Theo ông, động thái trước mắt và khẩn cấp để “giải cứu” ngành chăn nuôi nói chung và người chăn nuôi nói riêng là gì?
- Trước hết phải cân đối cung- cầu của thị trường. Ngăn chặn ngay việc nhập lậu gà mái già loại thải từ biên giới vào nước ta. Làm việc này không chỉ làm lành mạnh việc thực thi pháp luật, mà còn giúp cho không tăng thêm nguồn cung vào thị trường đang vượt cầu, kiểm soát an toàn thực phẩm và ngăn chặn dịch bệnh gia cầm đang lây lan.
|
Người chăn nuôi đang chờ những chương trình cứu trợ từ các ngành chức năng. |
UBND các tỉnh, huyện, xã phải vào cuộc với sự tham gia của công an, giao thông, quản lý thị trường… Bằng nhiều giải pháp đưa nhanh thịt vào cấp đông tại các kho đông lạnh. Để triển khai việc này cần có chính sách tín dụng vay vốn để thu mua lợn và gà, nhất là lợn trên 90kg đưa vào giết mổ cấp đông. Đồng thời hạn chế tối đa việc giảm đàn lợn nái- vấn đề này đã được phân tích.
Nếu buông lỏng thì 15- 16 tháng sau người tiêu dùng sẽ phải mua thịt rất đắt như đã xảy ra hồi tháng 3 đến 9.2011 và việc nhập khẩu thịt lại sẽ diễn ra mạnh mẽ như đã xảy ra. Hơn nữa cần coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền để được người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, phối hợp ủng hộ.
Nhiều chủ doanh nghiệp (DN), trang trại, hộ chăn nuôi đang thực sự cần những gói cứu trợ từ Chính phủ. Họ lo lắng trước nguy cơ vỡ nợ, ông chia sẻ như thế nào với họ?
- Theo phản ảnh đã có khoảng 25% số DN, trang trại bị thua lỗ nặng. Tình trạng này diễn ra ở quy mô toàn quốc trong thời gian dài liên tục 4 tháng, từ 3.2012 đến nay. Họ đang rất cần sự giúp đỡ của Nhà nước, của Bộ NNPTNT và các bộ có liên quan.
Theo ông, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người chăn nuôi như thế nào?
- Bên cạnh những giải pháp cân đối cung- cầu, hạn chế nhập lậu thực phẩm… cần đưa thuế giá trị gia tăng (VAT) thức ăn chăn nuôi trong 6 tháng tới mức 0%, thay vì 5% như hiện nay. Chí ít cũng áp dụng cho thức ăn chăn nuôi lợn nái. Nếu đàn lợn nái bị giết đi nhiều, do không còn tiền để mua thức ăn thì về lâu dài thiệt hại sẽ rất lớn. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… đều có thuế suất thức ăn chăn nuôi bằng 0%.
Về lâu dài, Hội Chăn nuôi cũng đã có những kiến nghị cụ thể, trong đó có việc cần hình thành liên minh sản xuất, trong đó doanh nghiệp cùng nhiều hộ nông dân hình thành một Liên minh sản xuất để dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý. Xin ông nói rõ hơn về đề xuất này?
- Trong nền kinh tế thị trường tự do, cạnh tranh mạnh, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, yếu thế cùng nghề nghiệp muốn mạnh lên thì họ tự nguyện hợp tác với nhau và hoạt động theo quy định pháp luật (theo Luật HTX). Đây là phương thức thành công và có chặng đường dài trên 100 năm.
Có một phương thức khác với thời gian ngắn hơn nhiều. Mô tả một cách ngắn gọn, đó là DN cùng nhiều hộ nông dân hình thành một liên minh sản xuất. Loại hình này hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. DN lựa chọn công nghệ, DN xây dựng thương hiệu, DN tìm kiếm thị trường, DN ký hợp đồng với hộ nông dân (trong trường hợp ngành chăn nuôi, DN đưa con giống, thức ăn, thuốc thú y, cán bộ kỹ thuật đến hộ nông dân. Hộ nông dân góp công lao động, đất đai, chuồng trại theo tiêu chuẩn thống nhất với DN...).
“Tôi không hiểu sao trong trường hợp xăng dầu, hay lúa gạo có dấu hiệu thua lỗ chỉ sau khoảng nửa tháng đã có giải pháp tháo gỡ, còn trong chăn nuôi thời gian đã dài gấp 8 lần vẫn chưa thấy giải pháp cụ thể nào”.
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang
Ngoài ra nhờ đó quy mô sản xuất lớn hơn, giảm được giá thành sản phẩm, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh, giảm rủi ro, dễ dàng huy động các nguồn vốn. Lợi ích được phân phối thể hiện cụ thể trong hợp đồng đã thống nhất trong liên minh.
Với phương thức này, kinh nghiệm một số nước đa phần sau 5- 10 năm liên minh đã có vị thế trong thị trường và sau đó tiếp tục nâng dần uy tín của liên minh trong xã hội. Đây cũng chính là loại hình liên minh 4 nhà: Nhà nông- Nhà nước- Nhà Doanh nghiệp - Nhà khoa học và nhờ vậy nhà bank (ngân hàng) cũng yên tâm để vào cuộc.
Xin cảm ơn PGS!
Hữu Thông (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.