Lộ danh tính người tố cáo ở Đồng Tháp: Phạm vào điều tối kỵ

Lê Chiên (thực hiện) Thứ năm, ngày 08/06/2017 09:23 AM (GMT+7)
Đó là ý kiến của luật sư Phạm Hồng Hải - Công ty Luật TNHH Vũ Trần - Đoàn Luật sư TP Hà Nội về vụ Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nêu tên, địa chỉ người đứng đơn tố cáo.
Bình luận 0

Sự việc khiến người tố cáo hết sức hoang mang; còn dư luận thì dấy lên băn khoăn, lo lắng. Để làm rõ vấn đề này, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Hồng Hải - Công ty Luật TNHH Vũ Trần - Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Luật sư Hải cho biết: Việc Chủ tịch UBND Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương nêu tên, địa chỉ người đứng đơn tố cáo (mà báo chí phản ánh) là vi phạm nghiêm trọng đến quyền công dân, khiến người tố cáo lo lắng sợ bị trả thù; có khi còn bị đe dọa an toàn tính mạng… Không những thế còn ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Làm như thế thì còn ai dám đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực nữa? Theo tôi, sự cố này không thể chỉ nhận sai là xong mà cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân. Ai sai đến đâu thì xử lý đến đó, có như vậy người dân mới yên lòng, mới tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

img

Luật sư Phạm Hồng Hải - Công ty Luật TNHH Vũ Trần - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là sơ suất của cơ quan tham mưu chứ không có ác ý gì đối với công dân tố cáo. Luật sư đánh giá thế nào về điều này?

Theo tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn không có ác ý đối với người tố cáo. Tuy nhiên nếu đánh giá sự việc là “sơ suất của cơ quan tham mưu” là không ổn. Việc phải giữ bí mật thông tin về nhân thân của người tố cáo là quy định cơ bản nhất, tối thiểu nhất mà ai cũng phải biết, chứ đừng nói đến cán bộ, công chức.

Anh tham mưu với Chủ tịch như thế là không được. Loại trừ yếu tố có dụng ý xấu, thì rõ ràng trình độ của các cán bộ tham mưu rất yếu. Hơn nữa việc tiết lộ danh tính của người tố cáo là phạm vào điều tối kỵ, cần phải nhìn sự việc ở góc độ này mới đánh giá đúng mức sự việc; coi việc này là “sơ suất” là chưa thỏa đáng. Bản thân Chủ tịch là người cũng phải chịu trách nhiệm khi ký văn bản “sơ suất” đó.

Vì sao luật sư lại cho rằng việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nêu tên, địa chỉ người đứng đơn tố cáo đã “phạm vào điều tối kỵ”?

Như tôi đã nói ở trên, việc để lộ danh tính của người tố cáo không những ảnh hưởng đến quyền của công dân, đặt họ vào tình trạng lo lắng, có nguy cơ bị trù úm, trả thù… làm ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà đây còn là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm quy định của Luật Tố cáo.

Một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 8 của luật này là: “Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo”. Hơn nữa theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 9 thì người tố cáo có quyền: “Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình”.

Mặt khác, một trong những trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 5 là phải “Áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín, việc làm, bí mật cho người tố cáo”.

Luật Tố cáo còn dành riêng Điều 36 quy định việc “Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo” - Điều luật này được hướng dẫn cụ thể tại Mục 1 Chương 3 Nghị định 76/2012/NĐ-CP.

Từ những căn cứ nêu trên, nên tôi nói việc UBND tỉnh Đồng Tháp để lộ thông tin của người tố cáo là “phạm vào điều tối kỵ” là vì thế.

Vậy việc để lộ thông tin người tố cáo sẽ bị xử lý thế nào?

Điều 46 Luật Tố cáo quy định việc xử lý hành vi vi phạm của người giải quyết tố cáo như sau: “Người giải quyết tố cáo có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Từ thông tin báo chí phản ánh, căn cứ quy định trên, thì người giải quyết tố cáo ở UBND tỉnh Đồng Tháp đã vi phạm khoản 3, Điều 8, Luật Tố cáo. Việc xử lý sẽ tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn luật sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem