Ai sẽ chịu trách nhiệm khi có thiệt hại?
“Tôi lái xe taxi và tôi sẵn sàng để cảnh sát trưng dụng xe trong trường hợp truy bắt tội phạm khẩn cấp. Nhưng chi phí xăng xe ai sẽ chịu? Trước khi giao xe không lập biên bản xác định tình trạng xe, khi giao xe cho cảnh sát sử dụng, xe bị hư hỏng thì lại xảy ra tranh chấp, sẽ giải quyết ra sao? Không loại trừ khả năng xấu nhất nếu không may cảnh sát gây tai nạn tôi có phải chịu trách nhiệm liên đới không? Tôi có hợp đồng chở khách, nay cảnh sát trưng dụng xe, tôi không thực hiện được hợp đồng, ngoài lỡ việc của khách tôi còn bị phạt vi phạm hợp đồng. Cảnh sát có chịu cho tôi không?... Bởi vậy ngành Công an cần phải làm rõ những điều này trước khi trao “quyền trưng dụng” phương tiện cho CSGT”.
(Bạn đọc Nguyễn Văn Nam, tài xế taxi tại Phú Xuyên, Hà Nội)
Phải có cơ chế để tránh lạm quyền
“Mặc dù Luật Công an nhân dân quy định công an có quyền huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của người đang sử dụng, điều khiển phương tiện trong các tình huống cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên khi trưng dụng các phương tiện là liên quan đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân. Quyền này được pháp luật bảo vệ. Do đó cần nghiên cứu kỹ và dự liệu những tình huống và hậu quả pháp lý phát sinh từ quan hệ “trưng dụng” đó. Đặc biệt đối với cảnh sát giao thông thường xuyên tiếp xúc với dân, nhiều tình huống nhạy cảm, do đó thông tư chỉ nêu quyền của cảnh sát giao thông được trưng dụng là chưa đủ, nếu như không có các quy định ràng buộc kèm theo thì rất dễ dẫn đến lạm quyền”.
(Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội)
Liệu có áp đặt?
“Giả sử tôi phát hiện cảnh sát giao thông ăn tiền mãi lộ… dùng điện thoại để ghi lại hình ảnh đó, lúc này cảnh sát dùng “quyền trưng dụng” để yêu cầu tôi đưa điện thoại thì tôi biết làm thế nào? Trong khi chưa làm rõ khi nào, trường hợp nào thì cảnh sát giao thông được “quyền trưng dụng” ; chưa hỏi ý kiến của đối tượng bị trưng dụng tài sản (người dân) vậy mà Bộ Công an đã cho phép cảnh sát giao thông được “quyền trưng dụng”. Thậm chí theo trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật - Cục CSGT (Bộ Công an) trả lời cho báo chí rằng: Người có phương tiện bị trưng dụng không chấp hành thì căn cứ vào hậu quả, tính chất, mức độ sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Như thế có phải là áp đặt?”
(Bạn đọc Trần Xuân Thọ, Hưng Hà, Thái Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.