Lính biệt kích nào đã xóa sổ tham vọng hạt nhân của phát xít Đức?

Duy Sơn Thứ năm, ngày 29/07/2021 20:30 PM (GMT+7)
Joachim Roenneberg chỉ huy nhóm đặc nhiệm bí mật tiếp cận, phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng và cả tham vọng hạt nhân của phát xít Đức.
Bình luận 0

Joachim Roenneberg, lính biệt kích Na Uy trong Thế chiến II. Ông là người chỉ huy nhóm đặc nhiệm thực hiện chiến dịch tập kích táo bạo, phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng được canh gác nghiêm ngặt ở Telemark, miền nam Na Uy vào năm 1943, khiến phát xít Đức vỡ mộng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Lính biệt kích nào đã xóa sổ tham vọng hạt nhân của phát xít Đức? - Ảnh 1.

Joachim Roenneberg tại một sự kiện ở London năm 2013. Ảnh: Reuters.

Nhà máy Vemork cách thủ đô Oslo khoảng 160 km về phía tây, nằm trên đỉnh một vách đá dựng đứng phủ đầy tuyết. Đây là nhà máy sản xuất nước nặng duy nhất trên thế giới trong Thế chiến II, khiến nó có vai trò đặc biệt quan trọng với chương trình nghiên cứu, chế tạo bom nguyên tử của Đức.

Dù không nắm rõ về chương trình hạt nhân này, phe Đồng minh thu được thông tin phát xít Đức tập trung sản xuất nước nặng tại Vemork và lên kế hoạch tập kích địa điểm này.

Vemork được đánh giá là pháo đài tự nhiên, chỉ có thể tiếp cận bằng một cây cầu treo, cũng như được bao quanh bởi dãy núi cao với địa hình phức tạp. Phát xít Đức bố trí các bãi mìn, hệ thống đèn pha, hàng rào dây thép gai và thường xuyên tổ chức tuần tra quanh nhà máy.

Từ đầu năm 1942, phe Đồng minh đã tính đến phương án ném bom nhà máy Vemork. Tuy nhiên, họ lo ngại điều này có thể khiến nhiều dân thường thiệt mạng mà không thể phá hủy được các cơ sở chính bên trong nhà máy, do chúng được bảo vệ bởi trần và tường kiên cố.

Đại đội Linge, một nhánh thuộc Cơ quan Tác chiến Đặc biệt Anh (SOE) ở Na Uy, quyết định tuyển mộ nhiều thanh niên Na Uy để đưa về Anh huấn luyện, trong đó có Roenneberg. Họ đã trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt cả về thể chất lẫn tinh thần.

Lính biệt kích nào đã xóa sổ tham vọng hạt nhân của phát xít Đức? - Ảnh 2.

Nhà máy Vemork hồi năm 1935. Ảnh: Wikipedia.

Cuối năm 1942, Anh phát động chiến dịch Freshman tập kích nhà máy Vemork. Tuy nhiên, nó kết thúc trong thảm họa khi một máy bay và hai tàu lượn chở công binh Anh bị rơi ở Na Uy. Những người sống sót bị lính Đức bắt làm tù binh và hành quyết.

Nhóm tiền trạm cho chiến dịch Freshman gồm 4 thành viên người Na Uy vẫn bám trụ trong khu vực để thu thập tin tức tình báo. Họ phải tự sinh tồn trong điều kiện lạnh giá giữa mùa đông khắc nghiệt, ở trên núi đá với rất ít thực phẩm.

Quân đội Anh sau đó quyết định tiến hành chiến dịch Gunnerside kết hợp với nhóm tiền trạm. Roenneberg khi đó mới 23 tuổi, nhưng được SOE chọn làm chỉ huy chiến dịch này.

Đêm 16/2/1943, 5 lính đặc nhiệm Na Uy nhảy dù từ oanh tạc cơ Halifax của Anh. Họ mất vài ngày để hội quân với nhóm tiền trạm và bàn kế hoạch lần cuối cho cuộc tập kích.

Nhóm đặc nhiệm đề ra ba kế hoạch tiếp cận nhà máy. Phương án được chọn là leo núi vào ban đêm, bởi lính Đức cho rằng đối phương sẽ không tiếp cận từ hướng khe núi sâu và buông lỏng cảnh giác.

Nhóm đặc nhiệm tiếp cận mục tiêu rất chậm do thời tiết khắc nghiệt. Tuy nhiên, họ đẩy nhanh tốc độ khi thời tiết cải thiện

Đêm 27/2/1943, nhóm của Roenneberg tiếp cận được nhà máy Vemork. Họ bí mật vượt qua các trạm gác, tìm được đường đến khu sản xuất nước nặng nhờ tấm bản đồ từ các công nhân người Na Uy.

Tại phòng sản xuất nước nặng, đội đặc nhiệm Na Uy đặt các khối thuốc nổ và gắn ngòi hẹn giờ. Chính tay Roenneberg đã giảm thời gian đếm ngược xuống chỉ còn vài chục giây để đảm bảo vụ nổ chắc chắn diễn ra, nhưng điều này cũng khiến ông có ít thời gian để rút lui hơn.

Họ còn để lại một khẩu tiểu liên Thompson để cho quân Đức biết rằng việc này do quân đội Anh thực hiện, tránh gây liên lụy quân kháng chiến địa phương.

Ngay khi Roenneberg vừa ra khỏi cửa phòng sản xuất nước nặng, những tiếng nổ lớn vang lên, ông biết chiến dịch đã thành công. Lợi dụng khung cảnh hỗn loạn sau vụ nổ, ông và các đồng đội nhanh chóng thoát khỏi nhà máy.

Lính biệt kích nào đã xóa sổ tham vọng hạt nhân của phát xít Đức? - Ảnh 3.

Hình nộm tái hiện nhóm đặc nhiệm Na Uy đặt thuốc nổ trong nhà máy Vemork. Ảnh: Wikipedia.

Sau khi thoát ra ngoài, nhóm quay trở lại vị trí tập kết qua khe núi, sau đó tách thành các nhóm nhỏ và trượt tuyết vượt quãng đường gần 500 km tới Thụy Điển, quốc gia trung lập trong Thế chiến II. Từ đây, họ tìm đường trở lại Anh.

Chiến dịch Gunnerside đã phá hủy toàn bộ số nước nặng và trang bị cần thiết để vận hành nhà máy Vemork. Quân Đức không bắt được ai trong nhóm đặc nhiệm, dù đã triển khai tới 3.000 lính truy lùng.

Phát xít Đức sau đó xây dựng lại nhà máy Vemork để tiếp tục sản xuất nước nặng, nhưng các cuộc oanh tạc của quân Đồng minh làm quá trình chế tạo bị đình trệ. Chiến dịch Gunnerside khiến chương trình nguyên tử của Đức bị chậm lại và không bao giờ được hoàn thành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem