Nguyễn Hoà
Thứ bảy, ngày 15/06/2024 07:39 AM (GMT+7)
Trường Sa chưa bao giờ hết nắng, hết gió và các chiến sĩ ở Trường Sa cũng chưa bao giờ thôi mạnh mẽ trước thời tiết khắc nghiệt của huyện đảo tiền tiêu. Cánh tay họ vẫn vung lên trước sóng to, gió lớn; tinh thần, ý chí luôn bất khuất, kiên cường.
Nhắc đến Trường Sa, với những người chưa có may mắn được đặt chân đến huyện đảo thiêng liêng của Tổ quốc, quần đảo có lẽ đọng lại trong tâm thức mỗi người là một địa danh của đất nước, là vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc.
Nhưng được đến với Trường Sa, được đặt chân lên từng thước đảo, từng vùng biển, được nhìn hình cảnh các chiến sĩ luôn tràn đầy niềm tin, ý chí kiên cường, mỗi người chắc hẳn sẽ có những cảm nhận thật đặc biệt.
Lính trẻ Trường Sa, những chiến sĩ tuổi đời chỉ mới mười chín, đôi mươi luôn tràn đầy niềm tin, nhiệt huyết là một trong những điều đặc biệt, ấn tượng như thế.
Lê Thạc Thảo (SN 2001) – chiến sĩ làm công tác hậu cần trên đảo Trường Sa (thị trấn Trường Sa, huyện đảo Trường Sa, Khánh Hoà) gây ấn tượng với PV ngay lần đầu gặp mặt.
Thảo có làn da "đặc sản" của lính Trường Sa. Da Thảo đen cháy, người chắc, rắn rỏi và mái tóc gọn gàng theo tác phong quân đội. Thảo quê ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), ra đảo Trường Sa thực hiện nghĩa vụ quân sự từ tháng 7/2023.
Được ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ, được cống hiến cho Tổ quốc, Thảo nói rất tự hào vinh dự. Thảo chia sẻ, không nghĩ có một ngày mình lại được đứng trong hàng ngũ của Hải quân nhân dân Việt Nam, được mặc lên người bộ quân phục và lại được đứng ở huyện đảo tiền tiêu thiêng liêng để thực hiện nhiệm vụ.
Đây cũng là lần đầu tiên Thảo xa nhà lâu đến như thế. Trong mỗi lần Thảo liên lạc về nhà với bố mẹ, ông Lê Thạc Đức – bố đẻ Thảo luôn động viên con cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở đầu dây bên này, Thảo cũng động viên bố mẹ.
"Em nói với bố mẹ, con ở ngoài này được Thủ trưởng, anh em đồng đội quan tâm, bà con nhân dân yêu thương, anh em trong đơn vị đoàn kết, vui vẻ như một gia đình. Nghe em nói, bố mẹ em vui, tự hào lắm" – Thảo cười tươi.
Đến tháng 7/2024 này, Thảo sẽ hết nghĩa vụ và trở lại đất liền. Nam chiến sĩ này bày tỏ, nếu có cơ hội, anh mong muốn tiếp tục được cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc, mong tiếp tục được đứng trong hàng ngũ Hải quân nhân dân Việt Nam.
Cùng thực hiện nhiệm vụ như Thảo, binh nhất Nguyễn Văn An (SN 2003) cũng ra đảo Trường Sa từ tháng 7/2023. Ngày An gặp PV cũng là ngày cuối cùng An ở đảo Trường Sa, bởi ngày hôm sau chiến sĩ này sẽ về đất liền để đi thi. An là 1 trong số 7 người được đơn vị bình xét, lựa chọn tiếp tục đào tạo sau khi thực hiện xong nghĩa vụ.
Nam chiến sĩ quê ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá) bùi ngùi, rằng nếu có may mắn, chắc khoảng 5 năm nữa An mới có cơ hội quay trở lại Trường Sa bởi việc học ở đất liền sẽ lâu.
An khoe rằng, khi thực hiện nhiệm vụ trên đảo, các chàng lính trẻ này đã có "món tủ" đó là dùng lá bàng vuông non cuốn gỏi cá thay lá đinh lăng, lá sung và An rất muốn phát triển "món tủ" này nếu có cơ hội.
Trước ngày về đất liền, An kéo chúng tôi đi từng vị trí trên đảo, nhờ "các anh nhà báo" chụp giúp những bức ảnh kỷ niệm. An nói sợ sẽ lâu nữa không được ra Trường Sa nên muốn ghi lại thật nhiều hình ảnh, kỷ niệm nơi mình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua.
An cũng chạy đi tìm Thảo – người bạn thân của mình và đề nghị chụp ảnh kỷ niệm với Thảo. 2 lính trẻ của Trường Sa vẫn còn khá bỡ ngỡ khi tạo dáng trước máy ảnh nên họ có các bức ảnh đều với những cử chỉ, dáng đứng, nét trẻ trung giống nhau.
Các anh lính trẻ chụp ảnh trước nhà ăn của đảo, trước đường băng với sự hào hứng. Trong nét trẻ trung của các chiến sĩ, sự rắn rỏi, sự kiên cường, nhiệt huyết đã toát lên đầy kiêu hãnh.
An cũng khoe, rằng anh đã chuẩn bị những con ốc biển, hòn đá nhỏ ở đảo Trường Sa, một vài cây bàng vuông để về làm quà cho người thân trong đất liền. Trước lúc chia tay, gửi gắm tới đồng đội, An mong các đồng đội giữ gìn sức khoẻ thật tốt vì "có sức khoẻ mới bảo vệ được chủ quyền biển đảo thiêng liêng".
Phút đời thường của chiến sĩ
Trong cái nắng sớm của Trường Sa, từng chiếc xuồng từ tàu Kiểm Ngư 491 được hạ xuống, đưa 200 thành viên Đoàn công tác số 19 lên thăm đảo Đá Tây B (1 trong 3 điểm đảo thuộc đảo chìm Đá Tây, cách đất liền khoảng 260 hải lý).
Giữa mênh mông sóng nước, từ dưới xuồng nhìn về phía đảo, những vạt áo sọc xanh trên nền áo trắng của các chiến sĩ tại đảo khiến chúng tôi có cảm giác rất đỗi thân thuộc, gần gũi.
Đến thăm các đảo, đoàn công tác sẽ làm việc với đảo, tặng quà, sau đó là đến tiết mục giao lưu văn nghệ giữa tổ văn nghệ xung kích của đoàn với các cán bộ, chiến sĩ tại đảo.
Các nghệ sỹ thì tổ chức giao lưu văn nghệ, động viên tinh thần các chiến sĩ, còn với "cánh nhà báo", chúng tôi cũng tranh thủ quỹ thời gian ít ỏi để nghe, để nhìn, để ghi lại những hình ảnh thiêng liêng nơi biển đảo máu thịt. Với Đá Tây B, chúng tôi cũng tranh thủ từng phút để tiếp thêm động lực, động viên tinh thần các chiến sỹ như thế.
Dưới ánh nắng sớm của Trường Sa, PV chủ động ghi lại hình ảnh của một nhóm các chiến sỹ đang đứng theo dõi tiết mục văn nghệ của tổ văn nghệ xung kích đến từ Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định.
Thấy máy ảnh đưa lên, các chiến sĩ cũng cười tươi tạo dáng rồi hướng mắt về ống kính. Những khoảnh khắc vô giá đó đã được ghi lại với những khuôn hình đẹp nhất.
Vừa dứt chụp ảnh, một chiến sĩ bất ngờ tiến lại gần PV và hỏi: "Anh ơi, anh có ở Nam Định không?". "Anh không ở đó nhưng Nam Định với anh rất thân thuộc" – PV đáp. "Anh có thể chụp cho em một bức ảnh riêng được không" – chiến sĩ trẻ hỏi. "Được chứ" – PV nói rồi PV nâng máy ảnh lên chuẩn bị chụp. Lúc này nam chiến sĩ liền kéo thêm một sĩ quan khác vào chụp cùng. Bức ảnh nhanh chóng được ghi lại sau lời đề nghị của nam chiến sĩ.
Người vừa đề nghị được chụp ảnh riêng là chiến sỹ nghĩa vụ Nguyễn Minh Khánh. Khánh năm nay vừa tròn 20 tuổi, quê ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu, Nam Định).
Khánh cũng lần đầu xa nhà lâu đến thế và theo như chia sẻ của Khánh, anh lính trẻ muốn nhờ PV chụp một bức ảnh kỷ niệm rồi nhờ PV mang về đất liền, gửi cho mẹ mình.
Người mà Khánh kéo vào chụp cùng trong bức ảnh kỷ niệm muốn gửi về cho mẹ là chỉ huy của Khánh. Khánh bộc bạch, đã lâu gia đình chưa được nhìn thấy Khánh, anh muốn gửi những hình ảnh về để gia đình, bố mẹ yên tâm rằng anh đang thực hiện nhiệm vụ rất tốt ở Trường Sa.
Khánh mượn PV chiếc bút và tờ giấy, nắn nót viết địa chỉ nhà mình cùng với số điện thoại của mẹ rồi đưa cho PV. Ngay lúc ấy, PV cảm nhận được sự xúc động đang dâng trào qua ánh mắt của anh lính trẻ.
Cũng với một đề nghị như của Khánh, vào một ngày khác khi đoàn công tác chúng tôi đến thăm xã đảo Sinh Tồn, trong cái nắng gay gắt, 1 chiến sĩ trẻ nghiêm trang bồng súng bên cột mốc chủ quyền. Trước không gian này, chúng tôi liền giơ máy ảnh lên ghi lại những hình ảnh thiêng liêng.
Hết ca gác, chiến sĩ trẻ chạy lại trước chúng tôi và nói mình là binh nhất Đào Duy Thành, pháo thủ. Thành mong muốn khi PV về đến đất liền hãy gửi tấm ảnh vừa chụp vào Zalo cho Thành để làm kỷ niệm. Lần lượt sau đó, các chiến sĩ đổi gác với Thành cũng có đề nghị tương tự rồi nhờ chúng tôi gửi ảnh giúp đến bố mẹ, người thân ở nhà "để cho mọi người phấn khởi".
Một lần khác, khi đoàn công tác đang giao lưu văn nghệ cùng với quân và dân đảo Trường Sa, các chiến sỹ trong đội văn nghệ xung kích của đảo Trường Sa rất thích thú với chiếc máy ảnh mà PV mang theo.
Ngay sau tiết mục nhảy dân vũ dưới nền bài hát "Tổ quốc gọi tên mình" của các chiến sĩ, PV đã đưa máy ảnh cho các chiến sĩ trong đội văn nghệ và bày tỏ nhờ chiến sỹ chụp cho mình một bức ảnh cùng với đội.
Nguyễn Hoàng Anh (19 tuổi, quê Thanh Hoá) là người chủ động cầm máy và bước lên chụp ảnh. Dù còn bỡ ngỡ với chiếc máy ảnh có nhiều chi tiết cơ học, Hoàng Anh cũng nhanh chóng chụp được tấm ảnh đầu tiên mà nhân vật là các đồng đội của mình. Bức ảnh qua kiểm tra thấy hơi mờ, Hoàng Anh đã chụp thêm nhiều tấm ảnh khác và những tấm ảnh đã nét, chuẩn dần hơn.
Hoàng Anh sau đó còn chủ động đề nghị được mượn máy ảnh để tự tay anh đi chụp các đồng đội khác. Sự hào hứng thể hiện rõ trên khuôn mặt của các chiến sĩ và họ sau đó lần lượt là nhân vật của "nhiếp ảnh gia" Hoàng Anh.
Giữa biển khơi mênh mông Trường Sa, các chiến sĩ trẻ ở tuổi mười chín, đôi mươi vẫn bồng súng đứng gác bên cột mốc chủ quyền Tổ quốc mặc cho khí hậu đảo tiền tiêu luôn khắc nghiệt.
Trong nét trẻ trung của những người lính trẻ toát lên sự rắn rỏi, kiên cường. Ý chí giữ biển đảo đã ngấm vào máu thịt của từng cán bộ, chiến sĩ và sự kiên trung đó sẽ tiếp tục bảo vệ Trường Sa ngày càng vững chãi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.