Lính Thụy Điển trong một nhiệm vụ ở NATO.
Thụy Điển đã bỏ phiếu và khôi phục chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc toàn dân, thực hiện từ 1.7 tới sau khi số lượng đăng ký tình nguyện quá ít. Hoạt động quân sự của Nga ở vùng biển Baltic cũng khiến quốc gia Bắc Âu lo ngại và quyết định đưa ra chính sách mới.
Năm 2010, chính phủ cánh hữu của Thụy Điển muốn áp đặt chính sách tuyển quân bắt buộc vì cho rằng lực lượng này sẽ tinh nhuệ và chất lượng hơn những người tự nguyện. Từ sau Chiến tranh Lạnh, lực lượng quân đội Thụy Điển giảm hơn 90% về chất lượng và số lượng.
Chính sách mới được thông qua vào ngày 2.3, đồng nghĩa mỗi năm có từ 100.000 thanh niên Thụy Điển, cả nam và nữ, sẽ tham gia quân ngũ. Dự kiến, những người sinh năm 1999 và 2000 sẽ là lứa đầu tiên của chính sách này.
Peter Hultqvist, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển cho biết động thái trên nhằm giải quyết môi trường an ninh đang ngày một bất ổn ở châu Âu. “Chúng tôi đang ở hoàn cảnh mà Nga đã chiếm bán đảo Crimea cách đây mấy năm”, ông Peter, nói. “Họ đang diễn tập quân sự rất gần Thụy Điển”.
Peter cho biết do số người tình nguyện đăng ký quá thấp nên chính phủ phải khôi phục lại quy định cũ. Năng lực sẵn sàng chiến đấu của Thụy Điển có vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi năm 2013 nước này hoàn toàn bị động lúc Nga mô phỏng ném bom gần biên giới.
Thụy Điển không phải là thành viên NATO nhưng kí hiệp ước hợp tác với các chương trình hòa bình từ năm 1994.
Theo Bộ trưởng Peter, động lực chiến đấu là điều quan trọng nhất khi tuyển một người vào quân đội. Với việc ban hành quy định mới, Thụy Điển là quốc gia thứ hai ở Bắc Âu sau Na Uy có chế độ quân sự bắt buộc cho cả nam và nữ. “Tôi nhấn mạnh rằng nghĩa vụ quân sự cho cả nam và nữ là rất cần thiết”, Peter nói. “Cần một sự cân bằng trong hàng ngũ của quân đội Thụy Điển”.
Sofia Hultgren, 17 tuổi trả lời hãng tin Reuters rằng việc tuyển quân bắt buộc là lỗi thời và kì lạ. “Tôi nghĩ rằng kế hoạch này có vấn đề, nhất là khi ngoài kia còn bao nhiêu thứ vui hơn”, Sofia nói. Dù vậy, Sofia cho biết cô vẫn tham gia đầy đủ khóa huấn luyện nhưng không tham gia binh nghiệp.
Tại Trung Âu, chỉ có Áo và Thụy Sĩ yêu cầu dân chúng tham gia nghĩa vụ quân sự bắt buộc từ 6 tháng tới gần một năm. Đức bỏ chế độ nghĩa vụ bắt buộc từ năm 2011 nhưng đang cân nhắc khôi phục quy định này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.