Lộ lỗ hổng lớn sau các ngôi trường dạy chui, học chui

Vương Hà Thứ tư, ngày 21/08/2019 07:40 AM (GMT+7)
Tại sao chỉ đến khi sự cố xảy ra, thậm chí là những vụ việc rất đau lòng, mới lộ ra những thiếu hụt rất lớn, dù đó là những quy định tối thiểu mà lẽ ra Bộ GDĐT phải làm từ lâu?
Bình luận 0

Việc khởi tố vụ án và khởi tố bị can một số đối tượng ở trường ĐH Đông Đô về tội giả mạo trong công tác đã làm lộ ra những điều dư luận không thể tưởng tượng nổi. Từ vụ án, dư luận mới biết đến và quá bất ngờ với hiện tượng đào tạo chui hàng trăm sinh viên văn bằng 2. Bởi lẽ, không ai có thể nghĩ rằng, việc tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 chính quy được quảng cáo rầm rộ như vậy lại là... đào tạo chui. Vậy, đây có phải là hiện tượng “con voi chui lọt lỗ kim”? Ẩn khuất phía sau nó là gì?

Đào tạo chui hàng trăm sinh viên đã là chuyện lạ, bởi mang tiếng là chui, nhưng rõ ràng vụ việc rất công khai trên rất nhiều phương tiện, kể cả quảng cáo trên website của trường. Không chỉ vậy, chui không chỉ là không xin phép, mà trường này còn cho không ít thí sinh chỉ cần nộp tiền sẽ đậu đầu vào, thậm chí không cần học vẫn được cấp bằng xịn!! Có thể nói thẳng, bản chất vụ án này là mua bán bằng.

img

Đại học Đông Đô đào tạo chui 17 ngành với hàng trăm sinh viên trong vài năm nay.

Dư luận đặt câu hỏi, dám mua bán bằng công khai như vậy, phải chăng lãnh đạo trường tự tin từ những “cái ô” nào đó chăng? Nhưng lạ hơn nhiều là nếu ban đầu, dư luận chỉ biết việc đào tạo chui văn bằng 2 tiếng Anh, thì đến nay báo chí phát hiện ra trường này đào tạo văn bằng 2 chui tới 17 ngành. Và đã đào tạo được mấy năm liên tục mới bị cơ quan chức năng phát hiện ra. Một sự giả mạo quá khủng.

Những diễn giải của Bộ GDĐT về vụ án này, thoáng nghe tưởng có lý, nhưng chỉ cần chú ý một chút là dễ thấy những lý giải này nhằm che khuất đi những khoảng trống trách nhiệm rất lớn của bộ này. Theo Bộ GDĐT trình bày, do trường Đông Đô không xin phép đào tạo văn bằng 2, nên Bộ không yêu cầu trường báo cáo. Nếu nói như vậy, Bộ sẽ không phải chịu trách nhiệm gì trước sai phạm của trường Đông Đô chăng? Vậy trong các năm từ 2016 - 2018, việc tuyển sinh văn bằng 2 của trường này rầm rộ, công khai như thế mà các cục, vụ chức năng của Bộ lẽ nào lại không biết? Trong những năm đó, Bộ có các đoàn thanh tra xuống trường không?

Cũng theo Bộ GDĐT, năm 2018 Bộ định xuống thanh tra nhưng không được vì trường Đông Đô xin hoãn với lý do đang chuyển đến cơ sở mới. Thế những năm 2016 và 2017 thì sao, có đoàn thanh tra nào không? Giả thiết những năm đó không có đoàn thanh tra nào đi nữa, thì các cục, vụ chức năng ở Bộ có xuống trường này làm việc không? Mặt khác, đề án tuyển sinh năm 2017 trường tuyển sinh 150 chỉ tiêu văn bằng 2 chính quy, năm 2018 tuyển 400 chỉ tiêu được đăng tải công khai trên website của trường ĐH Đông Đô mà Bộ và các cục, vụ chức năng đều không biết? Dư luận thì đã tự có câu trả lời cho mình. Nhưng về pháp luật, những câu hỏi này chắc chắn Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sẽ làm rõ.

img

Trường Gateway tự nhận là trường quốc tế.

Cũng trong lĩnh vực giáo dục, sau vụ cháu bé lớp 1 trường Gateway bị chết oan uổng, dư luận không chỉ đau xót, phẫn nộ mà thật sự bất ngờ: Hóa ra... quốc tế giả hiệu nhưng được quảng cáo công khai!? Sau sự cố đau thương này, một loạt trường ở Hà Nội vội vàng gỡ bỏ hai chữ “quốc tế”. Vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở GDĐT Hà Nội, nhưng trách nhiệm lớn hơn phải là Bộ GDĐT. Bởi đâu chỉ mỗi Hà Nội có nhiều trường được gắn mác quốc tế một cách vô tội vạ. Chỉ cần gõ Google là thấy ngay nhiều trường học gắn mác quốc tế tràn lan ở các thành phố lớn.

Rõ ràng lỗ hổng lớn nhất ở đây chính là do chưa có quy định cụ thể thế nào là trường quốc tế. Mà nội dung này chắc chắn cần phải được Bộ GDĐT quy định. Cho dù Bộ GDĐT chưa có quy định này, nhưng trước vấn nạn gắn thêm chữ quốc tế tràn lan hàng chục năm nay, vì sao Bộ vẫn chưa hề một lần tuýt còi hay tổng kiểm tra hiện tượng giả mạo công khai này? Đấy là điều rất khó hiểu với dư luận. Hậu quả là hàng vạn, chục vạn học sinh các cấp học ở những trường quốc tế rởm và phụ huynh của các cháu bị những doanh nghiệp làm giáo dục cho quả lừa quá trắng trợn. Tệ hại hơn, cú lừa công khai này lại diễn ra trong môi trường giáo dục.

Những vụ việc đào tạo chui, gắn biển chui một cách công khai như thế khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi tại sao chỉ đến khi có sự cố xảy ra, thậm chí là những vụ việc rất đau lòng, mới lộ ra những thiếu hụt nghiêm trọng cả các quy định tối thiểu, mà trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của Bộ GDĐT.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem