Cựu bộ trưởng y tế Cao Minh Quang bị bắt, Dược cửu long lỗ nặng
Liên quan tới cựu Thứ trưởng y tế Cao Minh Quang bị bắt, Dược Cửu Long làm ăn thế nào?
Ong Lý
Thứ ba, ngày 15/03/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước khi cựu Thứ trưởng y tế Cao Minh Quang bị bắt, Dược Cửu Long (DCL) từng ghi nhận lỗ trước thuế tới 30,8 tỷ vào năm 2011. Đây cũng là năm duy nhất DCL lỗ từ khi niêm yết trên sàn.
Dược Cửu Long (DCL) lên tiếng về việc cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang bị bắt
Ngày 11/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố ông Cao Minh Quang (66 tuổi) cùng ông Dương Huy Liệu (74 tuổi, cựu Vụ trưởng Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế) để điều tra về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 360 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào tài liệu điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số người liên quan tại Bộ Y tế đã có hành vi không thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty CP Dược phẩm Cửu Long (Dược Cửu Long, HoSE: DCL) không kiểm tra làm rõ việc Công ty này chưa trả nhà cung cấp nguyên liệu số tiền 3,848 triệu USD được giảm giá mua nguyên liệu để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an điều tra mở rộng làm rõ sai phạm, trách nhiệm của những người liên quan trong vụ án vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty CP Dược phẩm Cửu Long và các đơn vị có liên quan.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Dược Cửu Long khẳng định, vụ án được xác định xảy ra vào năm 2005 – 2007, trước khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán cổ phiếu DCL trên sàn giao dịch chứng khoán. Tại thời điểm diễn ra sự việc này thì CTCP Tập đoàn F.I.T (FIT) vẫn chưa là công ty mẹ của DCL và không sở hữu bất kỳ cổ phần nào tại Dược Cửu Long.
Liên quan đến các vấn đề về khoản tiền 3,848 triệu USD, hiện tại cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện điều tra. Tuy nhiên, dữ liệu tài chính của Dược Cửu Long đã thể hiện rõ, khoản tiền này không liên quan đến hiện trạng tài chính của Dược Cửu Long các giai đoạn sau này.
Cuối năm 2008, khi cổ phiếu DCL niêm yết chinh thức trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, quỹ lợi nhuận sau thuế của Công ty nhỏ hơn mức lợi nhuận sau thuế phát sinh năm 2008 (giai đoạn sau khi xảy ra sự kiện pháp lý nêu trên), các khoản này đã được phân phối từ trước khi cổ đông Nhà nước SCIC hoàn tất thoái vốn tại Công ty.
"Hiện tại, hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang diễn ra đúng kế hoạch kinh doanh mà Đại hội cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc đã đề ra. Năm 2021, Dược Cửu Long đạt doanh thu là 715 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 88 tỷ đồng.
Ngoài mảng dược phẩm, Công ty còn đang sở hữu 4 nhà máy sản xuất viên nang rỗ với công suất lên tới 8 tỷ nang/năm. Thời gian tới, doanh thu, lợi nhuận của Dược Cửu Long sẽ cải thiện hơn khi đưa ra thị trường một số dòng sản phẩm mới; Nhà máy vật tư y tế mà Công ty đang đầu tư sẽ đi vào hoạt động", văn bản từ Dược Cửu Long nêu rõ.
Dược Cửu Long (DCL) kinh doanh thế nào?
Công ty CP Dược phẩm Cửu Long được thành lập năm 1997, dựa trên sự hợp nhất và tách ra của hai đơn vị: Doanh nghiệp Dược phẩm Cửu Long và Công ty Dược phẩm Cửu Long. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần.
Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, kinh doanh dược phẩm, Casule các loại, trang thiết bị y tế cho ngành dược, ngành y tế.
Vốn điều lệ ban đầu là 56 tỷ đồng. Đến tháng 9/2008, Dược Cửu Long niêm yết trên Sàn chứng khoán TP.HCM.
Năm 2015, CTCP F.I.T trở thành cổ đông lớn của Dược Cửu Long với tỉ lệ sở hữu là 59,2%. Hiện tại, công ty có vốn điều lệ 588,3 tỷ đồng.
Dữ liệu cho thấy, trong giai đoạn năm 2008-2015, doanh thu của DCL tăng từ mức 475 tỷ đồng (năm 2008) lên mức 669.5 tỷ đồng (năm 2015).
Tuy nhiên, trái ngược với doanh thu, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng không đều đặn trong giai đọan này. Cao nhất, đạt 79,4 tỷ (năm 2015), đáng chú ý, khoản lỗ 30,8 tỷ (năm 2011) - đây cũng là năm duy nhất DCL lỗ từ khi niêm yết trên sàn.
Giai đoạn 2016-2018 cho thấy, mặc dù doanh thu tăng trưởng khá đều đặn nhưng lợi nhuận trước thuế khá trồi sụt. Năm 2016, Dược Cửu Long ghi nhận doanh thu đạt 737.8 tỷ đồng tăng 10,2%, tuy nhiên, lãi trước thuế tăng vọt lên 113 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2005. Đến năm 2017, doanh thu DCL tăng nhẹ nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 13% xuống còn 98,2 tỷ đồng.
Giai đoạn 2019-2021 ghi nhận, mặc dù doanh thu không có đột biến nhưng lợi nhuận mang về khá ấn tượng. Cụ thể, năm 2019, doanh thu DCL giảm 6,5% về 752 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế tăng tới 5,2 lần lên 104 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh thu đạt 703,6 tỷ đồng đạt 87,4% và lợi nhuận sau thuế đạt tới 110,3 tỷ đồng, tăng 28,3% so với năm 2020. Lợi nhuận trước trước thuế đạt so với kế hoạch và tăng 28,3% so với năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, đóng phiên ngày 14/3, cổ phiếu DCL đứng ở mức 36.150 đồng/cổ phiếu. Xét trong 1 tháng qua thị giá DCL giảm 6,83%, trong khi đó, cả năm qua, cổ phiếu của Dược Cửu Long chỉ tăng được 29,11%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.