Loại cây cổ thụ hơn trăm năm ở Nghệ An, càng già quả càng ngon, càng nổi tiếng khách xa gần càng tới

Thắng Tình Thứ tư, ngày 16/11/2022 12:48 PM (GMT+7)
Những cây hồng càng già, trái càng giòn, ngon, ngọt. Thậm chí có những vườn hồng đã sống cả trăm năm hút khách du lịch giúp người dân tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hái ra tiền.
Bình luận 0

Những ngày này, vườn hồng cổ tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đang trở thành điểm check-in rất hút khách. Những vườn hồng đã trút bỏ hết lá chỉ còn lại từng chùm quả sum suê tạo nên một khung cảnh thơ mộng. Nơi đây cũng là thủ của cây hồng ở xứ Nghệ.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 1.

Những cây hồng cổ ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã có tuổi đời hơn trăm năm. Ảnh: Thắng Tình.

Theo người dân địa phương, cây hồng được trồng dưới chân núi Đại Huệ, xã Nam Anh từ hàng trăm năm trước. 

Đây là loại cây bản địa, phù hợp với đặc thù địa lý, sinh thái và thổ nhưỡng dưới chân núi Đại Huệ. Cây hồng ít phải chăm sóc, 1 năm chỉ bón phân 1 lần, tuổi thọ cao, thân cành dẻo nên chống chọi được với mưa bão, mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Ba (SN 1954, trú tại xã Nam Anh) bên gốc cây hồng trong vườn nhà mình. Cây hồng này cũng đã có tuổi đời gần gấp đôi tuổi của bà Ba. Ảnh: Thắng Tình.

Bà Nguyễn Thị Ba (SN 1954, trú tại xã Nam Anh) cho biết, những cây hồng trong vườn được trồng từ thời ông cố, lớn lên bà đã thấy những cây hồng sừng sững trong vườn với những chùm quả trĩu nặng. 

Những cây hồng cổ thụ trong vườn của gia đình bà Ba đều đã có tuổi đời trên 100 năm. Hồng càng cổ thì quả càng giòn, ngon, ngọt. Đã có nhiều người hỏi mua nhưng gia đình bà nhất quyết không bán.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 3.

Thân cây hồng cổ thụ đã có tuổi đời hơn 100 năm trong vườn nhà bà Nguyễn Thị Ba với rêu phong, nhuốm màu thời gian. Ảnh: Thắng Tình

Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, những cây hồng dưới chân núi Đại Huệ vẫn trường tồn với thời gian. Năm nay mặc dù không được mùa nhưng bù lại giá hồng cao hơn các năm trước nên người dân Nam Anh vẫn có một khoản thu nhập khá từ những vườn hồng cổ.

Tại xã Nam Anh có hai loại hồng là được trồng là hồng trứng, hồng cậy. Hồng trong quá trình trồng, thu hoạch không hề sử dụng hóa chất bảo quản. Sau khi hái quả, tùy từng loại mà được ủ khô hoặc ngâm trong nước để làm chín. Hồng ủ thì chín mềm, chuyển màu đỏ thắm, còn hồng ngâm thì giòn và vẫn giữ màu vàng tươi.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 4.

Cây hồng cổ thụ càng lớn tuổi, quả càng giòn, ngon, ngọt. Đây là loại trái cây đặc sản của xã Nam Anh, huyện Nam Đàn. Ảnh: Thắng Tình.

"Từ khi tôi lớn lên đã gắn bó với những gốc cây hồng trong vườn. Đây cũng là thứ quả gắn bó với cả tuổi thơ của chúng tôi. Trong xã nhiều vườn hồng đã trên 100 tuổi, nhìn những gốc hồng rêu phong, in màu thời gian là đã biết độ tuổi của nó rồi", ông Nguyễn Đình Bá (trú tại xã Nam Anh) có hàng chục gốc hồng cổ chia sẻ thêm.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 5.

Vườn hồng cổ của gia đình ông Nguyễn Đình Bá hút khách đến tham quan, chụp ảnh check-in. Ảnh: Thắng Tình

Đặc biệt, năm nay những gốc hồng cổ đã có tuổi đời hàng trăm năm giờ đây trở thành một sản phẩm du lịch thu hút rất đông du khách tìm về check-in. Đây cũng là một cách làm mới giúp những gốc hồng cổ phát huy tối đa được giá trị, mang về lợi nhuận cao hơn cho người nông dân. Những gốc hồng cổ thụ, tán rộng với những cành lớn vươn mình trong ánh nắng. Vì có tuổi đời rất lâu nên những cành hồng cũng phủ một lớp rêu phong. Nó trở thành một điểm cuốn hút đối với du khách.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 6.

Bà Ba cho cháu nội nếm thử vị của trái hồng cổ chín cây. Ảnh: Thắng Tình

Toàn xã Nam Anh có hàng trăm hộ dân trồng hồng với diện tích khoảng 180 ha, rải đều các xóm dưới chân núi Đại Huệ. Theo người dân địa phương, mỗi cây hồng tốt 1 năm trung bình cho khoảng 150-200 kg quả. Gia đình nào trồng được nhiều hồng có thể thu nhập hàng trăm triệu đồng một mùa.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 7.

Trong chuyến công tác tại Nghệ An, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Cụm thi đua số 2 rất ấn tượng với mô hình du lịch tại vườn hồng cổ. Ảnh: Thắng Tình

Ông Hồ Viết Hoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Anh cho biết: Hồng tại xã Nam Anh nổi tiếng thơm ngon, đến mùa thu hoạch thì thương lái đến tận vườn thu mua. Bình quân mỗi vụ thu hoạch, những vườn hồng ở xã cho sản lượng khoảng 400-500 tấn quả. Nhờ có cây hồng mà nhiều hộ dân xã Nam Anh đã vươn lên làm giàu trên đất quê hương.

Loại cây đã sống cả thế kỷ, càng già quả lại càng ngon, giúp người dân ở Nghệ An hái ra tiền - Ảnh 8.

Những ngày này, những vườn hồng cổ ở xã Nam Anh trở thành điểm check-in lý tưởng của giới trẻ Nghệ An. Ảnh: Thắng Tình

Theo lãnh đạo UBND xã Nam Anh, hồng là cây kinh tế chủ lực của địa phương. Xã đang khuyến khích người dân mở rộng diện tích để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó địa phương cũng tăng cường quảng bá thương hiệu hồng Nam Anh đến người tiêu dùng khắp cả nước. Đồng thời mở rộng mô hình trồng cây hồng gắn liền với phát triển du lịch sinh thái nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem