Liên tục M&A quỹ đất, "miếng bánh ngon" của các "đại gia" mùa dịch?
Liên tục M&A quỹ đất, "miếng bánh ngon" của các "đại gia" mùa dịch Covid-19?
Quốc Hải
Chủ nhật, ngày 15/08/2021 19:00 PM (GMT+7)
Mặc dù không diễn ra sôi động, song ngay trong tâm dịch Covid-19, các “ông lớn” địa ốc vẫn thực hiện các cuộc mua bán sáp nhập (M&A) để mở rộng quỹ đất.
Mới nhất, "ông lớn" Phát Đạt đã công bố về một dự án nằm liền kề sông Hàn, được xem là khu đất "kim cương" giữa trung tâm TP.Đà Nẵng đang được gấp rút hoàn tất các thủ tục M&A. Theo hé lộ của Phát Đạt, khu đất kim cương này nằm trên hai cung đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo chạy dọc sông Hàn - hai tuyến đường đắt đỏ nhất nhì trung tâm TP.Đà Nẵng.
Mở rộng quỹ đất, nâng cao "vị thế" của doanh nghiệp
Trước đó, thời điểm tháng 6/2021, Phát Đạt cũng gây sự chú ý khi hoàn tất thương vụ M&A dự án Bình Dương Tower.
Cụ thể, Phát Đạt hoàn tất nhận chuyển nhượng 99,5% phần vốn góp của các cổ đông Công ty CP Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Bình Dương để chính thức sở hữu Dự án Chung cư Bình Dương Tower, và toàn quyền quyết định việc đầu tư phát triển – kinh doanh dự án này. Đây là dự án khá nổi bật ở TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương với diện tích 45.510 m2, có tổng mức đầu tư dự kiến là 5.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại Bình Dương, Phát Đạt còn có dự án Astral City với 3,74ha.
Trước đó, một thương vụ M&A cũng "đình đám" là vụ Công ty CP Phát triển Thành Phố Xanh - công ty con của Vinhomes - chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư và Công viên Phước Thiện (Vinhomes Grand Park) tại quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) cho Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Masterise Homes (Masterise Homes). Thương vụ đã nhận được sự chấp thuận của UBND TP.HCM tại quyết định số 2197/QĐ-UBND ban hành ngày 17/6/2021.
Theo đó, phần dự án chuyển nhượng gồm 2 lô đất có tổng diện tích hơn 7ha. Trong đó, lô đất B6 có diện tích 37.111m2; lô đất B7 có diện tích 33.672m2. Cả 2 lô đất này cùng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 31/3/2020.
Một số DN địa ốc khác thì triển khai kế hoạch thâu tóm các dự án bằng cách mua cổ phần. Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản An Gia (An Gia) đang hoàn thiện pháp lý và lập quy hoạch tỷ lệ 1/2000 một quỹ đất đã mua xong của Công ty CP Năm Bảy Bảy.
Dự kiến, An Gia sẽ đưa ra thị trường 7.000 - 8.000 sản phẩm gồm căn hộ, shophouse, nhà phố thấp tầng vào nửa đầu năm 2022, với ước tính mang về lợi nhuận cho chủ đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 vừa qua, ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị An Gia, cho biết, dự kiến DN sẽ chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng để tìm kiếm quỹ đất làm dự án trong 3 năm tới thông qua M&A.
Một thương vụ khác cũng khá nổi bật là Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) đã nâng tỷ lệ sở hữu lên gần 41% tại Công ty CP Đầu tư xây dựng Long An Idico (Long An Idico – sở hữu quỹ đất 130ha tại Long An), thông qua việc công ty thành viên công ty May Tiến Phát đã mua thành công 11% vốn của Long An Idico.
Ngoài ra, TTC Land còn hợp tác với Tổng công ty Tín Nghĩa để phát triển một dự án mới tại khu vực TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với tổng quy mô hơn 160ha.
Thương vụ M&A của Công ty CP Bất Động Sản Du Lịch Ninh Vân Bay với 2 khu nghỉ dưỡng sang trọng là AnaMandara Villas Dalat Resort & Spa và KND Mũi Né cũng gây tiếng vang lớn trong tháng 5/2021, bằng việc nắm tới 99,51% vốn điều lệ của Công ty Dã Hương.
Cụ thể, khu nghỉ dưỡng Anna Mandara Villas Dalat Resort & Spa tại Đà Lạt là các biệt thự cổ được người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 19. Khu nghỉ dưỡng có 23 cụm biệt thự riêng biệt trên quy mô 7ha bên đồi thông tại trung tâm thành phố Đà Lạt. Năm 2020, khu nghỉ dưỡng vẫn đạt tổng doanh thu xấp xỉ 39 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 12 tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án Khu nghỉ dưỡng Mũi Né có quy mô trên 4ha nằm tại ven bờ biển Mũi Né của thành phố Phan Thiết. Dự án bao gồm 110 phòng ngủ, 1 tòa khách sạn, 10 biệt thự cao cấp; dự kiến khai trương vào năm 2023.
Chờ sự bùng nổ của thị trường BĐS sau dịch Covid-19
Ước tính, do dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua nên có trên 50% số DN bất động sản đang gặp khó về tài chính. Thêm vào đó, việc triển khai các thủ tục xin cấp phép dự án mới gặp khó khăn, quỹ đất dành cho phát triển các dự án bất động sản tại các thành phố lớn thì ngày càng hạn hẹp. Đây là những điều kiện thúc đẩy hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản.
Theo chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, M&A được coi là phương thức hữu hiệu giúp những DN giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh BĐS, giúp các DN còn "non yếu" tăng cường sức khoẻ.
"Đây là thời điểm cho các doanh nghiệp BĐS lớn, có tiềm lực thực hiện chiến lược M&A để thu gom quỹ đất, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Cuộc đua này tốt cho cả thị trường và các dự án đang gặp khó có thể sẽ được hồi sinh sau khi được M&A. Đồng thời cũng giúp gia tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản, góp phần hồi phục và ổn định lại thị trường này", ông Quang nói.
Cũng theo chuyên gia này dự báo, thị trường BĐS sau dịch sẽ có 2 xu hướng, 30% doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn, 50% doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bình thường lại và chỉ có 20% doanh nghiệp sẽ có lợi trong đợt dịch này. Bởi có một số chủ đầu tư có lượng tiền mặt lớn nên đây là cơ hội tốt để M&A các dự án tốt...
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, dù nhiều thương vụ M&A còn đang trong giai đoạn đàm phán và rà soát pháp lý, nhưng đây vẫn được xem là yếu tố tích cực đối với thị trường BĐS Việt Nam. Theo LS Lê Bá Thường, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM, những đổi mới về pháp luật liên quan sẽ giúp hoạt động M&A sôi động hơn trong thời gian tới.
"Vấn đề khó khăn nhất trong phát triểnBĐS là vấn đề về pháp lý. Nhưng các nhà phát triển BĐS và các chủ đầu tư trong nước hiện nay đã chủ động hơn trong M&A. Thậm chí, họ có thể tự tháo gỡ rào cản pháp lý cùng với cơ quan chức năng cho các dự án còn vướng khó khăn, sau đó sẽ trực tiếp phát triển dự án", luật sư Lê Bá Thường đánh giá.
Vì thế, theo luật sư này, kinh nghiệm trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và ổn định kinh tế sẽ giúp Việt Nam có nền tảng tốt để khởi động các hoạt động M&A, giúp thị trường này nhanh chóng hồi phục, trong đó BĐS sẽ là lĩnh vực có thể thu hút dòng tiền lớn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.