Liên hợp quốc chống tội phạm trên không gian mạng: Một người Việt Nam có công lớn.
Liên hợp quốc chống tội phạm trên không gian mạng: Một người Việt Nam có công lớn
Hoàng Hưng
Thứ năm, ngày 10/10/2024 15:33 PM (GMT+7)
Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) vừa ban hành một báo cáo quan trọng về các mối đe dọa mạng mới nổi tại Đông Nam Á, công tác chống tội phạm trên không gian mạng. Một người Việt Nam đã được UNODC khen ngợi và sử dụng kết quả chống lừa đảo trên mạng của người này để đưa vào bản báo cáo.
Đó là anh Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - chuyên gia an ninh mạng tại Việt Nam. Theo anh Hiếu: "Kết quả chống lừa đảo của tôi và một số đồng nghiệp đã được Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (tên tiếng Anh là United Nations Office on Drugs and Crime, viết tắt UNODC) đưa vào bản báo cáo về các mối đe dọa mạng mới nổi ở Đông Nam Á".
Báo cáo này làm sáng tỏ các vấn đề quan trọng, bao gồm mối đe dọa gia tăng từ gian lận trực tuyến tại Đông Nam Á. Đồng thời, chỉ rõ cách các nhóm tội phạm đang tận dụng ngân hàng ngầm, cùng những tiến bộ công nghệ cho mục đích lừa đảo.
Trong báo cáo của UNODC, rất nhiều lần đề cập và ghi nhận Hiếu PC và các đồng sự đã đóng góp quan trọng, trong việc cung cấp thông tin và phân tích về các hoạt động lừa đảo trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á. Cụ thể: Hiếu PC đã cung cấp các dữ liệu quan trọng liên quan đến các hoạt động lừa đảo trực tuyến và tội phạm công nghệ tại Việt Nam.
Các thông tin này được sử dụng để xây dựng báo cáo về tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tại Đông Nam Á, đặc biệt là các loại hình lừa đảo công nghệ cao như sử dụng malware RAT, ứng dụng giả mạo, và các công cụ tấn công khác.
Kế đó, Hiếu PC đã phát hiện về hoạt động lừa đảo tại Cambodia và Lào, nhắm vào người dùng thông qua các phần mềm độc hại và chiến thuật tấn công xã hội.
Bên cạnh đó, Hiếu PC và các đồng sự đã phát hiện, thông tin về các phần mềm gián điệp và RAT (Remote Access Trojan), để điều khiển và chiếm đoạt thông tin từ nạn nhân.
Những thông tin này giúp nâng cao nhận thức về mức độ phức tạp của các công cụ tấn công đang được sử dụng, bởi các tổ chức tội phạm tại khu vực. Hiếu PC đã cung cấp thông tin về cách mà các nền tảng như Telegram và các công cụ chatbot, trình giả lập, đã được sử dụng để tạo ra các kịch bản lừa đảo tự động.
Những dữ liệu này cho thấy tội phạm đang sử dụng các công nghệ tiên tiến để tạo ra nhiều tài khoản giả, tương tác với nạn nhân một cách tự động và hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong thời gian qua, nhóm của Hiếu PC đã theo dõi và cung cấp dữ liệu từ các diễn đàn ngầm và các thị trường đen trên Telegram. Các thông tin này đã giúp UNODC phát hiện ra các xu hướng mới về tội phạm. Chẳng hạn như việc sử dụng deepfake và AI để tạo ra các vụ lừa đảo tinh vi hơn.
Theo anh Ngô Minh Hiếu: "Tôi đã từng báo động về một loại vi-rút Trojan truy cập từ xa tùy chỉnh (RAT) malware, nhắm đến nạn nhân tại Việt Nam, Thái Lan, và một số quốc gia châu Á khác, thông qua các ứng dụng di động giả mạo các app dịch vụ công như :VNEID, VSSID, Tổng cục thuế...
Một số vụ lừa đảo tôi điều tra và biết được, do các nhóm tội phạm mạng điều hành – nhiều địa chỉ IP, liên kết với các tổ chức lừa đảo có trụ sở tại Campuchia và Lào. Tôi đã thâm nhập vào mạng lưới của chúng và theo dõi trực tiếp, cách mà những kẻ lừa đảo chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân, tới tài khoản của chúng - một khoảnh khắc vô cùng căng thẳng".
"Một đêm, khi tôi truy cập vào máy tính của một tổ chức lừa đảo tại Campuchia. Việc quan sát trực tiếp cách chúng sử dụng nhiều hồ sơ Telegram giả để giao tiếp và lừa đảo nạn nhân. Đó là những phút giây đầy ám ảnh.
Chỉ những người chuyên về an ninh mạng, hiểu rõ về công nghệ thông tin mới thấy các trình giả lập dựa trên phần mềm AI được thiết kế, để tự động hóa các tương tác với nạn nhân trên các nền tảng như: Facebook, WhatsApp, Zalo và Telegram…theo các kịch bản lừa đảo đã được lập trình sẵn.
Các công cụ này, bao gồm cả phần cứng (phonefarm) và phần mềm (browserfarm), giúp tội phạm né tránh sự phát hiện", anh Hiếu kể.
Những đóng góp của Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) và đồng sự trong báo cáo này, rất quan trọng để xây dựng một bức tranh tổng quan về các xu hướng tội phạm sử dụng công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Từ đó, mới có thể đưa ra các biện pháp cần thiết để chống lại các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi trên không gian mạng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.