Lo ngại dịch Covid-19, nông dân giảm diện tích xuống giống hoa tết

Nguyễn Vy Thứ năm, ngày 08/10/2020 15:20 PM (GMT+7)
Lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc tiêu thụ hoa trong mùa tết khó khăn hơn, nhiều hộ nông dân trồng hoa tết năm nay đã giảm diện tích gieo trồng.
Bình luận 0

Giảm mạnh số giỏ hoa tết

Thời điểm hiện tại, nông dân các làng hoa tết truyền thống tại các tỉnh Tiền Giang, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã nhộn nhịp xuống đồng. Một số giống hoa có thời gian sinh trưởng dài như hoa cúc đã được xuống giống gần một tháng nay.

Ông Nguyễn Văn Đông (ngụ xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang), người có kinh nghiệm hơn 20 năm trồng hoa tết cho biết, năm nay, số lượng giỏ hoa chuẩn bị cho mùa tết của gia đình ông giảm rất mạnh. Tương tự, nhiều hộ dân ở xã Thạnh Trị cũng không dám đầu tư tăng lượng hoa tết vì lo ngại thiếu đầu ra.

Nông dân giảm diện tích xuống giống hoa tết - Ảnh 1.

Nông dân trồng hoa kiểng ở TP.HCM chăm sóc vườn hoa. Ảnh: Nguyễn Vy

Như tại nhà ông Đông, trung bình mỗi năm ông xuống giống khoảng 12.000 - 13.000 giỏ hoa các loại cho mùa tết, thế nhưng năm nay, ông giảm còn chỉ hơn 6.000 giỏ. Riêng cúc mâm xôi, mỗi năm ông thường trồng xấp xỉ 3.000 giỏ nhưng năm nay cũng chỉ dám trồng 1.700 giỏ.

Ông Đông cho rằng, phần lớn hoa tết của ông cũng như bà con trong vùng trồng hoa Gò Công được đưa về TP.HCM tiêu thụ. Nếu xảy ra tình huống phải giãn cách xã hội hoặc ly toàn thành phố như hồi tháng 4 vừa qua thì hoa của nông dân sẽ phải đổ bỏ. Ngoài ra, một phần nhỏ hoa tết được đưa ra các tỉnh miền trung, miền bắc để tiêu thụ.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, nông dân vẫn lo ngại giao thông sẽ còn hạn chế, việc đưa hoa đi xa sẽ khó khăn hơn. Dẫu vậy, ông Đông cũng cho rằng, dù gì thì nông dân trồng hoa vẫn phải xuống giống. Vì đây là vụ chính, mang lại thu nhập lớn cho bà con để trang trải các chi phí đời sống trong năm.

Nông dân giảm diện tích xuống giống hoa tết - Ảnh 2.

Phần lớn nhà vườn đều chủ động giảm sản lượng để tránh tình trạng dội chợ, hoa ế.

Hiện cây hoa cúc được sản xuất trong hệ thống vi thủy canh đã được trồng thử nghiệm thành công và cho chất lượng hoa cắt cành tốt ở quy mô đồng ruộng tại Công ty Giống cây trồng miền Nam (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Đây là Công ty của Nhật Bản chuyên sản xuất cây hoa cúc cắt cành tại Lâm Đồng. Ông Tùng hy vọng, trong thời gian tới, phương pháp này sẽ giải được bài toán thiếu hụt nguồn giống hoa tốt cho bà con nông dân trồng hoa tết.

Không chỉ Tiền Giang, tại các vùng trồng hoa tết truyền thống của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… hiện bà con cũng bắt đầu xuống giống hoa vụ tết. Phần lớn nhà vườn đều chủ động giảm sản lượng để tránh tình trạng dội chợ, hoa ế.

Anh Nguyễn Sỹ Nhâm (ngụ TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ, gia đình anh đã xuống giống gần 2.000 chậu cúc đại đóa được hơn 2 tuần. Đến nay, số giống hoa gieo trồng đang phát triển tốt. Sắp tới, nhà anh sẽ tiếp tục xuống giống các loại hoa ngắn ngày hơn như mào gà, vạn thọ… 

Tuy nhiên, do lo ngại thị trường tiêu thụ năm nay không sôi động bằng những năm trước nên anh Nhâm đã giảm gần 700 giỏ so với những năm trước.

Phường Kim Dinh (thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) có hơn 60 hộ dân có kinh nghiệm trồng hoa tết từ nhiều năm nay. Hiện, bà con đang tất bật xuống giống cho vụ hoa tết 2021. Tuy nhiên, phần lớn bà con được hỏi đều cho rằng, chưa dám mở rộng sản xuất vì lo ngại đầu ra năm nay khó khăn.

Khó tìm nguồn giống hoa tốt

Dù thời tiết hiện tại được đánh giá là khá thuận lợi cho sự phát triển của hoa tết, tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mối cung cấp hoa giống từ Lâm Đồng xuống cũng giảm sản lượng. Vì thế nông dân gặp khó khăn trong việc tìm mua nguồn giống tốt.

Ông Lưu Ngọc Hiếu - Chủ tịch Hội Nông dân phường Kim Dinh thông tin, năm nay, một số hộ có gặp khó khăn trong việc tìm nguồn giống hoa cho mùa tết. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các mối cung cấp cây hoa giống từ Đà Lạt xuống cũng cắt giảm khiến số lượng hoa giống không ổn định. Hiện giá cây giống hoa cúc có phần nhỉnh hơn so với những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ, năm nay gia đình ông có kế hoạch trồng khoảng 500 chậu cúc mâm xôi và một số loại hoa khác như mào gà, vạn thọ, hoa hồng… Tuy nhiên, ông Mỹ hỏi tìm mua giống cúc mâm xôi khắp nơi nhưng vẫn chưa có. Người quen chỉ ông Mỹ đến Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) hoặc các chợ cây giống như ở Chợ Lách (Bến Tre), Sa Đéc (Đồng Tháp) nhưng qua dò hỏi, thấy giá cao nên ông còn chần chừ.

TS Hoàng Thanh Tùng (Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) nhận định, nhu cầu hoa chậu và hoa cắt cành những năm gần đây tăng rất nhanh. Tuy nhiên, yêu cầu về giống hoa hiện chưa đáp ứng kịp. Các phương pháp nhân giống hiện nay lại chưa đáp ứng được nhu cầu về giống.

Mới đây, TS Tùng cùng cộng sự đã nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ vi thủy canh trong nhân giống hoa cúc. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới sử dụng một kỹ thuật mới trong nhân giống thực vật. Phương pháp này giúp tạo được nguồn cây giống đồng nhất với số lượng lớn, dễ dàng áp dụng cho người nông dân mà không cần trình độ khoa học kỹ thuật quá cao, chỉ cần đào tạo cơ bản là có thể thực hiện được. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem