Lộ diện ngân hàng đầu tiên sáp nhập năm 2015

Tiền Phong Thứ sáu, ngày 09/01/2015 07:39 AM (GMT+7)
Câu chuyện sáp nhập ngân hàng năm 2015 đang “nóng” lên từng ngày khi tới đây, có thể 5 - 6 tổ chức tín dụng yếu kém hoặc nhỏ buộc phải nhập vào những ngân hàng lớn hay khỏe hơn. Ngày 8/1 xuất hiện tên ngân hàng đầu tiên tự nguyện tính chuyện “khắc nhập”.
Bình luận 0
Bất ngờ

Ngày 8/1, trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamABank, xác nhận, Ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) đang xây dựng văn kiện để  trình đại hội cổ đông sắp diễn ra. “NamABank sẽ xin ý kiến các cổ đông về việc niêm yết trên sàn chứng khoán (Hose), dự kiến thời gian niêm yết chậm nhất là tháng 6. 

Đồng thời xin ý kiến về việc sáp nhập với một ngân hàng khác. Hồ sơ niêm yết chúng tôi đã chuẩn bị gửi Sở giao dịch chứng khoán TPHCM; còn việc sáp nhập nếu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông qua sớm, dự kiến có thể diễn ra ngay trong cuối quý I này ”, ông Tâm cho biết. 

img

NamABank sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên sáp nhập trong năm 2015. Ảnh: Ngọc Châu.

Thông tin này quả thực gây bất ngờ cho thị trường bởi NamABank vốn là một ngân hàng thương mại cổ phần không quá nổi bật. Với vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, NamABank hiện do ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai bà Tư Hường - một đại gia trong lĩnh vực bất động sản) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Và bất ngờ nữa, khi NamABank sẽ là ngân hàng “nhận” sáp nhập, chứ không phải “bị” sáp nhập.


“Nếu mình lấy “ông” tây to thì mình là cô dâu còn nếu  là “ông”  nhỏ thì mình là chú rể”.  Ông Trần Ngọc Tâm - Phó Tổng Giám đốc NamABank ví von

Vậy, NamABank sẽ sáp nhập với ngân hàng nào? Theo ông Tâm, thông tin này hiện ngân hàng chưa thể chia sẻ ngay vì còn phải đợi ý kiến cổ đông cũng như phê duỵệt cuối cùng của NHNN. “Việc sáp nhập này do chúng tôi hoàn toàn chủ động. Có vài ba đối tác do NHNN giới thiệu và chúng tôi tự tìm hiểu. Tôi chỉ có thể “bật mí” ngân hàng mà chúng tôi chọn phải phù hợp với yêu cầu và thế mạnh của NamABank là đi vào bán lẻ thật sự, chứ không chạy theo các thương vụ lợi ích” - ông Tâm khẳng định. 

Ông lưu ý, mọi người đừng quá câu nệ “ai nhập với ai” mà quan trọng hai ngân hàng đó có tương thích với nhau trong hoạt động hay không, đường hướng, chiến lược quản trị thế nào. “Nếu mình lấy “ông” tây to thì mình là cô dâu, còn nếu “ông” nhỏ thì mình là chú rể”, ông Tâm ví von. Tuy nhiên, theo tìm hiểu riêng của PV thương vụ này khả năng sẽ là một  bất ngờ đối với thị trường khi có thể NamABank sẽ “nhận” về một ngân hàng cổ phần có quy mô khá lớn.

Ai nhập với ai?

Cách đây hai tuần, tại đại hội cổ đông bất thường, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bất ngờ xin ý kiến về việc tổ chức tín dụng này có thể sẽ “nhận” về một ngân hàng nhỏ. Thông tin dù chỉ được lãnh đạo Vietcombank “úp mở” còn chờ phán quyết của NHNN, nhưng theo nhiều nguồn tin, nhiều khả năng ngân hàng nhỏ mà Vietcombank nhận về sẽ nằm ở phía Nam. 

Tương tự, hai NHTM Nhà nước khác là BIDV và Vietinbank  cũng đã được NHNN “chấm” cho hai ngân hàng nhỏ khác trong diện cần tái cơ cấu khác. Bình luận về “công cuộc” sáp nhập có thể diễn ra trong năm nay, một cựu lãnh đạo NHNN cho rằng, đây không phải là điều gì quá đột phá. “Quá trình tái cơ cấu ngân hàng thực ra đang chậm rồi, không nên để chậm hơn nữa. Phải có bước đi táo bạo hơn, chẳng hạn NHTM Cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank), anh đó yếu càng để lâu thì càng yếu kém hơn”, vị này khẳng định. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, phân tích, theo đề án tái cơ cấu của NHNN mà Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2017, chỉ còn lại khoảng 20 ngân hàng lớn, cho nên  tất yếu ba NHTM Nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV) sẽ phải nhận kèm về một số ngân hàng nhỏ; rồi trên thực tế trong năm 2015 này, một số ngân hàng cũng đang phải hoặc tự tìm đến nhau hoặc nhờ gợi ý của NHNN để xem xét việc nhập lại, chứ không thể “một mình một chợ”. Ông Kiêm cho hay, ngay đến DongABank có quy mô vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng cũng bắt đầu tìm hiểu một ngân hàng có thế mạnh và nhiều điểm tương đồng. “Tuy nhiên, mọi việc mới chỉ dừng ở thăm dò, nên tôi chưa thể nói nhiều”, ông Kiêm nói.  

Ngày 3/1, Chính phủ có Nghị quyết số 01 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015, trong đó yêu cầu NHNN và các cơ quan, bộ, ngành tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở tự nguyện và đúng pháp luật. Thực ra, kế hoạch 5 - 6 vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng đã “đặt lịch” từ 2014, nhưng do “vướng” nhiều thứ chưa thực thi được nên mới “nhấc” sang năm nay.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem