Lo hàng Trung Quốc triệt tiêu hàng Việt - Bài 3: Cần gấp biện pháp mạnh tay từ nhà nước
Lo hàng Trung Quốc triệt tiêu hàng Việt - Bài 3: Cần gấp biện pháp mạnh tay từ Nhà nước
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 01/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Theo các doanh nghiệp và chuyên gia, rất cần giải pháp cấp bách để ngăn chặn hàng Trung Quốc kém chất lượng tràn vào Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi ghi nhận một loạt kiến nghị từ các doanh nghiệp sản xuất, đại diện hiệp hội ngành hàng, chuyên gia về việc cần gấp các biện pháp mạnh tay từ cơ quan quản lý nhà nước đối với mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới hiện nay.
Kiến nghị áp thuế, xử lý mạnh tay vi phạm thương mại điện tử
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, cho rằng doanh nghiệp hiện nay đã “rất mệt mỏi”. Câu chuyện hiện nay phải là câu chuyện của cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng trong việc sớm triển khai ngay một số biện pháp cấp bách.
Theo bà Chi, việc đầu tiên cơ quan chức năng nên làm là tăng cường quản lý về thương mại điện tử, tăng cường kiểm soát và áp thuế cho hàng hóa vào Việt Nam theo đường thương mại điện tử mà chưa đóng thuế.
“Doanh nghiệp trong nước bán bất cứ món gì cũng đóng thuế, khai báo, v,v… Chúng ta cần có những chính sách quy định cụ thể về chất lượng cho từng nhóm hàng hóa trên sàn bán vào Việt Nam để ngăn chặn bớt hàng Trung Quốc đang ào ạt vào Việt Nam”, bà Chi nói.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng giám đốc Việt Thắng Jeans, đề nghị có chế tài thật mạnh tay với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam nhưng không tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Theo ông Việt, thực ra chính sách thuế của Việt Nam khá mạnh nhưng có lẽ hành động chưa tới và chưa quyết liệt nên vẫn còn những trường hợp lách luật. Nếu phạt thật nặng, đánh thuế đầy đủ thì sẽ không có cửa hàng Trung Quốc kém chất lượng, giá siêu rẻ tấn công và làm lũng đoạn thị trường, hàng hóa trong nước.
Lo hàng Trung Quốc triệt tiêu hàng Việt: Doanh nghiệp cho rằng Nhà nước cần thực hiện các chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Ảnh: Dony
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty Liên kết Toàn cầu, cho rằng song song với việc ngăn chặn hàng Trung Quốc từ bên ngoài vào Việt Nam thì bên trong, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời và thực chất cho hàng Việt.
Theo ông Luận, các chính sách hỗ trợ thuế, lãi suất vay vốn… phải thực sự thiết thực, hiệu quả thì mới mong có thể kéo giảm giá thành sản xuất, giúp doanh nghiệp Việt “đấu” lại hàng ngoại.
Phải quản lý chặt chẽ hàng nhập khẩu
Trước tình hình và sức ép của hàng giá rẻ Trung Quốc, Sở Công Thương TP.HCM đã kiến nghị Bộ Công Thương loạt kiến nghị, giải pháp cấp bách.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, kiến nghị cần quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mãi vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội...; áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc đến mức đình chỉ hoạt động đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội... vi phạm nhiều lần.
Đồng thời, hoàn thiện quy định và chính sách thuế, đảm bảo các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ, thu thuế công bằng đối với sản phẩm nước ngoài bán tại Việt Nam thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
GS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, dẫn số liệu từ Bộ TT&TT cho biết hàng hóa giá trị thấp di chuyển qua biên giới theo thống kê 6 tháng đầu năm, bình quân 1,3 - 1,9 tỷ USD/tháng không phải đóng thuế.
“Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn. Như vậy cơ chế chính sách của chúng ta đang không phù hợp”, ông Thịnh nói.
Tương tự, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết nhiều sàn thương mại điện tử Trung Quốc vào thị trường Việt Nam là một thách thức thực sự đối với doanh nghiệp trong nước.
Ông Doanh cho rằng Nhà nước cần vào cuộc xem xét nghiêm túc quy định, quản lý chặt chẽ đối với các hàng nhập khẩu hoặc hàng nhận từ các đơn hàng điện tử, tính hợp pháp về thuế cũng như tránh hàng giả, hàng nhái, hàng trốn thuế giá rẻ tràn vào Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội TP.HCM, nêu quan điểm ủng hộ hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, song bất cập hiện nay là chính sách quản lý mô hình kinh doanh mới mẻ này chưa chặt chẽ. Theo ông Ngân, sàn chưa đăng ký đã hoạt động hoặc thậm chí không thu thuế được là không đảm bảo công bằng trong kinh doanh.
“Do vậy cần phải tăng cường kiểm soát việc có hay không gian lận thương mại, tránh thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch. Việc đưa vào thị trường hàng hóa qua các kênh như vậy là không đảm bảo công bằng sẽ ‘giết chết’ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, hệ quả là thất nghiệp. Vì vậy cần phải có cảnh báo và giải pháp quản lý chặt chẽ”, ông Ngân đề xuất.
Còn tiếp: Lo hàng giá rẻ Trung Quốc triệt tiêu hàng Việt - Bài cuối: Đã đến lúc DN, người Việt cùng chung tay bảo vệ hàng Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.