Suốt mấy tuần qua, dòng họ Hermès, hiện là cổ đông lớn nhất (sở hữu 73,4% cổ phần) của Hermès, hãng sản xuất nhiều loại hàng xa xỉ như túi da, nước hoa… luôn lo cuống cuồng và đã ráo riết tìm mọi biện pháp nhằm chống lại nguy cơ bị Louis Vuitton Moet Hennessy (LVMH), tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ, thời trang lớn nhất thế giới thâu tóm.
Họ đã phải cạy cục cả các cơ quan chức năng của Chính phủ Pháp, nhằm tìm cách bảo vệ mình. Bước đầu, họ đã có thắng lợi, khi vào ngày 6-1-2011, Cơ quan Quản lý thị trường tài chính Pháp (Autorité des Marchés Financiers – AMF) về cơ bản đã cam kết sẽ tìm cách thức phù hợp về mặt pháp lý để có thể giúp họ tránh được nguy cơ này.
Trong vòng 3 tháng qua, ông Bernard Arnault, Chủ tịch LVMH và là một trong những tỷ phú giàu nhất Pháp (hiện có tổng tài sản gần 30 tỷ USD, theo Tạp chí Forbes của Mỹ) đã chỉ đạo LVMH mua gom cổ phiếu của Hermès trên thị trường.
Trong tháng 10-2010, LVMH đã nâng tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Hermès từ 14,2% lên 17,1%. Rồi đầu tháng 12-2010, đại diện LVMH thông báo, Tập đoàn đã nắm trong tay 20,2% cổ phần của Hermès. Đến lúc này, gia đình Hermès mới cảm thấy thực sự lo trước nguy cơ có thể bị đối thủ lớn hơn mình gấp nhiều lần thâu tóm.
Theo luật của Pháp, một nhà đầu tư (cá nhân, tổ chức) khi đã sở hữu hơn 1/3 cổ phần của một công ty đại chúng nào đó thì có quyền hợp pháp mua lại toàn bộ số cổ phần còn lại.
Ông Emile Hermès, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hermès đã lớn tiếng cảnh báo trên mặt báo rằng: “Ngài Bernard Arnault, hãy dừng lại! Ông đã bước chân vào vườn nhà chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ kiên quyết không để ông vào nhà chúng tôi đâu”.
Ông này cũng kêu gọi mọi thành viên trong dòng họ sở hữu cổ phần của Hermès hãy đoàn kết lại, chống lại “âm mưu nham hiểm” của tỷ phú Bernard Arnault, để duy trì văn hoá công ty truyền thống từ nhiều đời nay.
Ông Bernard Arnault chỉ phát biểu chung chung rằng: “Khoản đầu tư của LVMH vào Hermès là đầu tư chiến lược và lâu dài, chứ đâu phải là mua lại Hermès”. Ông nói vậy, nhưng chẳng mấy ai ở Pháp tin vào lời ông nói, vì đây là cách thức thâu tóm doanh nghiệp rất đỗi quen thuộc của nhà tỷ phú này. Muốn mua lại công ty nào thì ông thường âm thầm mua gom cổ phiếu của công ty đó, để đến thời điểm thích hợp, đưa ra đề nghị hấp dẫn và mua lại toàn bộ số cổ phiếu còn lại, rồi nắm quyền sở hữu công ty.
Bằng cách này, ông đã thâu tóm tới gần 60 thương hiệu thời trang đủ kiểu. LVMH hiện sở hữu nhiều thương hiệu hàng xa xỉ như Louis Vuitton, Givenchy, Dom Perignon Dior, Kenzo, Céline... Sắp tới mà có thêm Hermès thì... còn gì bằng!
Hermès nổi tiếng với 3 mặt hàng chính là túi xách bằng da, khăn quàng cổ và nước hoa được giới thượng lưu Pháp và quốc tế rất ưa chuộng. Giá các sản phẩm của Hermès đều cao hơn hẳn so với giá của các đối thủ cạnh tranh, song bán vẫn rất chạy.
Cũng như sản phẩm Chanel 5 của Công ty thời trang Chanel, nước hoa của Hermès từ bao đời nay có bí quyết rất ăn khách: đó là chế biến nước hoa từ các hương liệu tự nhiên, thay vì dùng các loại hương vị nhân tạo thường được tìm thấy trong các loại nước hoa mới đầy rẫy trên thị trường hiện nay.
Hermes được ông Thierry Hermès thành lập năm 1837. Lúc đầu, Hermès chuyên sản xuất đồ da, yên ngựa, rồi sau đó là các loại vali và rương hành lý... Năm 1993, Hermès được niêm yết trên sàn chứng khoán Paris khi bán rộng rãi ra công chúng 20% cổ phần của mình.
Gia đình Hermès hiện gồm 3 nhánh là Puech, Guerrand, Dumase bấy lâu nay không phải đã hoàn toàn nhất trí với nhau về chiến lược phát triển của hãng. Hơn nữa, ông Jean - Louis Dumas Hermès, một cổ đông lớn và rất có uy tín trong dòng họ Hermès đã mất vào tháng 5-2010.
Hiện có tới 60 người trong dòng họ nắm cổ phần của Hermès, nhưng không ai sở hữu quá 5% cổ phần. Rất có thể, ông Bernard Arnault đã nhìn thấy ở đây cơ hội có thể “bắt tỉa” dần từng cổ đông trong dòng họ Hermès.
Hermès hiện có giá trị vốn hóa thị trường là 16,6 tỷ euro, trong khi con số này của LVMH là gần 60 tỷ USD, lớn gấp hơn 3 lần Hermès.
Doanh thu năm 2010 của Hermès ước đạt trên 2 tỷ euro, trong khi của LVMH khoảng 20 tỷ euro. Hermès hiện có 304 cửa hàng trên khắp thế giới, trong khi LVMH sở hữu tới 2.468 cửa hàng, trong đó có 2 cửa hàng mang thương hiệu Louis Vuiton tại TP. HCM và Hà Nội. Trên thị trường chứng khoán Paris (Pháp), giá cổ phiếu của LVMH hiện dao động quanh mức 121 euro/cổ phiếu, trong khi giá của Hermès 148 -149 euro/cổ phiếu.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm và nỗi lo của nhà Hermès.
Bà Colette Neuville, Chủ tịch Công ty ADAM (Pháp) cho rằng: “Quy luật của thị trường rất rõ ràng, ai là người tài giỏi nhất thì sẽ thắng. Đương nhiên, gia đình Hermès phải nghĩ đến điều này trước khi đưa công ty gia đình lên niêm yết trên sàn chứng khoán”.
Theo ĐTCK
Vui lòng nhập nội dung bình luận.