Lộ “gót chân Asin” của một loạt ông lớn bất động sản

Thái Bình Thứ sáu, ngày 09/09/2016 08:19 AM (GMT+7)
Hàng loạt sai phạm của các ông lớn, có ít nhiều liên quan đến lĩnh vực xây dựng, xây lắp đã bị phơi bày. Đây là thực trạng đáng lo ngại trong phát triển, sử dụng vốn lẫn đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty có vốn Nhà nước.
Bình luận 0

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2015 cho thấy, trong năm 2014, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn.

Điệp khúc... nợ        

Điển hình cơ bản ở một số đơn vị: Tổng công ty Xây dựng số 1 (trực thuộc Bộ Xây dựng) ghi nhận số nợ 473,79 tỷ đồng (bằng 25,65% nợ phải thu), nợ khó đòi lớn (Hapro 376,65 tỷ đồng; Coma 18 là 28,57 tỷ đồng; Comael 48,04 tỷ đồng). Trầm trọng hơn là tình trạng một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện (như CC1: Công ty mẹ 41,84 tỷ đồng; IDICO: Công ty TNHH MTV Xây dựng IDICO 0,23 tỷ đồng).

Hoạt động mạnh trong ngành xây dựng, Vinaconex hay IDICO bị phát hiện vấn đề trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định. Trong đó, trích lập không đầy đủ: Vinaconex: Công ty CP Xây dựng số 5 là 7,62 tỷ đồng, Công ty CP Vinaconex Sài Gòn 19,11 tỷ đồng; Tổng công ty Lũng Lô; PVN; Hapro...; Trích không có hồ sơ, không đúng đối tượng hoặc chưa đủ điều kiện: Vinaconex: Công ty CP Xây dựng số 5 là 3,64 tỷ đồng; Vinaincon: Công ty mẹ 3,98 tỷ đồng. Bất ngờ hơn, Công ty TNHH MTV Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp IDICO còn "không trích" (!)

imgDự án nhà ở (tại quận Hai Bà Trưng) đã hoạt động hơn 2 năm, nhưng chủ quản - COMA chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất?

Tên tuổi trong giới xây dựng – hạ tầng như IDICO, COMA, VINACONEX còn được nhắc tới vì nhiều lỗi mắc phải (Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ). Đơn cử, chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu: Vinaconex: Công ty CP Xây dựng số 1, số 2 và số 3, Công ty CP Vinaconex 25, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ đô thị Việt Nam; COMA: COMA 18, COMAEL; hay "nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi": IDICO: Công ty CP Đầu tư xây dựng & Phát triển vật liệu IDICO 1,29 tỷ đồng... .

Theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị tập đoàn, tổng công ty đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp (Công ty mẹ - COMA: Lợi nhuận được chia năm 2014 từ các công ty con bằng 1,05% vốn đầu tư, trong đó 06/10 công ty con thua lỗ (04 công ty mất vốn chủ sở hữu: COMA 3, COMA 7, COMAEL, Công ty CP Khóa Minh Khai); lợi nhuận được chia từ công ty liên kết bằng 1,8% vốn đầu tư (trong đó 01/04 công ty liên kết thua lỗ).

Nghiêm trọng hơn, nhiều DN nhận vốn góp của một số tập đoàn, tổng công ty rơi vào nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể. Ví dụ Tổng công ty Bến Thành: Công ty CP BĐS Bến Thành Đức Khải đã có kế hoạch giải thể; Hapro: Công ty Liên doanh trung tâm thương mại chợ Ngã Tư Sở ngừng hoạt động từ tháng 8.2013, Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển thương mại Cointra ngừng hoạt động từ năm 2009…

Dấu hỏi sử dụng, quản lý vốn

Kiểm toán cho biết hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh BĐS còn dự án chậm tiến độ (Một số dự án thuộc các đơn vị thành viên của Vinalines, Habeco, ACV, IDICO, Tổng công ty Bến Thành, CC1, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị).

Không quá bất ngờ, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Một vài trường hợp minh họa như tại Vinalines: công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (hệ số nợ lên tới 153,92 lần); COMA: Công ty mẹ 12 lần, COMAEL 13 lần; Tổng công ty Sông Đà: Công ty mẹ 4,36 lần; IDICO: Công ty CP Đầu tư xây dựng số 10 IDICO 52 lần; Công ty CP Đầu tư xây dựng & Phát triển vật liệu IDICO 8,21 lần.

imgHUD và quá trình CPH, xử lý tài chính tại đơn vị này vẫn là bài toán khó với DN lẫn cơ quan quản lý. 

Về quản lý sử dụng quỹ đất của các tập đoàn, Tổngcông ty Nhà nước (đang nóng thời gian này), một số đơn vị bị bóc tách lỗi chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý (?).

Đáng chú ý, đất đai sử dụng của nhiều đơn vị vẫn chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý. Chi tiết một vài thương hiệu lớn với quỹ đất khổng lồ như: IDICO 3.527,73 ha; Tổng công ty Sông Đà: Công ty CP Đầu tư & Phát triển điện Sê San 3A (1.073,83 ha); Vinalines 38 ha; Hapro 57,66 ha; Vinataba 47,1 ha và 03 lô đất do Công ty Xuất nhập khẩu Thuốc lá quản lý; TCT Lũng Lô 1,54 ha.

Chưa dừng lại, không ít đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất (bất chấp hoạt động kinh doanh tỏ ra tiến triển): COMA: Công ty mẹ Dự án Skylight và Hapro là 2 điển hình rõ nhất. Cần nhắc thêm về dự án Skylight của COMA, tổ hợp cao cấp (có vốn đầu tư ngót 900 tỷ đồng) đã được hoàn thiện bàn giao sử dụng từ hơn 2 năm trước.

Tuy nhiên, chỉ chưa tới 1 năm sau, chung cư gồm 2 tòa (cao 22 tầng, 2 tầng hầm) đã bị cư dân "tố" nhiều sai phạm như cho thuê phần diện tích sử dụng chung đã ghi trong hợp đồng, chất lượng dịch vụ không tương xứng với mức phí, nhiều khoản chi tài chính thiếu minh bạch...

Theo môi giới H. đang tiếp thị 1 số căn hộ dự án nơi đây, đa phần chủ sở hữu căn hộ đã có sổ đỏ. Tuy nhiên, đối chiếu kết quả kiểm toán Nhà nước gần nhất, COMA vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất tại dự án 125D Minh Khai, quận Hai Bà Trưng (?!) 

Việc xử lý tài chính của Công ty mẹ - HUD còn sai sót. Cụ thể, kiểm kê, xác định thiếu giá trị lợi thế kinh doanh 16,56 tỷ đồng, trích Quỹ bảo trì nhà chung cư chưa đúng quy định 4,02 tỷ đồng... Một số đơn vị xác định giá trị DN và phần vốn nhà nước tại DN chưa đúng đắn. Xác định giá trị DN: Công ty mẹ - HUD thiếu 34,88 tỷ đồng; Công ty mẹ - IDICO thiếu 816,88 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Sông Đà thừa 89,77 tỷ đồng; Xác định giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN: Công ty mẹ - HUD thiếu 37,18 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Sông Đà thừa 95,59 tỷ đồng, Công ty mẹ - IDICO thừa 29,52 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem