Lo cúm A/H5N1 xâm nhập từ Trung Quốc, Bộ NNPTNT ra công điện khẩn

Khương Lực Thứ ba, ngày 04/02/2020 10:01 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tác động mạnh đến xuất khẩu nông sản, Bộ NNPTNT lại phải lên kế hoạch ngăn chặn cúm A/H5N1 xâm nhập qua biên giới khi tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) vừa phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm.
Bình luận 0

Nguy cơ lây lan giữa các nước rất cao

Do được thúc đẩy phát triển mạnh trong năm 2019, đến nay tổng đàn gia cầm của Việt Nam đang ở con số rất lớn, khoảng 467 triệu con. Năm 2019, sản lượng thịt gia cầm đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng 15%. Cùng với đó, sản lượng trứng ước đạt 13,0 tỷ quả, tăng 12%.

Thế nhưng, đàn gia cầm lớn mạnh ấy đang bị đe dọa bởi nguy cơ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xuất hiện, lây lan cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viên phổi cấp do chủng virus mới corona (nCoV) gây ra.

img

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đi kiểm tra tình hình phát triển đàn gia cầm ở Phú Thọ. Ảnh: K.Lực

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và của các nước, từ đầu tháng 1 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là: chủng cúm A/H5N1 tại Ấn Độ, Trung Quốc; cúm A/H5N6 tại Nigeria; cúm A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch cúm gia cầm cúm A/H5N2 và cúm A/H5N5. Nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.

Tại Việt Nam, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh, hiện đã tiêu hủy toàn bộ 3.000 con gà mắc bệnh và đến nay không phát sinh thên gia cầm bệnh.

Hiện nay, bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT)

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tỏ ra lo lắng khi mật độ đàn gia cầm tại Việt Nam và Trung Quốc đều rất lớn. Trong khi đó, diễn biến thời tiết năm 2020, nhất là trong quý I và quý II/2020 rất phức tạp. Dự báo tiết rét lạnh và mưa phùn sẽ diễn ra.

Năm nay lại nhuận 2 tháng 4 nên diễn biến thời tiết cực kỳ phù hợp với các loại bệnh, nhất là bệnh trên gia cầm. “Những điều kiện thời tiết như vậy là bạn đồng hành cùng với virus cúm A/H5N1. Do đó, nếu chúng ta không phòng trừ cẩn thận, kỳ này tiếp tục xảy ra dịch bệnh này thì rất phức tạp” – Bộ trưởng đánh giá.

Chính vì thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngay từ bây giờ lãnh đạo các tỉnh biên giới phải nêu cao tinh thần, tăng cường kiểm soát để ngăn chặn cúm gia cầm A/H5N1 tràn vào. Trong tuần tới, Bộ NNPTNT sẽ triển khai một hội nghị chuyên đề về vấn đề này.

Khẩn trương ngăn chặn cúm A/H5N1 xâm nhập

Trong ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẩn cấp yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.

Bộ NNPTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.

Tập trung tổ chức triển khai, đồng thời kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý; Chỉ thị về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân.

Cùng với đó, tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2/2020.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục tổ chức các đoàn đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện; chủ động phối hợp 3 với các tổ chức quốc tế, các nước để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo và kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm.

Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức thành lập các đoàn công tác đến các địa phương đôn đốc, hướng dẫn cụ thể các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh phòng dịch.

Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 địa phương) tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam.

Từ năm 2003 đến 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận tổng cộng 861 trường hợp nhiễm H5N1 ở người trên toàn thế giới, 455 trong số đó đã tử vong. Trong suốt 16 năm qua, Trung Quốc đã ghi nhận 53 trường hợp nhiễm cúm gia cầm và 31 trong số đó đã thiệt mạng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem