Hé lộ năng lực tài chính liên danh vừa trúng gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ thuộc dự án sân bay Long Thành

Nhóm PVKT Thứ sáu, ngày 25/08/2023 07:36 AM (GMT+7)
Liên danh nhà thầu Vietur vừa trúng gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án Sân bay Long Thành có năng lực tài chính thế nào?
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, tối qua (24/8) Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu 5.10 "thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" thuộc dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án Đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, liên danh nhà thầu Vietur đã chính thức trúng gói thầu 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng.

Liên danh Vietur gồm 10 doanh nghiệp, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Istas của Thổ Nhĩ Kỳ. Các thành viên còn lại gồm Ricons, Newtecons, Sol E&C, Tổng công ty Xây dựng số 1, ATAD, Vinaconex, Phục Hưng Holdings, Hawee cơ điện và Tổng công ty Xây dựng Hà Nội.

Theo ACV công bố, liên danh nhà thầu Vietur trúng gói thầu 5.10 thuộc dự án sân bay Long Thành với giá trúng thầu là 27.813.939.171.360 VNĐ và 338.849.804 USD; Đây là loạt hợp đồng theo giá kết hợp.

Thời gian thực hiện hợp đồng là 1.170 ngày, tương đương 39 tháng đã bao gồm cả các ngày nghỉ lễ Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam kể từ ngày ký hợp đồng. Thời gian diễn ra lễ ký kết hợp đồng dự kiến trong thời gian từ ngày 25/8 - 30/8.

Bức tranh tài chính liên danh Vietur vừa trúng gói 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Mô phỏng sân bay Long Thành. Ảnh: ACV

Liên danh nhà thầu Vietur - nhà thầu trúng gói 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng thuộc dự án sân bay Long Thành làm ăn ra sao?

Trong quý II/2023, Tổng công ty CP Xây dựng Hà Nội (HAN) có kết quả kinh doanh hợp nhất với doanh thu thuần giảm 19%, còn 730 tỷ đồng. Doanh thu tài chính giảm 4% xuống 8 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh 65% lên 8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 56% xuống 15 tỷ.

Kết quả, HAN ghi nhận lãi sau thuế quý II gần 8 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm 29% xuống 901 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 76% xuống 11 tỷ đồng. So với kế hoạch, HAN mới hoàn thành hơn 18% mục tiêu lãi cả năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6, tổng tài sản của HAN đạt 7.483 tỷ đồng. Công ty nắm có 250 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, giảm mạnh 270 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của HAN tại thời điểm cuối quý II là 5.845 tỷ, gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu.

Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (CC1) ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.236,6 tỷ đồng, giảm 22,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán giảm 23,5% so với cùng kỳ, còn hơn 1.127,2 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng lên mức 8,8% so với mức 7,4% cùng kỳ năm trước.

Doanh thu tài chính quý này giảm 20% còn 76,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận 95,9 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm nhẹ 2,8% còn gần 132,1 tỷ đồng.

CC1 ghi nhận khoản lỗ sau thuế 2,5 tỷ đồng do chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm tính ở mức 10 tỷ đồng, cùng kỳ báo lãi ghi nhận 7,3 tỷ đồng. Theo doanh nghiệp giải trình đây là giai đoạn khó khăn chung của toàn ngành xây dựng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp xây dựng này ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 144,5 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày kết thúc quý II/2023, TCT Xây dựng Số 1 ghi nhận tổng cộng tài sản ở mức 14.415,4 tỷ đồng, giảm 7,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 12,4% còn 9.190 tỷ đồng. Tài sản dài hạn tăng 2,6% lên 5.225,3 tỷ đồng.

Trong quý II/2023, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ; Lợi nhuận gộp kỳ này giảm 54% so với cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng 170% lên mức 27 tỷ đồng; lãi từ công ty liên kết tăng đột biến gấp 22 lần cùng kỳ lên 63,2 tỷ đồng.

Ricons lãi 52,5 tỷ đồng trong quý II, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 20% và tăng 40,2% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Tổng tài sản của công ty tại thời điểm 30/6 đạt 7.263 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Công ty có 1.095,3 tỷ đồng trữ tiền, giảm 13,5%, trong số này có 140 tỷ đồng đầu tư trái phiếu có kỳ hạn trên một năm và hưởng lãi suất theo từng hợp đồng.

Trong khi đó, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) ghi nhận doanh thu thuần 4.567 tỷ đồng trong quý II, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ.

Kết quả, Công ty báo lãi sau thuế giảm 24% xuống còn 130 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 6.531 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ và lãi sau thuế đạt 139 tỷ đồng, giảm 81%.

Tại 30/6, tổng tài sản của VCG là 31.404 tỷ đồng, giảm gần 600 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu giảm do chi phí xây dựng dở dang tại dự án Thủy điện Đăk Ba, giảm 327 tỷ đồng. Cuối quý II, nợ phải trả của VCG gần 21.455 tỷ đồng, giảm 3% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 7.292 tỷ đồng, khoản vay tài chính dài hạn hơn 6.059 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 35% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 390,4 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 2,1% từ 32,8 tỷ lên 33,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 1,2 tỷ xuống còn vỏn vẹn hơn 836 triệu đồng. Trong khi: chi phí tài chính tăng mạnh từ 13,4 tỷ lên tới hơn 20,5 tỷ đồng. PHC cho biết, tiếp nối nhịp tăng trưởng mới, công ty tiếp tục cải cách bộ máy về nguồn lực, công nghệ dẫn tới chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với quý II/2022.

Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng từ 12,1 tỷ lên hơn 13,6 tỷ đồng và không ghi nhận khoản mục chi phí bán hàng.

Kết quả, PHC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 821 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 9,7 tỷ đồng, giảm tới 92%. Ngoài những yếu tố trên khiến lợi nhuận giảm thì PHC còn cho biết: tại Công ty Phú Lâm (công ty con của PHC), kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm giảm do đặc thù thuỷ văn đầu năm 2023 tác động xấu tới toàn bộ ngành thuỷ điện cùng với sự thay đổi về cơ chế chính sách của các cơ quan chức năng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, PHC ghi nhận doanh thu thuần đạt 737 tỷ đồng, giảm 4% so với 6 tháng đầu năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,9 tỷ đồng, giảm 80%. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PHC đạt 2.846 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn (chiếm gần 53% tổng tài sản); Tiền và các khoản tương đương tiền chỉ 26,9 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của PHC là 2.182 tỷ đồng, các khoản nợ ngắn hạn chiếm 93% tổng nợ của công ty với 2.038 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem