Phóng viên Báo NTNN đã gặp gỡ ông Lê Hoài Hưng - Giám đốc Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Tập đoàn Nafoods) - đơn vị đầu tiên xuất khẩu chanh leo sang châu Âu để tìm hiểu thêm về hành trình đặc biệt này.
Vì sao Nafoods quyết tâm để xuất khẩu được chanh leo sang châu Âu?
- Tập đoàn Nafoods hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã hơn 20 năm nay, sản phẩm chủ lực là chanh leo cô đặc. Sản phẩm này hiện tại đã xuất khẩu sang 50 nước trên thế giới như các nước châu Âu, châu Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó thị trường chủ đạo là châu Âu chiếm hơn 70% sản lượng xuất khẩu của Nafoods.
Trong năm 2018 Tập đoàn Nafoods đặt mục tiêu xuất khẩu 600 tấn chanh leo. Ảnh: Đ.T
Cuối năm 2017, Nafoods đã chính thức xuất khẩu 2 lô hàng chanh leo tươi đầu tiên sang Pháp và Thụy Sĩ, đây là bước ngoặt lớn của Nafoods. Việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu không chỉ củng cố cho thương hiệu hoa quả tươi của Nafoods, mà cũng là cách công ty thiết lập một thị trường ổn định về mặt giá cả, uy tín cao.
Quá trình chuẩn bị để xuất khẩu lô hàng đầu tiên đi châu Âu có gặp nhiều khó khăn không, thưa ông?
- Dù đã có nhiều năm trong lĩnh vực nông nghiệp, mỗi năm xuất khẩu 7.000-8.000 tấn chanh leo cô đặc sang châu Âu, tuy nhiên để quả chanh leo tươi vào thị trường này quả không hề đơn giản.
Quá trình xuất khẩu chanh leo bắt đầu hình thành với chúng tôi từ chuyến đi tham quan Pháp năm 2016. Tại các siêu thị ở Pháp, họ bán trái cây nhiệt đới rất nhiều, trong đó chanh leo có giá 14 euro/kg, tương đương khoảng 380.000- 400.000 đồng/kg, gấp 10 lần giá bán ở Việt Nam.
Người châu Âu rất thích quả chanh leo, đây lại là một thị trường lớn. Lúc đó, chúng tôi mới nghĩ, tại sao mình đã có kiến thức cơ bản về chanh leo lại không tính xuất khẩu trái chanh leo tươi? Từ ý tưởng đấy, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tiêu chuẩn để vào được châu Âu. Đó là chứng nhận GlobalGAP - tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu.
Châu Âu không chỉ kiểm soát ngặt nghèo trái cây xuất khẩu sang đó, họ còn kiểm soát, kiểm tra cả đất, nước, giống, canh tác và rất nhiều tiêu chí khác nữa.
Riêng đối với đất phải test 15 loại chỉ số về kim loại nặng, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Nước tưới cũng phải test xem có đảm bảo hay không. Tiếp đó là chọn giống, canh tác. Tất cả đều phải trải qua quá trình rất khắt, tuân thủ quy trình do châu Âu ban hành.
Trong năm 2018 Nafoods đặt mục tiêu xuất khẩu 600 tấn chanh leo. Chúng tôi đang tìm hiểu những thị trường mới như Hà Lan, Anh, Nhật, Canada, Úc, New Zealand, Mỹ… Năm nay chúng tôi cũng kiến mở rộng diện tích chanh leo GlobalGAP ở Mộc Châu (Sơn La) và Tây Nguyên, mỗi vùng thêm 100ha”.
Ông Lê Hoài Hưng
|
Chúng tôi mất tròn 1 năm nghiên cứu, đến tháng 3.2017 bắt đầu trồng chanh leo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Mặc dù trồng đại trà hàng nghìn ha nhưng vùng trồng chanh leo đủ tiêu chuẩn mới chỉ có 8ha ở Mộc Châu (Sơn La).
Vậy từ lúc thu hoạch cho đến khi xuất khẩu, trái chanh leo còn phải trải qua những lầm kiểm tra nào nữa?
- Sau 4 tháng, cây chanh leo cho thu hoạch quả. Chúng tôi lại trải qua một quá trình khắt khe khác là test quả, quả chanh leo được xay cả vỏ để kiểm tra với 734 chỉ số cơ bản và 8 chỉ tiêu nâng cao. Sau đó, chúng tôi tiếp tục gửi mẫu quả ngẫu nhiên trên vườn để phía bên kia test lại lần nữa.
Không những thế, quy trình đóng gói tưởng chừng như đơn giản nhưng không hề đơn giản tí nào. Họ yêu cầu phải test mực in trên thùng các tông đóng gói để xem tỷ lệ chì có vượt mức cho phép hay không. Khi đóng hàng, nhân viên phải mặc quần áo vô trùng, đeo găng tay, tất cả phải chuẩn chỉ.
Vấn đề kiểm dịch cũng rất khắt khe, do lần đầu tiên kiểm dịch quả chanh leo nên không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan kiểm dịch cũng rất lo lắng. Nếu hàng bị trả về thì không chỉ mất uy tín của doanh nghiệp mà nó còn là thương hiệu, uy tín nông nghiệp quốc gia.
Chúng tôi rất lo, gần như dùng kính lup để soi từng quả chanh leo. 1kg chanh leo tương đương khoảng 14 quả, với 2 tấn chanh leo, tức gần 300.000 quả chanh leo. Chúng tôi vừa soi, vừa xoa xem có vết nào nghi vấn không, cắt ra xem ruồi đục trái có làm ổ trong đó không bởi xhâu Âu sợ nhất là quả bị chích hút, ruồi đục trái. Chỉ cần phát hiện có ruồi đục quả họ sẽ hủy toàn bộ lô hàng.
Trong 3 ngày quả chờ quả chanh leo từ Việt Nam bay sang bên kia, chúng tôi gần như không ngủ vì lo lắng. Cho đến khi phía bên kia kiểm tra xong và nhận hàng thì chúng tôi mới vỡ òa trong sung sướng.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.