Quảng Trị có 43 sản phẩm OCOP 4 sao là đặc sản, nông sản đặc trưng từng vùng đất, địa phương
Quảng Trị có 43 sản phẩm OCOP 4 sao là đặc sản, nông sản đặc trưng từng vùng đất, địa phương
Ngọc Vũ
Thứ tư, ngày 27/11/2024 18:50 PM (GMT+7)
Hiện nay, tỉnh Quảng Trị có 43 sản phẩm OCOP 4 sao. Những sản phẩm này đều là các đặc sản, nông sản mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng đất, tạo nên giá trị, nét độc đáo của mỗi địa phương.
Ngày 27/11, tin từ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, đến nay, địa phương có 141 sản phẩm OCOP, của 79 chủ thể, trong đó có 43 sản phẩm 4 sao, 98 sản phẩm 3 sao.
Trong 79 chủ thể OCOP có 23 chủ thể là hợp tác xã (chiếm 29,1%), 9 chủ thể là tổ hợp tác (chiếm 11,4%), 22 chủ thể là doanh nghiệp (chiếm 27,9%), 25 chủ thể là hộ sản xuất kinh doanh (chiếm 31,6%).
Sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị đa dạng, phong phú, được xúc tiến, hỗ trợ quảng bá. Ảnh: Ngọc Vũ.
Những năm qua, công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP được đẩy mạnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 10 điểm giới thiệu và bán hàng OCOP, trong đó thành phố Đông Hà 6 điểm, các huyện Đakrông, Hải Lăng, Cam Lộ và thị xã Quảng Trị mỗi địa phương có 1 điểm.
Hằng năm, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tổ chức trên 50 hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP.
Các hoạt động chính gồm tổ chức tham gia các hội chợ, phiên chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, giới thiệu danh mục sản phẩm OCOP đến các địa phương, các nhà phân phối, tổ chức, cá nhân có liên quan trong nước; đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, có trên 95% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử;…).
Không những vậy, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn tổ chức mời người nổi tiếng livestream giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên mạng xã hội cho các chủ thể OCOP, mang lại hiệu quả cao.
Không dừng lại ở đó, các Sở NNPTNT, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch và các địa phương ở Quảng Trị đã tổ chức khảo sát, lựa chọn được 5 điểm để xây dựng và công nhận sản phẩm du lịch nông thôn giai đoạn 2024 – 2025, trong đó phấn đấu có 1 - 2 điểm đạt chuẩn OCOP.
5 điểm được lựa chọn gồm: Điểm du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Dfarm Quảng Trị, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh; điểm du lịch cộng đồng Hệ thống Giếng cổ Gio An, huyện Gio Linh (đang lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng); điểm du lịch cộng đồng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; khu du lịch sinh thái Rú Lịnh thôn Hoà Bình, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh; điểm du lịch cộng đồng Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng.
Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã sản xuất và cung ứng 28,6 tấn chế phẩm vi sinh vi sinh vật các loại cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất an toàn.
Thời gian qua, các sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Trị được đẩy mạnh quảng bá, đặc biệt là bán hàng trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, đem lại hiệu quả tích cực. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tuy đạt những thành quả đáng khích lệ, nhưng Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cũng thẳng thắn nhìn nhận, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn một số hạn chế, khó khăn. Điển hình là các ý tưởng sản phẩm đăng ký tham gia nhiều, tuy nhiên số lượng chủ thể mới còn ít. Nhiều sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh nhưng chưa được phát triển và đăng ký tham gia chương trình. Có khá nhiều chủ thể và sản phẩm hết thời hạn công nhận OCOP không tham gia đánh giá, phân hạng lại.
Các chủ thể sản phẩm OCOP vẫn còn gặp khó khăn trong tìm kiếm, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Sản phẩm OCOP tham gia các chuỗi bán lẻ hiện đại, siêu thị còn ít, chưa có sản phẩm xuất khẩu.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới cũng gặp những vướng mắc nhất định như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch nông thôn. Nhiều điểm du lịch chưa được đưa vào quy hoạch du lịch của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; chưa đảm bảo quy định của Luật Đất đai; một số điểm chưa hình thành chủ thể có tư cách pháp nhân và chưa được công nhận, chưa có nguồn lực để đối ứng nên khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh nhất là các chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Nhận thức về hoạt động du lịch nông nghiệp của người dân đang còn hạn chế, dẫn đến trong một số mô hình hoạt động du lịch trong lĩnh vực này chưa đúng hướng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp hoặc sử dụng đất chưa phù hợp mục đích.
Cơ sở hạ tầng phục vụ cho dịch vụ du lịch nông ở khu vực nông thôn, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi đang còn thiếu hoặc chưa được đầu tư, nên khả năng tiếp cận của du khách là hạn chế hoặc không đảm bảo cho nhu cầu, tiêu chuẩn của khách du lịch (dịch vụ lưu trú, dịch vụ ẩm thực, giao thông...).
Các hoạt động khai thác các giá trị văn hóa địa phương còn một số mặt hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, nên việc khai thác các giá trị văn hóa này đang còn ở mức sơ khai, chưa phản ánh thực sự các giá trị quý báu của văn hóa địa phương cũng như tạo sự hấp dẫn, độc đáo riêng thu hút du khách. Các văn bản triển khai, hướng dẫn của địa phương về các chính sách, cơ chế của Nhà nước trong khai thác du lịch nông nghiệp chưa kịp thời hoặc có nhưng chưa cụ thể theo điều kiện của từng địa phương, nên người dân còn lúng túng, chưa mạnh dạn trong phương án đầu tư.
Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị các cấp, ngành liên quan cần quan tâm, cùng với sở sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc kể trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.