Lò mổ gia súc ở Hà Nội: Bung bét phân lẫn thịt

Thứ tư, ngày 18/01/2012 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do diện tích hẹp, nên khi mổ, lông, phân lợn bung bét khắp sân, lẫn cả vào trong thịt, nhưng chỉ được giội qua vài gáo nước, rồi được chuyển lên xe đi tiêu thụ.
Bình luận 0

Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra một số loại thực phẩm, chủ yếu là các loại thịt lợn, trâu, bò, gà, nhưng thời điểm áp Tết này, "thịt bẩn" vẫn đang là mối họa của người tiêu dùng.

Khó kiểm soát giết mổ

Những ngày này, hầu hết các lò mổ lớn như Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội), Văn Giang (Hưng Yên)… cho đến các lò mổ tư nhân ở thị trấn Phú Xuyên, đặc biệt là làng mổ Bái Đô, xã Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội)… đều hoạt động hết công suất và mỗi ngày xuất ra thị trường hàng trăm tấn thịt, trong đó chủ yếu là thị trường Hà Nội.

img
Sàn mổ, thịt cáu bẩn ở một lò mổ trâu, bò thôn Bái Đô, xã Tri Thủy (Phú Xuyên, Hà Nội).

Chúng tôi thâm nhập vào một vài lò mổ lợn, gà ở Phú Xuyên (Hà Nội). Mặc dù diện tích sân chỉ khoảng 6 - 7m2, nhưng ngày nào anh Vũ Hùng - chủ một lò mổ ở đây cũng mổ hơn chục con lợn. Do diện tích hẹp, nên khi mổ, lông, phân lợn bung bét khắp sân, lẫn cả vào trong thịt, nhưng chỉ được giội qua vài gáo nước, rồi được chuyển lên xe đi tiêu thụ. Anh Hùng cho biết, đa số thịt lợn được đem vào nội thành Hà Nội tiêu thụ. Mặc dù là lợn ở nơi khác nhập về, nhưng hầu hết đều không có dấu kiểm dịch.

Dù đã có các quy định chặt chẽ về kiểm dịch giết mổ thịt và thời điểm này, các chợ lớn của Hà Nội cũng tăng cường cán bộ kiểm tra, nhưng trên thực tế, theo giới tiểu thương, rất khó để đảm bảo 100% các loại thịt bán tại nội thành Hà Nội đã qua kiểm dịch.

Chị Vũ Thị Bình, tiểu thương chợ Cầu Giấy (Cầu Giấy) cho biết, lợn hiện nay có rất nhiều nguồn khác nhau, có lợn trang trại, lợn nuôi hộ gia đình, lợn Trung Quốc nhập lậu, vì thế, chất lượng thịt lợn cũng khó kiểm soát được. Còn chị Bùi Thị Duyên - chủ hàng thịt chợ Nhà Xanh (Thanh Xuân) - cho biết, 5 năm trong nghề, chị chưa khi nào vào lò mổ lấy hàng mà do thương lái mang đến tận nơi hoặc cánh xe ôm chở đến.

Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 3.700 hộ kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không áp dụng các biện pháp xử lý môi trường. Số cơ sở giết mổ theo hướng tập trung chiếm tỷ lệ nhỏ, tuy có áp dụng các biện pháp xử lý nhưng cũng chưa đảm bảo yêu cầu.

Muôn nẻo đường thịt “bẩn”

Giáp Tết, việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đã được siết chặt. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, "thịt bẩn" ở các lò mổ và gà, vịt… mổ sẵn không rõ nguồn gốc ở các "chợ cóc" vẫn được bán tràn lan trên thị trường.

Nằm ở cửa ngõ vào thủ đô, hàng trăm lò mổ nhỏ, tập trung nhiều nhất ở huyện Duy Tiên và Thanh Liêm (Hà Nam) cung cấp cho Hà Nội khoảng 9 tấn thịt mỗi ngày. Ông Nguyễn Thanh Tân - Chi cục trưởng Thú y Hà Nam cho biết: "Đa số các lò mổ nằm tại nhà, trong khu dân cư, nguồn nước không đảm bảo, nên tình trạng mất ATVSTP là khó tránh khỏi”.

Tại chợ huyện Thạch Thất, thịt gà được bày bán cả dãy dài, cả trăm con, hầu như không có dấu kiểm dịch. Theo phản ánh của các tiểu thương ở đây, họ chỉ phải đóng thuế chợ là có thể thoải mái bán hàng.

Anh Nguyễn Văn Hai - một chủ hàng cho biết, gà này phần lớn là gà Tàu được thương lái "đánh" về từ cửa khẩu Lạng Sơn, sau đó bán cho tiểu thương về nhà tự giết mổ. Thậm chí sau khi giết mổ, gà còn được bơm nước để tăng trọng lượng.

Mặc dù có đội kiểm tra ATVSTP xã kiểm tra liên tục, nhưng các lò mổ trâu, bò ở làng Bái Đô, xã Tri Thủy (Phú Xuyên), tình trạng mất ATVSTP vẫn diễn ra phổ biến.

Ông Phạm Đình Chức - Trưởng thôn Bái Đô cho hay: "Mỗi ngày, cả làng thịt khoảng 30 - 40 con trâu, bò. Đầu vào thì đã được kiểm dịch, còn đầu ra do số lượng quá lớn, nên chúng tôi cũng chỉ kiểm tra được một phần. Hiện chưa phát hiện thịt ôi thiu bán ra thị trường, còn việc người dân giết mổ mất vệ sinh, dùng nước không đảm bảo là có".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem