Sự hợp tác của liên minh Nga-Iran là tất yếu nhờ 4 lý do chính. Đầu tiên, Nga và Iran có chung quyền lợi trong việc phá vỡ trật tự hậu Chiến tranh lạnh tại Trung Đông. Thứ 2, Nga chính là nước giúp Iran đạt được mục đích của mình trong cuộc đàm phán hạt nhân với nhóm cường quốc P5+1. Thứ 3, sự hợp tác Iran và Nga đang giúp vực dậy chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Thứ 4, Nga hy vọng sẽ khai thác cơ hội kinh tế mới ở Iran sau khi lệnh trừng phạt với Tehran được dỡ bỏ. Tuy nhiên, phân tích kỹ, có thể thấy 2 nước đang có những quan điểm về lợi ích riêng trong tất cả các lĩnh vực.
Rõ ràng, cả Nga và Iran đều muốn mở rộng ảnh hưởng trong khu vực Trung Đông trước sự thống trị của Mỹ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Về phía Nga, việc củng cố được vai trò tại Trung Đông cũng là một cách hữu hiệu để Moscow khôi phục lại vị thế trên thế giới. Tuy nhiên, một nước có chiến lược toàn cầu như Nga không thể không hợp tác với Mỹ ở nhiều vấn đề khác.
Điều này có nghĩa là Nga và Mỹ sẽ có những ràng buộc riêng. Đây được coi như khó khăn của Moscow trong việc thành lập các quốc gia chống Mỹ và chắc chắn có thể làm mất lòng Iran. Ví dụ, vào hồi năm 1995, Thủ tướng Nga khi đó là ông Chernomyrdin và Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã kí kết một thoả thuận hợp tác giữa quân sự chung và điều này ngay lập tức khiến quan hệ Nga - Iran nguội lạnh.
Nga và Iran đang có những tính toán chính trị và kinh tế khác nhau
Đối với vấn đề Syria, Nga và Iran đang hợp tác trên cả chiến trường lẫn bàn đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, theo giới phân tích, 2 nước cũng có những quan điểm kachs biệt về vấn đề này.
Cụ thể, trong khi Nga đã khẳng định rằng, Tổng thống Assad không cần phải tại vị thì Iran lại khăng khăng giữ ông tiếp tục làm lãnh đạo Syria.
Quan điểm khác biệt trên xuất phát từ thực tế, nếu một chính quyền mới được thành lập tại Syria, đây vẫn sẽ là một giới cầm quyền mang lại lợi ích cho Nga vì Moscow là một nước đóng góp chính cho tiến trình hoà bình. Còn Iran chắc chắn không thể có tầm ảnh hưởng đến chính phủ mới như Tổng thống Assad hiện nay và đây được cho là lí do họ cương quyết với quan điểm phải để ông Assad tại vị.
Nga là nước giúp Nga giúp Iran đạt được thoả thuận hạt nhân lịch sử giữa Tehran và nhóm P5+1. Ngoài ra, Moscow cũng hứa sẽ giúp Iran xây dựng các cơ sở hạt nhân và chỉ trích bất kì hành động quân sự nào của Mỹ và Israel hướng tới Iran.
Mặc dù vậy, Moscow cũng cho thấy rằng, sự ủng hộ cho Iran luôn có giới hạn. Chính Nga từng tuân thủ nghị trừng phạt Iran và lấy uy tín ra đảm bảo rằng, họ chắc chắn sẽ ngăn chặn Iran nếu nước này có ý định phát triển vũ khí hạt nhân.
Đã có rất nhiều tin đồn về sự hợp tác kinh tế giữa Iran và Nga, nhất là khi lệnh trừng phạt đối với Iran đã được dỡ bỏ. Nga có thể bán hàng tỷ USD vũ khí cho Tehran bao gồm xe tăng, lựu pháo và nhiều vũ khí thông thường khác trong quá khứ. Tuy nhiên Moscow lại tỏ ra cảnh giác khi bán các hệ thống vũ khí mạnh hơn.
Điều này được thể hiện rõ bằng thoả thuận cung cấp tên lửa phòng không S-300, vốn được ký kết năm 2007, nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao. Gần đây nhất, có tin đồn, Nga một lần nữa hoãn chuyển S-300 do Israel đưa ra bằng chứng rằng, Iran đã phá vỡ lời hứa không cung cấp vũ khí tối tân của Nga cho phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon.
Mối quan hệ kinh tế Nga - Iran không chỉ bị giới hạn bởi những tính toán chính trị - quân sự, mà trong một số lĩnh vực, 2 nước còn đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Ví dụ, trong việc xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt, Iran không hề che giấu ý định tăng cường xuất khẩu sau khi lệnh trừng phạt được gỡ bỏ và khách hàng mà nước này hướng đến là thị trường châu Âu và Nam Á, nơi Nga đang có thị phần khá lớn.
Tham vọng của Iran có thể làm suy giảm vị thế nhà cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu của Nga. Điều này không chỉ gây tổn thất cho nền kinh tế Nga mà nó còn làm suy giảm sức ép chính trị của nước này. Sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga chính là nguyên nhân khiến liên minh châu Âu (EU) phải nhượng bộ Nga ở nhiều vấn đề, rõ ràng nhất là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Ngoài ra, ngay cả khi Iran bán dầu mỏ cho một nước không phải khách hàng của Nga, đây cũng là một sự cạnh tranh gián tiếp vì nó sẽ khiến cho giá dầu tiếp tục sụt giảm sâu, điều không khác nào một sự tấn công vào ngân sách vốn đã rất eo hẹp của chính phủ Moscow.
Những vấn đề nêu trên là lời giải thích lý do tại sao Iran và Nga đã hợp tác trong thời gian qua và cách họ có thể mở rộng nó trong tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng, mối liên kết giữa Nga và Iran không mạnh như tưởng tượng và nó nhiều khả năng vẫn còn hạn chế trong tương lai.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.