Cổ phiếu “bom tấn” lĩnh vực nông nghiệp
Lộc Trời được biết đến là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần lớn nhất cả nước trong ngành kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (trước đây là Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang). Theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp này, nếu năm 2016, doanh thu thuần của công ty đạt 7.783 tỷ đồng, thì lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lên tới 1.416 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với các mảng khác như lương thực (76 tỷ đồng) và hạt giống (79 tỷ đồng). Đây cũng là 3 mảng kinh doanh chiếm tỷ lệ lớn của Lộc Trời.
Tuy nhiên, nếu xét trong 3 năm trở lại đây (từ 2014-2016), cơ cấu lợi nhuận gộp của 3 ngành này biến động khá đáng kể.
Cụ thể, với ngành thuốc bảo vệ thực vật, năm 2014 mang về khoản lợi nhuận gộp 1.572 tỷ đồng, thì sang năm 2015 còn số này giảm còn 1.267 tỷ đồng (giảm từ 60% về 52% trong cơ cấu doanh thu). Tương tự, lợi nhuận gộp của ngành sản xuất hạt giống cũng giảm từ 225 tỷ đồng trong năm 2014 về 197 tỷ đồng trong năm 2015. Thay thế cho 2 ngành này là ngành sản xuất lúa gạo tăng từ 201 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng (tăng từ 29% lên 36%).
Bước sang năm 2016, tỷ lệ về cơ cấu lợi nhuận gộp ngành sản xuất lúa gạo và hạt giống đều giảm đáng kể với con số lần lượt là 76 và 79 tỷ đồng, buộc Lộc Trời phải quay về lĩnh vực truyền thống để tìm kiếm tăng trưởng.
Kết thúc năm 2016, doanh thu của công ty giảm 1% so với năm 2015, xuống 7.783 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 464 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015.
Theo đáng giá của giới chuyên gia chứng khoán, Lộc Trời khi niêm yết sẽ trở thành cổ phiếu “bom tấn”, trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân là vì, xét về quy mô, Tập đoàn Lộc Trời có vốn điều lệ 672 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu rất lớn với gần 2.200 tỷ đồng, nên khi DN này lên sàn sẽ là mối đe dọa hút bớt dòng tiền, cạnh tranh nhà đầu tư với các cổ phiếu nông nghiệp khác trên sàn. Đặc biệt, với hơn 67 triệu cổ phiếu, khi lên sàn, Lộc Trời sẽ trở thành một trong những công ty nông nghiệp có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán.
Cổ phiếu Lộc Trời bao nhiêu là hợp lý?
Theo báo cáo thường niên 2016 mà Lộc Trời công bố, hiện cơ cấu cổ đông của tập đoàn này tính đến cuối năm 2016 gồm: 44,04% cổ đông nước ngoài, 24,15% cổ đông nhà nước, 17,33% cổ đông nội bộ, 10,61% cổ đông trong nước, và 3,87% cổ đông là đại lý nông dân.
Nếu so sánh với các doanh nghiệp nông nghiệp cùng ngành khác đã niêm yết như: Công ty CP Pan, Giống cây trồng Trung ương Vinaseed (NSC), Giống cây trồng miền Nam (SSC), Giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình Seed)... có thể thấy Lộc Trời cũng có những điểm mạnh và yếu hơn nên rất khó để có thể đưa ra mức giá “chào sàn” hợp lý.
Chẳng hạn với Pan, xét về quy mô vốn điều lệ của Lộc Trời chỉ bằng 2/3 so với PAN, nhưng quy mô vốn chủ sở hữu của Lộc Trời cũng xấp xỉ so với PAN. Trong khi đó, nếu so với Vinaseed thì Lộc Trời lại có vẻ nhỉnh hơn về quy mô, bởi Vinaseed chỉ có quy mô vốn điều lệ 153 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại khó có thể căn cứ vào thị giá cổ phiếu của 2 doanh nghiệp này để định giá cổ phiếu Lộc Trời, bởi dù lớn về quy mô nhưng hiện tại thị giá của PAN đang ở mức 40.000 - 41.000 đồng/CP, trong khi Vinaseed (mã NSC) lại đang giao dịch ở vùng giá 109.000-110.000 đồng/CP.
Hiện tại, giá chào sàn cổ phiếu Lộc Trời vẫn chưa được phía tập đoàn này công bố. Tuy nhiên, theo thông tin từ giới môi giới chứng khoán phía Nam, giá cổ phiếu Lộc Trời đang được nhà đầu tư săn lùng với mức giá chuyển nhượng khoảng 58.000 - 60.000 đồng/CP trên sàn OTC...
Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang) thành lập ngày 30.11.1993 với ngành nghề sản xuất kinh doanh chính là cung ứng thuốc bảo vệ thực vật. Ban đầu phạm vi hoạt động của công ty chỉ ở quanh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1994, Công ty mở văn phòng đại diện tại TP.HCM và sau đó mở rộng phạm vi kinh doanh trên cả nước.
Năm 1996, với Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Giống đi vào hoạt động và đầu tư xây dựng 2 nhà máy gia công, chế biến nông dược tổng công suất 5.000 tấn/năm, Công ty chính thức bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh hạt giống.
Công ty cổ phần hóa năm 2004 với vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Đến năm 2011, công ty bắt đầu hình thành với chuỗi giá trị gạo bao gồm 5 nhà máy đặt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng từ đây, thương hiệu gạo "Hạt Ngọc Trời" của công ty không chỉ có chỗ đứng tại thị trường trong nước mà đã có mặt tại 36 quốc gia trên thế giới.
Năm 2015, công ty đổi tên thành Tập đoàn Lộc Trời. Đến cuối năm 2016, vốn chủ sở hữu của Tập đoàn đạt 2.176 tỷ đồng, trong đó, vốn điều lệ đạt 671,6 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.