Liên kết sản xuất, nhà nông làm giàu từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Đăng Hải Thứ năm, ngày 24/10/2019 06:00 AM (GMT+7)
Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) tỉnh Hải Dương đã giúp nhiều hội viên, nông dân tại các huyện  xây dựng, hình thành mô hình kinh tế tập thể, các hình thức liên kết trong sản xuất..., góp phần tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Bình luận 0

Vượt lên nghèo khó

Trước đây gia đình bà Ngô Thị Ảnh - hội viên, nông dân thôn Tòng Hóa, xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, chủ yếu trồng lúa ở ruộng chiêm trũng. Sau dồn điền đổi thửa, gia đình bà đã quy đổi 1,3 mẫu ruộng thành ao để chuyển sang nuôi cá. Nhờ tham gia Hợp tác xã Thủy sản Đoàn Kết, bà Ảnh được vay vốn Quỹ HTND 20 triệu đồng để đầu tư nuôi cá. Với khu ao rộng khoảng 1,3 mẫu, bà thả những loài cá có giá trị kinh tế cao như cá trắm, cá chép… Do chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi cá, trừ mọi chi phí, trang trại của bà cho thu lãi trên 200 triệu đồng/năm.

img

Mô hình liên kết chăn nuôi cá thương phẩm đang mang lại thu nhập cao cho bà con tại các huyện
của tỉnh Hải Dương. Ảnh: Đăng Hải

Cùng được hưởng lợi với gia đình bà Ảnh, gia đình ông Trần Quy (thôn Giang Hạ, xã Tân Dân, TP.Chí Linh) là 1 trong 15 hộ nông dân tham gia CLB nuôi trồng thủy sản ở địa phương. Hiện, với diện tích 1ha, ông Quy thả 2 ao cá giống và 3 ao cá thịt. Được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND, gia đình ông đã mua thêm cá hương về ương cá giống, qua đó tiết kiệm chi phí, tăng thu nhập đầu ra. Hiện trung bình mỗi năm ông xuất bán 20 tấn cá, thu về 200 triệu đồng.

“Từ nghèo khó nhờ sự giúp đỡ của cán bộ hội và vốn vay, giờ chúng tôi đã vươn lên có thu nhập cao, ổn định, bà con ai cũng phấn khởi”- ông Quy chia sẻ.

Ngoài ra, còn nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao phát triển từ nguồn vốn quỹ hội ND như: Mô hình thâm canh trồng cây ăn quả tại xã Tân Việt, huyện Thanh Hà; mô hình liên kết sản xuất giống cà chua ghép với cà pháo tại Thượng Đạt, TP.Hải Dương; mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã  Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ...

Đáng chú ý, nhiều mô hình, dự án vay vốn từ nguồn Quỹ HTND trên địa bàn hiện đã và đang chuyển dịch theo hướng thành lập các tổ, nhóm liên kết để cùng sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, giúp gia tăng giá trị...

Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng và hình thành được 328 mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, giúp quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn diễn ra nhanh và mạnh, bình quân giá trị thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích đã tăng gấp 4 – 5 lần so với việc trồng lúa như trước đây. Nhiều mô hình triển khai tốt thậm chí có mức thu nhập đạt từ 200 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

Điển hình như cách làm của Hội ND xã Đoàn Kết, huyện Thanh Miện, cũng là một trong những đơn vị đã lồng ghép hiệu quả nguồn vốn vay Quỹ HTND với các hoạt động như: Tư vấn, dạy nghề, dịch vụ, hỗ trợ nông dân…

Tiếp tục phát huy vai trò của Hội

Để hỗ trợ nông dân sau khi vay vốn Quỹ HTND, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương phối hợp với ngành chức năng tổ chức 2.016 buổi tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 127.350 lượt người.

Hiện toàn tỉnh Hải Dương có 12/12 huyện thành phố và  258/258 cơ sở xây dựng được Quỹ HTND với tổng nguồn vốn đạt 73,755 tỷ đồng. Trong số này, nguồn ủy thác T.Ư là 15,2 tỷ đồng triển khai 27 dự án, nguồn cấp tỉnh đạt 33,3 tỷ đồng cho 83 dự án, cấp huyện đạt 9,187 tỷ đồng, nguồn cơ sở là 16,068 tỷ đồng giúp 3.839 hộ vay phát triển sản xuất kinh doanh.

Một số đơn vị có Quỹ HTND cao như Chí Linh, Thanh Hà, Nam Sách, Gia Lộc, Ninh Giang... 9/12 huyện, thành phố có quỹ đạt trên 500 triệu đồng/đơn vị.

Không chỉ hỗ trợ hội viên tiếp cận nguồn vốn, các cấp Hội ND tỉnh còn hỗ trợ hội viên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ liên kết. Toàn tỉnh đã xây dựng 349 mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phát triển sản xuất.

Bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Hải Dương cho hay:  Có thể thấy, các dự án vay vốn Quỹ HTND đều đã phát huy hiệu quả, giá trị kinh tế năm sau cao hơn năm trước. Qua đó, góp phần làm tăng thu nhập cho các hộ vay vốn. Các hộ vay vốn đã tích cực đầu tư vào các mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề bước đầu có hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và làm giàu.

Theo bà Tâm, thời gian tới, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương sẽ chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ quản lý, điều hành và sử dụng Quỹ HTND; hỗ trợ vốn quỹ để triển khai các dự án ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, liên kết sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem