Lo mất kế sinh nhai, người dân phản đối hút cát ở dự án Thị Nại EcoBay

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 02/08/2019 09:49 AM (GMT+7)
Hàng chục hộ dân ở tỉnh Bình Định đang phản ứng rất gay gắt và “cầu cứu” chính quyền trước việc hút cát ở đầm Thị Nại để tạo luồng lạch, san lấp đìa phục vụ dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại (gọi tắt Thị Nại EcoBay, do Công ty CP Thị Nại EcoBay làm chủ đầu tư). Trong khi đó, giám đốc Ban Quản lý dự án lại cho rằng đây là lỗi thiếu sót từ chính quyền.
Bình luận 0

img

Người dân ở phường Đống Đa bức xúc phản ứng việc hút cát từ dự án. Ảnh: Dũ Tuấn.

Lo môi trường “hủy diệt”, mất chỗ mưu sinh

Chỉ tay về chiếc máy hút cát nằm chình ình ở đầm Thị Nại, ông Nguyễn Văn Mới (69 tuổi, phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn) cùng hàng chục người dân sau khi rời khỏi trụ sở UBND phường, dường như không kìm được cơn giận dữ.

“Từ xưa đến nay, sau khi thủy triều rút đầm Thị Nại sẽ hiện lên cồn cát và nơi đây có đến 500 hộ dân ở vùng Tuy Phước, Quy Nhơn kiếm sống bằng khai thác thủy sản. Vì vậy, việc đơn vị thi công đặt máy hút cát ở khu vực này là hủy diệt môi trường, gây ảnh hưởng không gian sinh trưởng của thủy sản. Cồn ở đầm Thị Nại là của toàn dân, bất cứ ai cũng không được xâm phạm, đừng chặn đường sống của chúng tôi”, ông Mới bức xúc.

Ông Mới nói thêm, thiên nhiên ưu ái ban tặng khu rừng ngập mặn đầm Thị Nại trù phú và rất có giá trị, đây là “vành đai xanh” góp phần quan trọng điều hòa khí hậu, phòng chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai.

“Chúng tôi bảo vệ rừng ngập mặn tự nhiên, rồi nhà nước cũng đổ rất nhiều tiền để trồng thêm rừng chung tay giữ gìn hệ sinh thái. Vậy, tại sao lại hủy diệt môi trường bằng việc hút cát như vậy, làm biến dạng đầm Thị Nại, trong khi bà con sống nhờ vào cồn trên đầm để kiếm con hàu, con phễnh rồi tôm cá, giờ để hút cát thì chúng tôi biết sống bằng gì. Bồi thường tiền triệu cũng tiêu hết, phải giữ lại toàn bộ cồn, để đời con cháu còn được hưởng, chứ chỉ vì quyền lợi trước mắt của doanh nghiệp thì cuộc sống của người dân ai lo”, ông Mới nói.

img

Máy hút cát nằm trên đầm Thị Nại bị người dân phản đối nên đành tạm dừng hoạt động. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ông Nguyễn Văn Hợp (phường Đống Đa) cũng cho rằng việc hút cát ở khu vực cồn đầm Thị Nại là không nên và sẽ chặn đường mưu sinh của người dân.

“Tôi làm nghề khai thác thủy sản trên đầm cũng ngót 20 năm nay, mỗi ngày kiếm được tiền triệu. Thực sự người dân rất quý trọng và giữ gìn đầm Thị Nại, cứ để hút cát như vậy thì môi trường sống của tôm cá sẽ bị hủy diệt, cuộc sống người dân lâm khó khăn”, ông Hợp lên tiếng.

78 tuổi, cụ Nguyễn Thị Giang hằng ngày sống bằng nghề tìm nhặt những con hàu bu bám trên đầm, chứng kiến cảnh máy hút, đường ống được kéo ra tận đầm hút cát để bơm vào các đìa san lấp mặt nước phục vụ dự án, cụ Giang lo lắng cho chặng đường mưu sinh phía trước của mình.

“Tôi già rồi, sống nhờ vào con hàu, con tôm ở đầm Thị Nại để có tiền lo đám đình, lễ nghĩa xóm làng, trang trải cuộc sống. Giờ hút cát thì cồn ở đầm sẽ thay đổi, còn nơi đâu mà mưu sinh, việc này tôi đã nói với chính quyền cấp phường phải dừng ngay nhưng họ chưa trả lời được, mà phải chờ ý kiến của thành phố, tỉnh”, cụ Giang chia sẻ.

img

Cụ Nguyễn Thị Giang sống bằng nghề đập hàu trên đầm bức xúc việc hút cát của dự án. Ảnh: Dũ Tuấn.

Thiếu sót của chính quyền?

Ông Đinh Trọng Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại, cho rằng UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định giao đất với diện tích trên 117ha để thực hiện dự án từ tháng 12/2018, gồm mặt nước và mặt đất (riêng mặt đất san lấp vùng đìa khoảng 50ha). Đến nay, công tác đền bù hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng đã cơ bản hoàn thành.

Tuy nhiên, khi cắm mốc và thả phao ranh giới vùng nước thuộc dự án thì 90% phao bị người dân phá dỡ. Ngày 8/7, dự án đưa 2 máy hút cát trong vùng đất được tỉnh giao để tạo dòng chảy, san lấp đìa tạo mặt bằng làm lán trại, kho bãi… chưa phải thi công chính thức nhưng vẫn bị người dân phản đối.

“Đến nay không thể hút cát được, người dân cho rằng ảnh hưởng đến môi trường thủy sản, đây là cồn cát từ bao đời để lại khi nước rút là họ đến cồn mưu sinh, chuyện này chúng tôi rất tôn trọng. Tuy nhiên, khi tỉnh giao đất thì cồn nằm trong phạm vi của dự án, sau này sẽ được trồng 10,4ha rừng ngập mặn tại đây để trả lại cho tỉnh. Chúng tôi mời người dân lên giải thích, cồn cát này cứ để dự án làm, tỉnh giao trồng rừng thì sau này cũng giao lại cho người dân, chứ không ai xâm hại cả. Nhưng họ cho rằng đang bị ảnh hưởng mưu sinh do hút cát nên yêu cầu dừng lại, còn từ ranh giới dự án đi ra ngoài 200m muốn gì làm thì làm, khu vực người dân nói lại nằm ngoài dự án nên chúng tôi không được phép”, ông Quang nói.

img

Quy hoạch chi tiết của dự án Thị Nại EcoBay. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo ông Quang, đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Sở TNMT tỉnh Bình Định phê duyệt và đơn vị được quyền bơm hút cát, nạo vét dòng chảy trong diện tích được tỉnh giao. Việc hút cát hiện tại chỉ là tạm thời nạo vét và lấp mặt bằng, tỉnh Bình Định đã có chủ trương sẽ cho khai thác cát cho dự án ở vị trí khác trên đầm Thị Nại.

“Dự án đã có đường ranh bản vẽ quy hoạch nhưng tại sao chính quyền địa phương không họp người dân để thông tin, giải quyết. Xảy ra sự việc như hôm nay, chính quyền thiếu sót vì chỉ tập trung nghĩ đến người có đìa mới bị ảnh hưởng, còn không nghĩ người dân khai thác ở cồn lại phản đối dự án vì cồn không thuộc sở hữu của riêng ai và họ không khai thác thường xuyên. Trong khi đó, về thiết kế dự án thì chúng tôi bắt buộc phải hút cát để tạo dòng chảy nhưng người dân lại liên tục cản trở”, ông Quang phân trần.

Ông Quang khẳng định, yêu cầu dừng hút cát xuất phát từ việc đòi quyền lợi chính đáng của người dân, phía dự án không muốn “đụng độ” nên chấp nhận dừng và chờ UBND tỉnh Bình Định giải quyết.

“Bản thân dự án cũng rất đau đầu vì chịu thiệt hại bởi hơn 100 người không có việc làm do người dân phản đối. Bây giờ đành chấp nhận giải quyết từng bước, tỉnh phê duyệt chính sách như thế nào thì dự án sẵn sàng làm theo nhưng phải có sự hài hòa giữa lợi ích người dân, chính quyền cũng như dự án”, ông Quang hứa.

img

Tháng 12/2018, Công ty CP Thị Nại EcoBay tổ chức lễ động thổ dự án. 

60 hộ dân đến ủy ban đòi dừng hút cát!

Theo ông Phan Tấn Vũ, Phó chủ tịch UBND phường Đống Đa (TP.Quy Nhơn), đã có khoảng 60 hộ dân đến trụ sở ủy ban phường yêu cầu dừng việc hút cát của dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại vì lo ngại ảnh hưởng môi trường, cuộc sống mưu sinh.

“Đơn vị thi công hút cát tạo mặt bằng trong vùng quy hoạch dự án nhưng người dân phản đối vì họ sống nhờ vào cồn cát. Khi hút cát thì không còn vị trí này nữa, mất chỗ mưu sinh nên người dân yêu cầu phải có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Họ cũng lo ngại việc hút cát ảnh hưởng đến khu vực ngoài dự án”, ông Vũ nói.

img

Khu vực đìa được dự án bơm hút cát từ đầm Thị Nại san lấp để chuẩn bị mặt bằng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Phóng viên Dân Việt đặt câu hỏi: “Trước khi hút cát phục vụ dự án thì chính quyền đã tính đến chuyện bị ảnh hưởng và phương án hỗ trợ cho người dân mưu sinh trên cồn cát này chưa”?

“Khu vực này không nằm trong việc thu hồi đất, tính toán áp giá bồi thường cho người dân mà thuộc đất của nhà nước quản lý và hiện nằm trong ranh giới quy hoạch của dự án đã được tỉnh đồng ý cho thuê đất. Trước lo lắng của người dân, chúng tôi đề nghị dự án tạm dừng việc hút cát để báo cáo cấp trên xử lý, chứ tình trạng như thế này người dân cứ kéo đến trụ sở ủy ban thì gây mất an ninh trật tự. Chúng tôi đã giải thích cho người dân rõ về dự án, còn nguyện vọng của bà con thì phường ghi nhận và báo cáo cho thành phố”, ông Vũ trả lời.

Tháng 12/2018, Công ty CP Thị Nại EcoBay tổ chức lễ động thổ dự án Khu du lịch sinh thái và biệt thự đầm Thị Nại. Dự án được quy hoạch nằm ở khu vực ven đầm Thị Nại là một khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp biệt thự nhà ở và các công trình dịch vụ thương mại, quy mô diện tích trên 117ha với khoảng 4.000 người, dự kiến tổng vốn đầu tư 4.998 tỷ đồng.

Theo giới thiệu tổng quan của chủ đầu tư, dự án sẽ có 982 biệt thự (29,04ha), khu dịch vụ thương mại (2,45ha), nhà hàng trên đảo (1,60ha), khu resort trên mặt nước (1,59ha) và khách sạn trên đảo…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem