Liên tục có ca nhiễm Covid-19 mới, Bộ Công Thương tăng cường điều tiết thị trường

Thanh Phong Chủ nhật, ngày 08/03/2020 17:25 PM (GMT+7)
Trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19 do virus corona diễn biến phức tạp, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố thực hiện các biện pháp điều tiết.
Bình luận 0

Hiện tại, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Trong đêm ngày 06/3, UBND TP. Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố, có 01 người đi từ nước ngoài về có xét nghiệm dương tính với Covid-19 do virus corona.

Sau thông tin trên, từ sáng ngày 07/3, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội xảy ra hiện tượng người dân tập trung đông người để mua thực phẩm dự trữ.

Thực hiện công tác điều tiết thị trường, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân.

Liên tục có ca nhiễm Covid – 19, Bộ Công Thương tăng cường điều tiết thị trường - Ảnh 1.

Sau khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19 ở Hà Nội, người dân đổ xô đi mua hàng hóa trong sáng 7/3

Theo đại diện Tổng cục QLTT, ngay trong ngày 07/3, cơ quan này đã có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn.

"Sẽ xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý. Đặc biệt, đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.

Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại thành phố Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng", Tổng cục QLTT cho hay.

Cũng theo thông tin từ Tổng cục QLTT, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế.

"Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế", đại diện Tổng cục QLTT khẳng định.

Liên quan đến mặt hàng thiết bị y tế, đặc biệt là khẩu trang, trong ngày 08/03, lực lượng QLTT đã kiểm tra, giám sát 46 vụ. Trong đó, xử lý 5 vụ việc với tổng số tiền xử phạt là 1.750.000 đồng. Lũy kế từ ngày 31/01 đến ngày 08/03 lực lượng QLTT đã xử lý 5.867 vụ với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới 1.845.130.000 đồng.

Điển hình, ngày 7/3, Đội QLTT số 15 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàng Mai kiểm tra địa điểm kinh doanh thuộc công ty TNHH O - T Pharma Việt Nam tại địa chỉ: tầng 3, BTO4, TT 1A, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện 20.000 chiếc khẩu trang chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội Quản lý thị trường số 15 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy đinh của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem