Lo hàng Thái đánh bật hàng Việt

Thứ sáu, ngày 22/08/2014 07:00 AM (GMT+7)
Việc doanh nhân Thái mua lại Metro với giá khá cao là bình thường, đúng luật. Tuy nhiên có thể vụ thâu tóm này sẽ gây ra một số hệ quả đối với hàng Việt.
Bình luận 0

Ngay sau khi đại gia Thái Lan - Tập đoàn Berli Jucker (BJC) mua lại toàn bộ hệ thống bán sỉ Cash & Carry ở Việt Nam của Metro Group (Đức), các chuyên gia trong nước đã bày tỏ sự lo lắng khi sắp tới, có thể hàng Thái sẽ ồ ạt tràn vào và đánh bật hàng Việt.

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế TƯ cho biết, việc doanh nhân Thái mua lại Metro với giá khá cao là bình thường, đúng luật. Tuy nhiên có thể gây ra một số hệ quả đối với hàng Việt.

"Có thể họ sẽ tận dụng quyền sở hữu của mình để đưa nhiều hàng Thái Lan vào và đẩy hàng hóa của Việt Nam ra. Đó là nguy cơ có thực", ông Doanh nói.
img Metro Cash & Carry là một trong những tập đoàn bán buôn hàng đầu thế giới của Đức. Metro Việt Nam thành lập năm 2002, hiện có 19 trung tâm siêu thị trên toàn quốc.

Còn theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhìn lại câu chuyện Tập đoàn Thái Lan mua lại hệ thống Metro của Việt Nam có thể thấy, khâu phân phối chỉ là khâu đổ bộ Việt Nam cuối cùng của Thái Lan mà thôi. Từ lâu, họ đã vào Việt Nam, tham gia từ khâu sản xuất, du lịch, hội chợ hàng Thái tại Việt Nam để thăm dò hàng Thái có khả năng xâm nhập thị trường Việt Nam không.

"Năm ngoái, họ mua Family Mart, tỷ lệ hàng Thái đã tăng lên 70%, trong khi trước đó, hàng Việt chiếm 70%. Có thể nói cách làm của họ rất bài bản", ông Phú cho biết.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ câu chuyện tại chính tập đoàn mình. "Trước đây, hệ thống Metro ít bán hàng dệt may của Việt Nam. Nay, có thể hàng dệt may trong Metro sẽ còn ít hơn nữa do chủ Metro sẽ đưa hàng Thái vào", ông Trường lo lắng.

Thực tế, Thái Lan ở rất gần Việt Nam. Với hệ thống giao thông thuận lợi, cùng nhiều ưu đãi thuế quan, khả năng rất cao là hàng hóa Thái Lan được chuyên chở đến TP Hồ Chí Minh rồi sau đó là Hà Nội.

Theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, người tiêu dùng trong nước vốn có tâm lý thích dùng hàng Thái Lan vì chất lượng tốt, nên bây giờ, nếu như hàng Thái Lan tràn ngập thị trường thì đó sẽ là mối lo lớn cho hàng Việt.

Để tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt, các chuyên gia cho rằng chúng ta phải tăng cường các công cụ kiểm tra và đưa ra các “rào cản kĩ thuật” phù hợp với các cam kết thương mại như vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kĩ thuật… để hạn chế sự xâm lấn của hàng ngoại không đảm bảo chất lượng.

Theo ông Vũ Vinh Phú, các doanh nghiệp Việt Nam phải hợp tác tăng cường sức mạnh để đối phó với sự xâm nhập của hàng Thái. "Các DN nhỏ Việt Nam vốn ít, công nghệ kém như những con thuyền nan phải liên kết lại tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng các DN bán lẻ Việt Nam. Mặt khác, phải quản lý theo chuỗi để giảm chi phí, ổn định nguồn hàng. Hiện nay, hàng Việt Nam phải qua rất nhiều khâu trung gian", ông Phú cho biết.
(Theo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem