Thiếu việc nên… liều
Chúng tôi đến xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đúng
vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch ngô, nhưng tại đây chỉ lác đác vài lao động
chính, còn lại chủ yếu là người già và trẻ em. Ông Lò Văn Sì - Chủ tịch xã Tát
Ngà cho hay: “Hiện nhiều người ở Tát Ngà đã vượt biên trái phép sang lao động ở
Trung Quốc. Tình trạng này dẫn đến thiếu hụt lao động tại chỗ, gây mất an ninh
trật tự tại địa phương”.
Phần lớn lao động chính đã vượt biên sang Trung Quốc làm ăn, giờ ở Tát Ngà chỉ còn người già và trẻ nhỏ.
Trước khi người lao động ở Hà Giang vượt biên trái phép sang
Trung Quốc, bản thân họ cũng đã lường trước được những rủi ro và nguy hiểm
trước mắt. Nhưng do ở địa phương thiếu việc làm trầm trọng, họ không còn cách
nào khác là phải đánh liều kiếm sống.
Anh Nùng Ý Sáng, người bản Thăm Noong
(Tát Ngà) thật thà thừa nhận: Bản thân anh cũng đã nhiều lần vượt biên sang
Trung Quốc lao động, vì ở địa phương thiếu việc làm, nhất là những lúc nông
nhàn, giáp hạt. Mỗi lần như vậy, anh thường sang Trung Quốc 3-4 tháng, trung
bình mỗi ngày được 200–300 nghìn đồng. Tuy nhiên số tiền này không ổn định, đã
không ít lần anh bị chủ quỵt nợ và đối xử tệ bạc.
Khi được hỏi sao không làm đúng thủ tục để sang biên giới
lao động hợp pháp? Anh Sáng chia sẻ: “Để làm thủ tục hợp pháp mất khá nhiều
thời gian lại rất phức tạp. Hơn nữa, chủ sử dụng lao động bên Trung Quốc không
thích nhận lao động có giấy phép, vì như thế họ phải làm thủ tục rất rườm rà và
phải đóng thuế cao. Vì vậy, họ chỉ nhận những lao động “chui”.
Khó tạo việc làm
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Phư -
Trưởng phòng Lao động, việc làm (thuộc Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang) cho biết:“Hiện tình trạng lao động tự do sang Trung
Quốc trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu, trong 5 tháng
đầu năm 2013, toàn tỉnh Hà Giang đã có gần 12.000 lượt lao động vượt biên trái
phép, trong đó hơn 2.000 lao động là nữ”.
Người lao động vượt biên trái phép rất dễ trở thành nạn nhân
khi không nhận được sự bảo vệ cần thiết.
|
Trước thực trạng trên, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Giang cũng đã tích
cực đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường quản lý hộ tịch hộ khẩu, song do địa bàn
rộng, hiểm trở, nhiều đồi núi chia cắt, trình độ dân trí còn thấp nên biện pháp
này còn chưa thực sự hiệu quả. Để giải quyết vấn đề này, theo ông Phư, cần phải
tạo công ăn việc làm tại chỗ để thu hút lao động địa phương. Song để tạo công
ăn việc làm cho người dân thực sự là một bài toán khó cho địa phương.
Mặc dù tỉnh Hà Giang đã ban hành một số chính sách khuyến
khích phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có hỗ trợ lao
động đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu
năm 2013, Hà Giang mới đưa được 1.200 lao động ra các tỉnh ngoài(bằng 1/10 lao động trái phép qua biên giới).
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Hà Giang vẫn chưa biết phải giải
quyết việc làm cho lao động thế nào, vì vậy tình trạng lao động trái phép qua
biên giới càng trở nên khó xử lý.
Đông Xuyên (Đông Xuyên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.