Licogi không bảo toàn vốn Nhà nước, Bộ tài chính lên tiếng cảnh báo

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 18/02/2019 13:44 PM (GMT+7)
Việc Tổng công ty Licogi - CTCP ghi nhận mức lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2017 âm 58,7 tỷ đồng đã khiến Bộ Tài chính phải lên tiếng cảnh báo do Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại Licogi có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm và giải pháp khắc phục
Bình luận 0

img

Bộ Tài chính cho biết, Tổng công ty chưa Licogi bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. (Ảnh: Internet)

Licogi thua lỗ, chưa bảo toàn vốn Nhà nước

Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của Tổng công ty Licogi - CTCP.

Về phía công ty mẹ Licogi, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm 2017 đạt 450 tỷ đồng, giảm 88,4 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức giảm 16,4%. Cùng năm này, công ty mẹ lỗ sau thuế 102 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu của công ty mẹ Licogi đạt 157,6 tỷ đồng, giảm 33% so với 6 tháng đầu năm 2017. Tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 96,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 52,3%. Trong đó doanh thu bất động sản tiếp tục giảm mạnh từ 133,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 xuống còn 70,5 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỷ đồng. Tỷ suất ROE và ROA 6 tháng 2018 của công ty mẹ đạt lần lượt 0,51% và 0,09%.

Đối với Tổng công ty Ligcogi, năm 2017, tổng doanh thu đạt 2.721 tỷ đồng, giảm 200 tỷ đồng so với năm 2016, tương đương mức giảm 7%. Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2017 âm 58,7 tỷ đồng.

Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của toàn Tổng công ty đạt xấp xỉ 1.314 tỷ đồng, giảm 0,35% so với cùng kì 2017. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt gần 10 tỷ đồng. Tỉ suất ROE và ROA đạt lần lượt 1,41% và 0,08%.

Theo Bộ Tài chính, kết quả kinh doanh thua lỗ năm 2017 dẫn đến hệ số bảo toàn vốn và mức độ bảo toàn vốn của công ty mẹ năm 2017 lần lượt là 0,83 và 0,56; của toàn Tổng công ty là 0,79 và 0,49.

“Kết quả trên cho thấy Tổng công ty chưa bảo toàn vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, doanh thu của Công ty mẹ và toàn Tổng công ty trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 giảm so với cùng kì năm trước. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn tại Tổng công ty có báo cáo nguyên nhân việc doanh thu liên tục giảm cũng như có giải pháp khắc phục”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Licogi bị nghi ngờ khả năng hoạt động

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty Licogi tại thời điểm ngày 31.12.2017 và 30.6.2018 lần lượt là 9,02 lần và 9,19 lần. Hệ số khả năng thanh toán ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh và khả năng thanh toán tức thời tại ngày 31.12.2017 lần lượt là 0,65 lần, 0,45 lần và 0,04 lần, tương ứng tại thời điểm ngày 30.6.2018 là 0,62 lần, 0,4 lần và 0,04 lần.

Tại ngày 31.12.2017, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty Licogi là 2.353 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 2.156 tỷ đồng, chiếm 91,63%. Tương tự, tại ngày 30.6.2018, tài sản ngắn hạn của Tổng công ty Licogi là 2.302 tỷ đồng, trong đó nợ phải thu và hàng tồn kho là 2.103 tỷ đồng, chiếm 91,33%.

Còn công ty mẹ - Tổng công ty Licogi đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 3 tháng, do tài sản ngắn hạn của Tổng công ty chủ yếu là nợ phải thu và hàng tồn kho, số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 30.6.2018 chỉ khoảng 40 tỷ đồng.

Trước đó, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý về khả năng hoạt động liên tục của Ligcogi: “Tại ngày 31.12.2017, tổng nợ ngắn hạn của Tổng công ty - công ty mẹ vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.232 tỷ đồng. Những sự kiện này cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty - công ty mẹ”.

Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở hệ số nợ và cơ cấu tài sản ngắn hạn có thể thấy khả năng thanh toán của Tổng công ty cũng như Công ty mẹ phụ thuộc lớn vào công tác bán hàng tồn kho và thu hồi nợ. Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo người đại diện vốn nhà nước tại Licogi có giải pháp đẩy mạnh công tác bán hàng, giảm hàng tồn kho, đôn đốc thu hồi nợ đúng hạn, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.

Chưa trích lập dự phòng đúng quy định

Tổng giá trị đầu tư tài chính dài hạn của Công ty mẹ Licogi tại ngày 31.12.2017 là 1.734,8 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào các công ty con là gần 1.414 tỷ đồng, chiếm 81,5% tổng giá trị đầu tư, đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết là gần 328 tỷ đồng, và đầu tư dài hạn khác chiếm 57,3 tỷ đồng. Cổ tức và lợi nhuận được chia năm 2017 là hơn 53 tỷ đồng, tỉ suất cổ tức, lợi nhuận trên tổng giá trị đầu tư ở mức thấp, đạt 3,06%.

Qua ra soát báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2017 của Licogi, Bộ Tài chính cho biết, Tổng công ty Licogi chưa trích lập dự phòng theo qui định. Về việc này, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến về việc trích lập dự phòng của công ty mẹ đối với công ty con là Công ty TNHH MTV Nhà ở và đô thị Licogi

“Tổng công ty – Công ty mẹ chưa thực hiện trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào công ty con này theo hướng dẫn tại Thông tư số 228/2009/TT-BTC về hướng dẫn chế độ trích lập các khoản dự phòng”. Nếu trích lập dự phòng đầu tư vào công ty con thì khoản mục đầu tư tài chính dài hạn và lợi nhuận sau thuế tại ngày 1.1.2017 và 31.12.2017 sẽ giảm đi tương ứng 55 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo Người đại diện vốn nhà nước tại Licogi rà soát lại các khoản đầu tư, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các đơn vị và thực hiện trích lập dự phòng các khoản đầu tư đúng qui định đảm bảo báo cáo tài chính phản ánh đúng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem