Lo dương tính, nhiều người ngày nào cũng test Covid-19, bác sĩ cảnh báo điều gì?

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 23/02/2022 07:30 AM (GMT+7)
Trước việc nhiều người dân sáng test, chiều test Covid-19, thậm chí test một cách vô tội vạ "cho chắc", trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội đã chỉ ra thời điểm nào nên thực hiện.
Bình luận 0

Hoảng hồn với việc "sáng test, chiều test" Covid-19

Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội cùng nhiều tỉnh, thành liên tục tăng nhanh. Đơn cử như ngày 22/2, Hà Nội ghi nhận gần 7.000 ca mắc. Trước đó, ngày 21/2 ghi nhận hơn 5.400 ca.

Từ các gia đình đến cơ quan, các công ty, đơn vị liên tục chi số tiền lớn mua test Covid-19 thực hiện xét nghiệm.

Ca nhiễm Covid-19 "nổ như pháo hoa", người dân có nên sáng, tối test Covid-19? - Ảnh 1.

Nhiều người "ám ảnh" vì test Covid-19 liên tục. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, anh N.H. (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, để cẩn thận, mỗi ngày trước khi đi làm, anh thực hiện test Covid-19 một lần, đến chiều tối đi làm về anh lại thận trọng test thêm lần nữa.

"Nhà tôi có con nhỏ nên tôi cứ test cho yên tâm. Vợ tôi cũng bảo đi làm về thì test, đâm ra ngày nào cũng hai lần sáng tối test Covid-19. Bạn bè của tôi 'nổ F0' liên tục nên cứ làm vậy cho chắc chắn. Tính ra mỗi ngày tôi cũng mất hơn 100.000 đồng tiền test Covid-19. Cả tháng cũng đến vài triệu đồng", anh H. chia sẻ.

Ca nhiễm Covid-19 "nổ như pháo hoa", người dân có nên sáng, tối test Covid-19? - Ảnh 2.

Bộ sưu tập test Covid-19 tại một đơn vị ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cũng như anh H., chị Q.K ở quận Long Biên, Hà Nội, cho hay, do công việc đặc thù của hai vợ chồng thường xuyên đi lại, giao tiếp nhiều nên ngày nào vợ chồng chị cũng test để thêm phần yên tâm. Chưa kể công ty chị K. tuần nào cũng đều đặn test cho toàn bộ nhân viên 1, 2 lần.

"Test nhiều khó chịu, đau mũi lắm nhưng dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên gia đình phải làm để phòng tránh. Tôi cũng khuyên chồng hạn chế tiếp xúc, đi lại, giao lưu để tránh bị lây nhiễm cho người thân, gia đình. Thôi cứ test hàng ngày cho chắc", chị K. nói.

Khi nào test Covid-19?

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, người dân chỉ thực sự cần test khi có dấu hiệu nghi ngờ. Cụ thể, có triệu chứng sốt, đau rát họng, ho, đau nhức người, mất vị giác. Thứ 2, những người sau khi tiếp xúc với F0 khoảng 3 ngày.

Ca nhiễm Covid-19 "nổ như pháo hoa", người dân có nên sáng, tối test Covid-19? - Ảnh 3.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội cho rằng, người dân chỉ thực sự cần test khi có dấu hiệu nghi ngờ. Ảnh: Gia Khiêm

"Nếu trong một hai ngày đầu sau khi tiếp xúc với F0 xét nghiệm sẽ không có kết quả chính xác. Bộ Y tế cho phép có 16 loại test Covid-19, test hai loại khác nhau nếu dương tính thì khẳng định nhiễm Covid-19, sẵn sàng điều trị tại nhà. Người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà khoảng 5-7 ngày hoặc thậm chí 10 ngày test lại. Nếu test 2 lần đều âm tính là khỏi bệnh. 

Ngày nào cũng test làm gì cho tốn kém trừ trường hợp họp, gặp mặt đông người chúng ta cẩn thận, để đảm bảo an toàn test trước khi đến. Có người không có triệu chứng vào đám đông đảm bảo an toàn hoặc cuộc họp quan trọng test trước khi đến. Nếu một triệu người cùng test tính ra chi phí rất tốn kém", ông Hải nhấn mạnh.

Ca nhiễm Covid-19 "nổ như pháo hoa", người dân có nên sáng, tối test Covid-19? - Ảnh 4.

Hình ảnh bộ test Covid-19 được một gia đình tại Hà Nội thực hiện thường xuyên mỗi ngày 1,2 lần. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho rằng, để phát hiện ra tác nhân gây bệnh SARS-CoV-2 không có cách nào khác ngoài việc xét nghiệm. Tuy nhiên chỉ định xét nghiệm một cách đại trà giống như trước đây bây giờ nên thay đổi. Phải có chọn lọc đối tượng, đúng thời điểm chứ không phải thích thì làm.

"Cần xét nghiệm đúng đối tượng, đúng thời điểm. Cụ thể, người đó tiếp xúc nhiều trong cộng đồng mà trong đó có nguy cơ lây nhiễm rất cao rõ ràng phải có ý thức tự bảo vệ gia đình, cơ quan, cộng đồng nên cần xét nghiệm. Nhóm những người bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đã được khuyến cáo như ho, sốt, mệt mỏi người, thay đổi vị giác… hoặc những người đến cuộc họp đông người hay có lãnh đạo cao cấp…", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Ca nhiễm Covid-19 "nổ như pháo hoa", người dân có nên sáng, tối test Covid-19? - Ảnh 5.

Bên trong khu điều trị F0 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội ngày 7/1. Ảnh: Gia Khiêm

Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 cho biết, những ngày gần đây số ca mắc Covid-19 tăng lên. Bệnh viện có gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch, thường xuyên hết giường. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân tăng nhưng số thở máy, nặng không cao như trước.

"Thực tế số bệnh nhân nặng không phải vì Covid-19 nữa mà nặng vì bệnh lý, đa nền đặc biệt nhóm điều trị trong bệnh viện mà cụ thể nhóm sau mổ, đang hồi sức vì bệnh lý nhiễm trùng khác, suy hô hấp…làm gánh nặng tăng lên trong việc hồi sức cấp cứu. 

Bên cạnh đó, nhân viên y tế đợt này bị lây nhiễm Covid-19 nhiều. Nhiều người nhiễm bệnh vẫn xung phong làm việc tại khu vực điều trị Covid-19, một số bệnh viện điều trị bệnh nhân viên y tế nhiễm Covid-19 nên gặp khó khăn nhân lực y tế", ông Hải chia sẻ.

Ông Hải đánh giá, hiện Hà Nội đang trong thời kỳ đỉnh dịch Covid-19. Ông dự đoán khoảng 1 tháng nữa may ra tình hình dịch Covid-19 mới dịu. Người dân đã tiêm vaccine đầy đủ không quá lo lắng, thực hiện tốt 5K. 

Ông Hải đưa ra khuyên, những ai chưa tiêm nên tiêm vaccine, đặc biệt những người cao tuổi, người già yếu… nên tiêm đầy đủ vaccine. Càng nhiều bệnh nền càng nhạy cảm nên phải tiêm vaccine.

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 21/2 đến 18h ngày 22/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 6.860 ca Covid-19 (tăng 1.382 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.977 ca cộng đồng; 4.883 ca đã cách ly.

Cụ thể, 6.860 bệnh nhân phân bố tại 517 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (435), Hoàng Mai (423), Nam Từ Liêm (393), Sóc Sơn (377), Bắc Từ Liêm (329). Như vậy, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận 213.855 ca.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem