Liên quan vụ cuốn từ điển học sinh bị thu hồi: Cân nhắc việc thanh tra 2 nhà xuất bản

Hà Thu (thực hiện) Thứ năm, ngày 23/10/2014 07:13 AM (GMT+7)
Bình luận 0

Cùng lúc, Cục Xuất bản, In và Phát hành- Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành 4 quyết định về thu hồi và tiêu hủy cuốn sách "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”. Phóng viên Báo NTNN trao đổi với bà Mai Thị Hương- Trưởng phòng Quản lý xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành về công tác hậu kiểm sách.

img Cuốn từ điển bị thu hồi.

 

Bà có thể nói rõ hơn về quy trình kiểm tra, phát hiện trường hợp Nhà xuất bản (NXB) Trẻ và NXB Thanh Niên bị mạo danh trên các cuốn từ điển “bê bối” vừa qua?

- Cả 2 NXB đều có báo cáo gửi về Cục nói rõ việc bị mạo danh, vì thế trong 2 văn bản thu hồi cuốn từ điển này Cục Xuất bản đều ghi rõ “căn cứ vào báo cáo của NXB Trẻ và NXB Thanh Niên” để ra quyết định.

Với 2 trường hợp còn lại, ngoài việc ra các quyết định thu hồi thì Cục có đưa ra các biện pháp xử lý bổ sung gì?

- Đối với những sai phạm của các nhà xuất bản, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có những biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Vụ việc liên quan đến NXB Hồng Đức và Nhà sách Minh Lâm thì Cục đã chuyển hồ sơ đến Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, xử lý theo quy định. Cục cũng đang cân nhắc phương án thanh tra NXB Hồng Đức và NXB Văn hóa - Thông tin.

Trong thời gian gần đây, việc mạo danh các NXB xuất hiện trên các ấn phẩm ngày một nhiều, Cục có biện pháp gì để ngăn chặn các xuất bản phẩm mạo danh?

- Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận từ 28.000 đến 30.000 đầu sách/ năm với khoảng 300 triệu bản. Với con số này, chúng tôi có phân cấp cho các cơ quan ở địa phương, sở thông tin truyền thông- đơn vị quản lý hoạt động xuất bản trên địa bàn để kiểm tra. Đối với việc kiểm tra xuất bản phẩm, Cục Xuất bản làm công tác hậu kiểm và phát hiện, xử lý thường xuyên những trường hợp vi phạm. Năm 2013, chúng tôi phát hiện 244 xuất bản phẩm vi phạm ở các cấp độ, riêng 9 tháng đầu năm này Cục phát hiện 79 trường hợp vi phạm.

Hơn 200 xuất bản phẩm có sai phạm bị phát hiện trong một năm cũng là con số lớn. Tại sao Cục không công khai những trường hợp sai phạm để người đọc tẩy chay hoặc tránh không mua những xuất bản phẩm yếu kém chất lượng ấy nữa?

- Chúng tôi xử lý tương đối nhiều, nhưng một số xuất bản phẩm vi phạm chúng tôi không thể chia sẻ với truyền thông. Thực tế có những cuốn sách bị thu hồi nhưng sau khi thông tin ấy được đưa ra dư luận lại “bùng” lên, nhiều người lại lùng sục đi mua thậm chí, nhiều nhóm cơ hội bán sách photo với giá đắt hơn cả sách thật. Khi đó việc công bố thông tin xử lý của cơ quan quản lý lại trở nên phản tác dụng, gây ảnh hưởng tới xã hội. Do đó, trước khi quyết định công bố hay không thông tin xử phạt hay thu hồi một cuốn sách Cục thường cân nhắc rất kỹ chứ hoàn toàn không phải là bao che hay giấu giếm thông tin cho các NXB.

Mỗi năm Cục Xuất bản nhận được 28.000-30.000 đầu sách nộp lưu chiểu để đọc hậu kiểm. Vậy Cục kiểm tra được bao nhiêu cuốn trong số đó?

- Chúng tôi đã làm thử nghiệm với việc đọc và đưa ra kết quả, mỗi ngày một người đọc từ 80- 100 trang sách. Với sức đọc, kiểm tra xuất bản phẩm như vậy thì 1 năm tối đa Phòng Quản lý xuất bản chỉ làm được 1.000 quyển. Nên chúng tôi cũng duy trì tổ cộng tác viên 12 người là các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, các giám đốc NXB, những người từng làm công tác quản lý, làm việc mỗi tuần hai ngày để đọc và thẩm định giúp các cuốn sách gửi về Cục.

Xin cảm ơn bà!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem