Lo cho chất lượng gạo Việt Nam

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 10:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xét về góc độ giá trị xuất khẩu thì Việt Nam cho đến nay hầu như đứng sau cùng trong nhóm top 5 nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới.
Bình luận 0

Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ và Pakistan thường nằm ở vị trí hàng đầu trong những nước xuất khẩu gạo quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, xét về góc độ giá trị xuất khẩu thì Việt Nam (VN) cho đến nay hầu như đứng sau cùng trong nhóm top 5 nước này.

Giá trị xuất khẩu thấp

img

Xem bảng bên, ta có thể thấy mặc dù có sản lượng xuất khẩu đứng nhì thế giới, nhưng giá trị tính bình quân trên 1 tấn gạo, chính là chất lượng gạo đi đôi với giá trị, thì VN (472 USD/tấn) lại đứng sau cùng trong top 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Điều này cho tới nay vẫn chưa được cải thiện khi mà giá xuất khẩu gạo trung bình của VN trong 10 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 433,7 USD/tấn. Xét riêng từng chủng loại gạo thì những loại gạo trắng hạt dài chất lượng trung bình - thấp của ta có giá bán luôn thấp hơn so với cùng loại của Thái Lan, Mỹ… Có thời điểm, giá gạo 25%, 15% tấm của ta thấp hơn Thái Lan đến 100 USD/tấn.

Riêng gạo thơm, chúng ta mới xuất khẩu gạo thơm sản phẩm chung chung, chưa có thương hiệu cho từng giống, gọi là gạo thơm 5% tấm (gạo mới), giá chỉ 620USD/tấn. Trong khi đó gạo thơm có thương hiệu của Thái Lan như Hom Mali 100% phẩm cấp B (mới và cũ) giá tới 1.000USD/tấn, gạo thơm Pathumthani 100% phẩm cấp B là 910USD/tấn. Chưa kể gạo thơm của Ấn Độ hay Pakistan như Basmati có giá còn cao hơn rất nhiều.

Chất lượng gạo kém, giá trị xuất khẩu thấp, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu cũng thấp và chắc chắn thu nhập của những đối tượng tham gia đều thấp, nhất là người nông dân.

Nguyên nhân dẫn đến chất lượng và giá trị gạo VN thấp, trước hết do VN chưa xuất khẩu được nhiều những giống có chất lượng gạo thơm ngon nổi tiếng trong nước. Gạo trắng chúng ta cũng chưa xây dựng được thương hiệu cho từng giống như các nước đã có. Chúng ta chỉ có thương hiệu chung là gạo trắng, hạt dài bao nhiêu phần trăm tấm cho cả gạo thơm và gạo trắng thường. Vì vậy, gạo chất lượng kém do lẫn tạp nhiều giống khác nhau. Ngoài ra, gạo xuất khẩu của chúng ta phần lớn là gạo trắng phẩm cấp trung bình, ít gạo thơm và chưa nhiều dạng gạo đồ (parboiled rice), hay nếp. Trong lúc Thái Lan xuất khẩu rất đa dạng sản phẩm và có thương hiệu riêng.

Cần liên kết 4 nhà

Vấn đề không chỉ cạnh tranh ngôi vị xuất khẩu, mà là gia tăng giá trị thông qua tăng chất lượng và phát triển thị trường xuất khẩu cho từng loại gạo với thương hiệu riêng của VN là điều quan trọng nhất. Từ đó giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước, tăng lợi nhuận doanh nghiệp tham gia và nhất là cải thiện đời sống người nông dân.

Muốn thế, cần phải liên kết “4 nhà”, theo kinh nghiệm của Uruguay là tổ chức hệ thống liên kết dọc và minh bạch giữa nông dân, các doanh nghiệp chế biến, nhà nghiên cứu và chính phủ. Minh bạch nghĩa là giá xuất khẩu cuối cùng được công khai và nông dân được hưởng thích đáng khi bán sản phẩm cho doanh nghiệp chế biến chính thức qua việc ký kết hợp đồng hàng năm.

Doanh nghiệp chế biến gạo cho nông dân ứng trước vốn lên đến 70% nhu cầu vốn mua máy móc nông nghiệp và các đầu vào sản xuất khác; có kế hoạch bảo hiểm nhằm bảo vệ nông dân phòng khi tổn thất do thiên tai gây hại. Doanh nghiệp chế biến gạo hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu gạo quốc tế và cung cấp thông tin định kỳ đến những nhà khoa học chọn tạo giống lúa ở trong nước nhằm đảm bảo ưu tiên chọn tạo những giống có chất lượng hợp với yêu cầu thị trường và mang thương hiệu riêng của đất nước mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem