Lệnh trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ: “Đừng đùa với gấu Nga!”

Đăng Thuý (thực hiện) Thứ hai, ngày 30/11/2015 08:01 AM (GMT+7)
“Không chỉ nói một mình Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại, Nga cũng phải chấp nhận cái giá phải trả vì lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ vì hiệu ứng Boomerang luôn đúng cho cả Mỹ và EU”, tiến sĩ Nguyễn Cảnh Toàn - chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Nghiên cứu về Nga và SNG thuộc Viện Nghiên cứu châu Âu nhận định.
Bình luận 0

Thưa ông, Tổng thống Nga Putin đã chính thức ký sắc lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su 24 của Nga. Cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải gánh là hậu quả tất yếu?

- Đúng vậy, quyết định trừng phạt kinh tế mà Nga đưa ra là để trả đũa cho hành động bắn rơi máy bay Su 24. Tuy nhiên, không chỉ nói một mình Thổ Nhĩ Kỳ chịu thiệt hại trong quyết định này. Nga cũng phải chấp nhận cái giá phải trả vì lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ... Có thể hiểu nôm na về hiệu ứng Boomerang là loại trò chơi khi ném lên không sẽ quay trở về nơi xuất phát: Khi bạn cho tôi cái gì, bạn sẽ được nhận lại cái ấy.

img

Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (trái) bày tỏ "đau buồn" về vụ bắn rơi Su 24 nhưng với Tổng thống Putin (phải) như thế là chưa đủ.  Ảnh: AP

Tuy nhiên, trong câu chuyện về lệnh trừng phạt kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, vấn đề là ở chỗ trong chuyện này, trước mắt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiệt hại hơn Nga. Trong trường hợp nếu cả Mỹ và phương Tây cùng Thổ Nhĩ Kỳ "đánh hội đồng"  Nga thì thiệt hại sẽ là 50/50. Đây là con số mang tính hình tượng, định tính, không định lượng.

Rõ ràng, mọi chuyện có thể sẽ khác nếu Nga nhận được điều họ muốn từ Thổ Nhĩ Kỳ đó là một lời xin lỗi. Tuy nhiên, dù cảm thấy “hối tiếc”, “đau buồn” về sự việc nhưng lời xin lỗi đã quá khó khăn để Ankara nói ra trong trường hợp này. Vì sao vậy thưa ông?

- Vấn đề trong vụ việc bắn rơi máy bay Su 24 , Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ là con tốt trên bàn cờ. Ông Erdogan tuy là Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ông này không thể làm phật lòng Mỹ và Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cho đến thời điểm này, những phát ngôn của ông Erdogan đều trong tình cảnh “tiền hậu bất nhất” cho dù sức ép của ông Putin đã gần như đến đỉnh điểm.

Ông có cho rằng, Nga lường trước được mọi việc và Mátxcơva có khả năng để đối phó với tất cả, thậm chí lật ngược thế vờ và làm chủ ở Trung Đông?

 - Theo tôi, Tổng thống Nga Putin thừa thông minh, đủ khôn ngoan và bản lĩnh của nhà tình báo và hơn 15 năm chèo lái nước Nga, ông ấy sẽ tìm cách tối ưu nhất khi hoạt động ở khu vực Trung Đông. Còn về khả năng lật ngược thế cờ và làm chủ ở Trung Đông thì chưa hẳn, mặc dù có thể, song để làm được điều đó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng ta vẫn có câu nói “may hơn khôn” nên chưa thể nói trước được.

Dư luận đang lo ngại, khi đang phải hứng chịu những lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, nền kinh tế Nga liệu có đủ sức để đối phó với những thách thức mới hay không khi Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thị trường xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu của Nga?

- Xin nhớ rằng, Nga là một đất nước lớn mạnh nên dù có bị thiệt hại nhưng không thể làm Nga gục ngã nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì có thể. Một Thổ Nhĩ Kỳ nghèo nàn về năng lượng luôn phải dựa vào nhà cung cấp Nga với hơn một nửa lượng khí đốt tự nhiên được nhập khẩu, trong khi Mátxcơva cũng đã bắt đầu xây dựng một trạm năng lượng nguyên tử đầu tiên ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ tại tỉnh Akkuyu. Những nhà nghiên cứu về Nga như chúng tôi đều hiểu rất rõ về câu nói “Đừng đùa với gấu Nga” và trong trường hợp với Thổ Nhĩ Kỳ, câu nói này vẫn nguyên giá trị.

Xin cảm ơn ông!

Theo các số liệu chính thức, trong năm 2014, khoảng gần 4,5 triệu người Nga đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, khiến Nga trở thành quốc gia có số lượt khách du lịch lớn nhất đến đây, hơn cả Đức. Liên đoàn Du lịch Nga cũng đã yêu cầu tất cả các hãng lữ hành trong nước không tiếp tục bán các gói du lịch sang Thổ Nhĩ Kỳ, và đề nghị này đã lập tức được các công ty tuân thủ.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem