Lênh đênh “bò gù” Việt: Quá nhiều ngang trái

Thứ năm, ngày 01/11/2012 12:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không biết bao nhiêu tai ách trên “đường đi” của bò gù từ biển Việt đến bàn ăn. Yếu kém, tiêu cực đã kéo chậm sự phát triển của nền công nghiệp bò gù nước nhà...
Bình luận 0

Tư duy “mau thấy”

Lâu nay, dân khai thác bò gù ở Phú Yên làm ăn khá ổn với kiểu câu vàng (dân địa phương gọi là câu dàng). Với kiểu này, ngư dân giăng cước với nhiều chùm lưỡi câu trong vòng nhiều cây số vuông, rồi đi thu cá dính câu, chất lượng cá rất tốt. Thế nhưng chính dân chuyên nghề này tại nhiều tỉnh khác đang tự đánh mất thương hiệu bò gù Việt Nam, khi ồ ạt du nhập, bắt chước kiểu câu đèn của ngư dân Trung Quốc. Đó là cách câu dùng bóng đèn cao áp (cỡ 2.500W) chiếu sáng để câu bò gù ngay cạnh mạn tàu. Đây là kiểu câu tận diệt bò gù cả lớn lẫn bé.

img
Sơ chế bò gù tại một điểm thu mua ở cảng phường 6 (Tuy Hòa).

Theo các ngư dân, loại đèn câu này được sản xuất tại Trung Quốc, có “chất gì không biết nhưng rất độc”. Đèn này chiếu ra rất nóng, gây nhức mắt, đau đầu, bỏng sạm da nhiều ngư dân và giảm hẳn chất lượng thịt bò gù vì thịt bị đỏ bầm, phân hủy rất nhanh. Bò gù câu đèn luôn được mua chỉ bằng một nửa giá so với câu vàng. Như hiện tại, giá bò gù câu vàng (loại 1) 170.000 đồng/kg, trong lúc bò gù câu đèn (cùng loại) chỉ 95.000 đồng/kg. Cá loại 1 thường xuất sang Mỹ và Nhật, lên thẳng máy bay; các loại còn lại thường xuất sang các nước châu Á khác hoặc sử dụng trong nước.

Theo ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, TP.Tuy Hòa, lúc này, tàu bò gù câu đèn ở Phú Yên chỉ còn chiếm dưới 5%, còn tỷ lệ câu đèn của ngư dân Bình Định, Khánh Hòa vẫn còn rất cao. “Bởi thế, sản lượng bò gù của Bình Định, Khánh Hòa đang cao hơn Phú Yên, nhưng giá trị thu nhập lại thấp hơn. “Thống kê cho thấy, đầu tàu bò gù Bình Định và Khánh Hòa cũng đang nhiều hơn tại Phú Yên, sản lượng tăng mạnh nhưng chủ tàu chỉ đầu tư cấp thời kiểu câu đèn, nếu bò gù thất thu thì sẵn sàng chuyển sang đánh bắt “món” khác. Còn ngư dân Phú Yên chuyên nghiệp hơn, sống chết với bò gù, chủ yếu “nói không” với câu đèn nên chất lượng, giá trị bò gù ở đây luôn vượt hẳn các tỉnh khác…” - ông Thuẫn nói.

Phát triển kiểu “mau thấy” rồi dân bò gù cũng tự “nhìn ra vấn đề”, nhiều chủ tàu muốn trở lại kiểu câu vàng nhưng lại tiếc của vì đã lỡ đầu tư bạc triệu vào thiết bị câu đèn…

Bò gù… tiêu cực

Trao đổi với đại diện các cơ quan chức năng xung quanh thực hiện hỗ trợ tiền dầu (theo Quyết định số 48 của Thủ tướng Chính phủ) thì ai cũng úp úp mở mở: “Đây là chuyện “nhạy cảm, bí mật”. Trong lúc đó, dân câu bò gù bức xúc, kiện cáo tùm lum, tòe loe. Chung quy, “cùng ra khơi, cùng ký xác nhận nhưng tàu có tiền, tàu lại không”.

Ông Phan Thuẫn cho hay: Vừa qua, bà con ý kiến rất căng thẳng về cách xét duyệt của cơ quan chức năng, nghiệp đoàn đã tổ chức đối thoại giữa hai bên. Tại đây, ông Nguyễn Hữu Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản Phú Yên cho biết: Năm 2011, có trên 200 hồ sơ xin hỗ trợ đã không được xét duyệt; năm nay cũng đã có hàng chục hồ sơ khác bị “lắc”. Ông Vinh thừa nhận: Có trường hợp ngư dân thiệt thòi khi tàu bò gù vào đảo (hoặc nhà giàn) ký xác nhận nhưng chỉ huy không báo cáo về Hải quân Vùng 4, thế nên nhiều hồ sơ đã bị “lắc đầu” khi tổ xét duyệt đến xác minh.

Phát triển kiểu “mau thấy” rồi dân bò gù cũng tự “nhìn ra vấn đề”, nhiều chủ tàu muốn trở lại kiểu câu vàng nhưng lại tiếc của vì đã lỡ đầu tư bạc triệu vào thiết bị câu đèn…

Nhiều ngư dân nói: “Cần kíp lắm chúng tôi mới ghé tàu vào đảo, bởi không ít chiếc đã bị hư hỏng, phải thoát người, bỏ lại tàu giữa biển, cũng vì… ký xác nhận “có xa bờ”! Làng bò gù đang râm ri, sục rục cũng vì cái chuyện “có có, không không” trong việc xác nhận, hỗ trợ này…”.

Nhiều cán bộ trong các ngành liên quan, cũng công nhận đang “có vấn đề” trong việc xét duyệt hồ sơ hỗ trợ xăng dầu cho tàu đánh bắt xa bờ. Nhiều vị chức sắc đã chính thức lên tiếng: Cần minh bạch, khoa học, công bằng hơn trong vấn đề này. Thế nhưng mọi việc vẫn “nếp cũ mà làm”.

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều chủ tàu bò gù “tiêu cực” trong làm hồ sơ hỗ trợ, thế nhưng chuyện cán bộ tiêu cực thì cứ mãi “úp úp mở mở”. Cuối tháng 10.2012, Công an Phú Yên cho biết đã bắt quả tang một nhân viên lái xe (của Chi cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên) đang nhận 3 triệu đồng của một ngư dân ở phường 6, TP. Tuy Hòa để “bôi trơn” việc xin hỗ trợ dầu cho tàu đánh bắt xa bờ (theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ). Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra mở rộng và khả năng sẽ liên quan đến nhiều kẻ ngư dân đánh bắt bò gù…

Kỳ cuối: Ai “chống lưng” bò gù?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem