Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ: Liên kết trồng rừng FSC, nông dân xứ Nghệ hưởng lợi (bài 3)

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 16/11/2022 18:11 PM (GMT+7)
Liên kết với công ty của Nhật Bản trồng rừng có chứng chỉ rừng bền vững (FSC), hiệu quả lớn nhất mà những hộ nông dân ở xã Đức Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An) nhận được là tính nghiêm túc, kỷ luật trong lao động sản xuất.
Bình luận 0

Liên kết với công ty của Nhật Bản trồng rừng, nông dân Nghệ An không lo về đầu ra

Cho đến bây giờ, sau khoảng thời gian tham gia liên kết với Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam (khu công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) trồng rừng để đạt được chứng chỉ FCS, ông Nguyễn Hoàng Lân -Trưởng nhóm FSC Cây Thị ở thôn 1, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) và các thành viên trong nhóm đã thuộc nằm lòng 10 nguyên tắc FSC.

10 nguyên tắc đó là: Tuân thủ pháp luật và các quy định của tổ chức FSC; tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng; tuân thủ quyền và lợi ích của người bản địa sinh sống; tuân thủ các mối quan hệ và lợi ích của người lao động; đảm bảo được các lợi ích từ nguồn tài nguyên rừng; Phải có kế hoạch giám sát và quản lý cụ thể; thực hiện việc giám sát và đánh giá thường xuyên; bảo tồn những cánh rừng có giá trị cao; bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng.

Hóa giải thách thức chứng minh nguồn gốc gỗ (bài 3): Liên kết trồng rừng FSC, nông dân xứ Nghệ hưởng lợi - Ảnh 1.

Người dân thôn 1, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) kiểm tra sự phát triển của rừng keo trồng theo chứng chỉ FSC. Ảnh: N.H

"Năm ngoái, giá keo chỉ 900.000 đồng, năm nay do nhu cầu nguyên liệu tăng cao, giá lên tới 1 - 1,2 triệu đồng/tấn nên bà con rất phấn khởi".

Ông Nguyễn Hoàng Lân -

Trưởng nhóm FSC Cây Thị

"Nhóm của tôi có 45 hộ tham gia làm chứng chỉ FSC với diện tích rừng 145ha, trong đó riêng gia đình tôi có 68ha keo lai. Khi mới tiếp cận FSC, chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng qua các cuộc tập huấn của công ty, chúng tôi cũng hiểu, trồng rừng theo FSC, cái được lớn nhất là bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính người trồng rừng vì chúng tôi phải đảm bảo nguyên tắc bảo hộ lao động; phải đáp ứng các yêu cầu về phòng tránh tai nạn; không được phép sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục FSC cho phép; khi phát tỉa cây rừng cũng phải chú ý, không đốt tràn lan mà phải gom lại để đốt" - ông Lân cho biết.

Theo ông Lân, một trong những nguyên tắc đầu tiên khi tham gia FSC là chủ rừng phải có tư cách pháp nhân, có hồ sơ đăng ký pháp lý rõ ràng, còn hiệu lực và được phê duyệt bằng văn bản bởi một cơ quan có thẩm quyền đối với các hoạt động quản lý rừng. 

"Thôn của tôi có 320 hộ, trong đó có 2 nhóm FSC, nhóm 1 có 45 hộ, nhóm 2 có 47 hộ. Hiện, nhiều hộ muốn tham gia nhóm FSC nhưng diện tích rừng chưa có sổ đỏ hoặc chưa chứng minh được nguồn gốc của rừng" - ông Lân thông tin thêm.

Đáng chú ý, tham gia các nhóm FSC, ông Lân và các thành viên được Công ty Biomass được hỗ trợ giống keo tốt, đảm bảo đầu ra ổn định với cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10 - 15%. Ông Lân cho biết, diện tích rừng keo 6 năm tuổi của ông có thể đạt năng suất 140 - 150 tấn/ha.

Hỗ trợ để nông dân gắn bó với rừng

Anh Lê Huy Quyền - cán bộ phụ trách nhóm FSC ở Anh Sơn của Công ty Biomass cho biết, trên địa bàn huyện Anh Sơn hiện có 29 nhóm FSC, nhóm nhỏ nhất có 30ha, nhóm lớn nhất 200ha, tổng diện tích rừng đang thực hiện FSC lên đến 2.900ha. 

"Khi được truyền thông, bà con đều hiểu được lợi ích của việc tham gia làm theo tiêu chuẩn của FSC nên rất nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, công ty cũng có chính sách hỗ trợ bà con về cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo bao tiêu sản phẩm nên bà con rất yên tâm" - anh Quyền nói.

Trước nguy cơ người dân cần vốn có thể khai thác cây rừng trước hạn, giải pháp Công ty Biomass đưa ra là người dân có thể làm thủ tục vay ngân hàng cho nhu cầu trước mắt, công ty sẽ hỗ trợ lãi suất vay để đảm bảo đủ tuổi của cây keo khi khai thác.

Một trong những yêu cầu của chứng chỉ FSC là sinh khối lấy ra khỏi rừng phải ít hơn sinh khối phát triển nên công ty chủ trương khai thác theo lứa và trồng phục hồi, bổ sung.

Nói về sự liên kết giữa người trồng rừng và doanh nghiệp, ông Lân hoàn toàn tin tưởng và nếu làm theo mô hình này, nông dân cũng đỡ vất vả. 

Trong khi đó, anh Quyền thông tin, nếu không có gì thay đổi thì tháng 12 tới sẽ mới chuyên gia độc lập về đánh giá, đầu năm tới những cánh rừng của Anh Sơn có thể được cấp chứng chỉ FSC, mở ra cách làm mới, bền vững, hài hòa cho người dân.

Trước đó, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam và Hợp phần quản lý rừng bền vững do USAID tài trợ cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ Nghệ An chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh bằng cách nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất gỗ lớn có cấp chứng chỉ rừng với sự tham gia của khu vực tư nhân và khu vực cộng đồng, tạo mối liên kết lâu dài giữa Công ty Biomass và các hộ trồng rừng sản xuất.

Đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của người dân để phát triển chuỗi giá trị keo gỗ lớn, hướng tới cấp chứng chỉ FSC cho khoảng 5.000ha rừng, tăng cường hấp thụ các bon; tăng giá trị, năng suất rừng trồng, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn bền vững cho người dân bản địa, đáp ứng yêu cầu tiếp cận các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ… góp phần đạt mục tiêu phát triển bền vững toàn diện. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem