sẽ là “cá mập” trên sàn UPCoM sắp tới.
Bình luận 0

Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam vừa cấp chứng nhận đăng ký và cấp mã chứng khoán cho Tổng Công ty CP Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi) là SNZ. Theo đó, dự kiến 376,5 triệu cổ phiếu SNZ sẽ chuẩn bị được giao dịch trên thị trường UPCoM trong vài tuần tới.

img

KCN Biên Hòa 2  - một trong những KCN quy mô tại khu vực phía Nam, thuộc sở hữu của Sonadezi (Ảnh: IT)

Doanh nghiệp “khét tiếng” về khu công nghiệp

Được thành lập từ năm 1990, Sonadezi là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại tỉnh Đồng Nai, trực thuộc UBND tỉnh Đồng Nai. Theo thống kê, Sonadezi hiện đã phát triển 11 khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Đồng Nai (chiếm 1/3 số lượng KCN trọng điểm của tỉnh) và đang tiếp tục xây dựng KCN lớn nhất tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, chỉ tính riêng tổng diện tích đất KCN mà doanh nghiệp này đang sở hữu đã khoảng 4.810ha, chiếm tỷ lệ 34% tổng diện tích đất công nghiệp hiện có tại tỉnh Ðồng Nai và 17,6% tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có thể kể đến các KCN mà doanh nghiệp này đang sở hữu như: KCN Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, KCN Amata (liên doanh với nhà đầu tư từ Thái Lan), KCN Gò Dầu, KCN - Đô thị Long Thành, KCN Giang Điền, KCN - Đô thị Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán, thời gian gần đây, các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực KCN được các nhà đầu tư rất quan tâm, bởi kỳ vọng nhu cầu thuê đất KCN tăng lên do vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng. Chính vì vậy, trên sàn chứng khoán, các mã cổ phiếu lĩnh vực bất động sản hạ tầng KCN đều khá ổn định và tăng giá khá tốt. Đây cũng là “điểm cộng” có thể tác động tốt đến giá cổ phiếu Sonadezi khi chính thức niêm yết.

Ngoài việc đầu tư vào KCN, Sonadezi còn nổi tiếng trong việc góp vốn, liên doanh, liên kết đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng lớn như: Dự án BOT đường 768; Dự án cải tạo, nâng cấp QL 91 (Cần Thơ); Dự án đường 319 nối dài và nút giao đường 319 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hình thức BOT; Dự án nâng cấp, cải tạo Cầu Hóa An; Dự án Mở rộng Cảng Ðồng Nai,...

Đặc biệt, Sonadezi cũng là đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch cho các khu dân cư tập trung và các KCN trên toàn địa bàn tỉnh Ðồng Nai.

img

Hiện 1/3 số lượng KCN trên toàn tỉnh Đồng Nai là thuộc sở hữu của Sonadezi (Ảnh: IT)

Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Sonadezi đạt 1.662 tỷ đồng doanh thu thuần, 246 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng trưởng lần lượt 2% và 113% so với cùng kỳ. Sonadezi hiện có 1.905 tỷ đồng tiền, tương đương tiền; trong đó 1.153 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, chiếm tổng cộng hơn 55% tài sản ngắn hạn. Hàng tồn kho cuối kỳ là 889 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm và 2.595 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, chủ yếu nằm ở chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và chi phí đầu tư hạ tầng KCN...

Kết thúc quý 2.2017, tổng nợ phải trả của Sonadezi tăng 11% so với đầu năm lên 9.055 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,45. Nợ vay ngân hàng ngắn hạn là 773 tỷ đồng, vay dài hạn là 2.628 tỷ đồng.

Cổ phiếu SNZ “ngon mà... chưa ngon”?

Hiện thời gian chính thức niêm yết cổ phiếu SNZ cùng mức giá “chào sàn” cũng chưa được Sonadezi công bố; tuy nhiên trên các diễn đàn chứng khoán đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm về mã cổ phiếu này.

Theo cáo bạch mà Sonadezi công bố, cơ cấu cổ đông doanh nghiệp này tại ngày 15.5.2017 thì có đến 99,99% là sở hữu của cổ đông trong nước (trong đó, tỷ lệ sở hữu của UBND tỉnh Đồng Nai lên tới 99,54% và cá nhân chỉ nắm 0,46%), tỷ lệ cổ đông nước ngoài chỉ nắm 0,0016%. Theo kế hoạch, dự kiến Nhà nước sẽ chỉ còn nắm 65% vốn điều lệ, còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng chính bởi việc cổ đông Nhà nước vẫn còn nắm giữ tới 65% vốn điều lệ nên có thể Sonadezi sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư tổ chức tham gia.

Còn nhớ, phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Sonadezi diễn ra ngày 30.12.2015 tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), số lượng cổ phần được đem ra bán đấu giá là hơn 131 triệu đơn vị, chiếm tới 34,88% vốn điều lệ của Sonadezi với giá khởi điểm là 10.500 đồng/CP.

Tuy nhiên, chỉ có hơn 1,3 triệu cổ phần được mua (tương đương 1% lượng chào bán) với mức giá trúng bình quân 10.508 đồng/CP.

Về vấn đề này, một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, sức hấp dẫn của cổ phiếu SNZ nằm ở ngành nghề kinh doanh khi đầu tư quy mô lớn vào các lĩnh vực bất động sản hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở, khu đô thị, đến đầu tư dự án BOT cầu đường, đầu tư nhà máy nước… Đây đều là những lĩnh vực đang mang lại kết quả kinh doanh khả quan trong tiến trình mở cửa. Tuy nhiên, việc khống chế sở hữu cổ đông nhà nước ở mức 65% có thể sẽ không hút được các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chiến lược tham gia...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem