Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 6,39 điểm (0,7%) lên 925,47 điểm; HNX-Index tăng 0,73% lên 135,34 điểm và UPCom-Index tăng 0,06% lên 62,77 điểm. Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 7.500 tỷ đồng.
VN-Index đóng cửa tăng 6,39 điểm (0,7%) lên 925,47 điểm
Khối ngoại tiếp tục có phiên bán ròng khá mạnh với giá trị 560 tỷ đồng trên HoSE, lực bán tập trung vào các Bluechips như MSN, VNM, HPG, VRE…
Trong phiên giao dịch này, có thời điểm áp lực bán mạnh khiến VN-Index lùi về 911 điểm, tương ứng mất gần 8 điểm. Tuy vậy, bước vào phiên ATC với tâm điểm là hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF như VFMVN30 ETF, SSIAM VN30 ETF, VFMVN Diamond ETF, SSIAM VNFin Lead ETF, thị trường bất ngờ bứt phá mạnh và đảo chiều tăng điểm.
Đứng đầu top tác động mạnh nhất tới thị trường là VIC. Chốt phiên VIC tăng mạnh 5.800 đồng (5,76%) lên 106.500 đồng. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu trong các rổ VN30, VNFinLead, VNDiamond cũng bứt phá mạnh như VNM, FPT, PNJ, MWG, HDB, VPB…giúp sắc xanh thị trường được củng cố vững chắc.
Ở chiều ngược lại, VCB, TCB và GAS là những mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi lấy đi của VN-Index lần lượt 0,61; 0,42 và 0,31 điểm.
HAG tăng 2,02% lên mốc 4.540 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai gây chú ý trong phiên với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,7 triệu cổ phiếu. Chốt phiên, HAG tăng 2,02% lên mốc 4.540 đồng/cổ phiếu. Tính chung 1 tuần qua mã cổ phiếu này đã mất 3,81% giá trị. Tuy nhiên, tính trên mốc 1 quý thì cổ phiếu của bầu Đức vẫn đang tăng mạnh với mức tăng hơn 21,39% giá trị.
Liên quan đến cổ phiếu này, trong ngày 29/10/2020, ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) - Chủ tịch HĐQT của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - đã mua thành công 50 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức thỏa thuận. Sau giao dịch, ông Đức nâng khối lượng sở hữu tại HAG từ 327 triệu cổ phiếu (35.25% vốn) lên thành 377 triệu cổ phiếu (40.62% vốn).
Trong phiên 29/10, có 64.1 triệu cổ phiếu HAG được giao dịch thỏa thuận, tương đương tổng trị giá trị 307.6 tỷ đồng, tương ứng mức giá thỏa thuận là 4.800 đồng/ cổ phiếu. Mức giá thỏa thuận này cao hơn so với giá chốt phiên 29/10 (4.450 đồng/ cổ phiếu). Như vậy, ước tính ông Đức đã chi khoảng 240 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.
Liên quan tới tình hình kinh doanh, CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019.
9 tháng, doanh nghiệp của bầu Đức lỗ sau thuế 702 tỉ đồng.
Quí III, HAGL đạt 700 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 26% so với cùng kì năm 2019 và 3/4 nguồn thu đến từ trái cây. Trong đó, doanh thu trái cây là 527 tỉ đồng, tăng gần gấp rưỡi nhưng giá vốn lại đội lên tới 575 tỉ đồng.
Phía doanh nghiệp cho biết do giá bán sản phẩm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên lỗ gộp trong kì.
Đáng chú ý, doanh thu tài chính giảm tới 90% còn 139 tỉ đồng do quí III/2019 HAGL ghi nhận lãi từ việc thanh lí các khoản đầu tư trong khi kì này không phát sinh.
Các chi phí vẫn còn cao, doanh thu tài chính giảm mạnh chưa kể tới khoản lỗ khác khiến HAGL lỗ sau thuế 568 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 187 tỉ đồng.
Nói thêm về khoản lỗ khác thì HAGL giải trình chi phí khác giảm 613 tỉ đồng so với cùng kì năm 2019 do trong quí III năm trước, doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh đầu tư vườn cây cao su, cọ dầu vào chi phí do chuyển đổi mục đích trồng cây ăn trái. Quí III/2020, HAGL không phát sinh khoản này.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HAGL đạt 2.171 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 47% so với cùng kì năm trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại lỗ sau thuế 702 tỉ đồng.
Năm 2020, HAGL đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.082 tỉ đồng, lỗ trước thuế 356 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, tập đoàn mới chỉ thực hiện được 43% mục tiêu doanh thu. Với con số lỗ trước thuế 9 tháng là 702 tỉ đồng, đã gấp hai lần so với mức lỗ đề ra cho cả năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.