Lo phí tăng, giá dịch vụ cũng tăng

Thứ ba, ngày 07/02/2012 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Y tế đã trình Chính phủ Dự thảo điều chỉnh viện phí, mức tăng viện phí giảm so với những lần đề xuất trước, nhưng nhiều bệnh nhân cho rằng khó có thể cải thiện tình trạng khám chữa bệnh hiện nay.
Bình luận 0

“Đau đầu” khám dịch vụ

Chị Tạ Thị Vượng (25 tuổi ở thị trấn Phùng, Hà Nội) cho con đi khám Bệnh viện Xanhpôn cho biết: Hai mẹ con đi khám từ lúc 8 giờ sáng mà đến 3 giờ chiều vẫn chưa xong. Vì khám trái tuyến nên chị Vượng quyết định đăng ký khám dịch vụ cho con. Tính ra, công khám 60.000 đồng/lượt cộng với chi phí làm các xét nghiệm, chụp, tổng cộng chị phải chi gần 400.000 đồng, chưa tính tiền thuốc.

img
Người dân mong tăng viện phí sẽ song hành với tăng chất lượng khám chữa bệnh.

Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, đa số bệnh nhân đều khám và nhập viện điều trị ở khoa tự nguyện. Chị Trần Lê Hà (29 tuổi, phố Hàng Bún, Hà Nội) cho con đi khám bệnh tiêu hoá kể: Giá khám dịch vụ trong giờ hành chính là 90.000 đồng/lượt, cao gấp 3 so với khám công (30.000 đồng/lượt). Đặc biệt, nếu khám ngoài giờ thì giá lên tới 110.000 đồng/lượt. Điều trị nội trú trong các khoa tự nguyện cũng rất tốn kém, trung bình 300.000 đồng/người/giường, chưa kể các chi phí phát sinh khác như bông băng, thuốc men...

Chị Hà dẫn chứng: “Điều trị tại khoa tự nguyện trong vòng 6 ngày, gia đình tôi đã phải chi hết hơn 6 triệu đồng. Trừ các khoản được BHYT chi trả, trung bình mỗi ngày gia đình cũng phải chi hơn 1 triệu đồng. Dù đã cố chắt bóp nhưng tôi vẫn phải vay mượn để chữa trị cho con”.

Mặc dù các bệnh nhân không hiểu cụ thể về các loại hình khám công, tư, dịch vụ hay ngoài giờ ở các bệnh viện như thế nào, nhưng hầu hết các bác sĩ đều tư vấn cho họ vào điều trị dịch vụ. Mãi cho tới lúc thanh toán viện phí, nhiều người mới ngỡ ngàng và tự hỏi “Tại sao cùng trong một bệnh viện, cùng bác sĩ điều trị mà có nhiều mức viện phí khác nhau đến vậy?”.

Có tăng chất lượng khám chữa bệnh?

Dự thảo điều chỉnh viện phí lần này tuy đề xuất mức giá tăng “mềm” hơn nhằm trấn an dư luận và hy vọng Chính phủ thông qua. Tuy vậy, có nhiều ý kiến lo ngại, vấn đề không phải nằm ở việc viện phí thấp hay cao, mà tăng viện phí liệu có nâng cao công tác chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho người dân không, hay vô hình chung chỉ là một hoạt động nhằm hợp thức hoá việc lạm thu, và “xé rào” lâu nay của các bệnh viện.

Điều chỉnh tăng viện phí thì bệnh viện bớt “ấm ức” nhưng nỗi ấm ức lại “đẩy” sang phía người dân bởi chất lượng khám chữa bệnh chưa chắc đã được cải thiện.

Ông Nguyễn Xuân Đại - nguyên chuyên gia cao cấp- Bộ Y tế cho rằng, điều chỉnh tăng viện phí thì bệnh viện bớt “ấm ức” nhưng nỗi ấm ức lại “đẩy” sang phía người dân bởi chất lượng khám chữa bệnh chưa chắc đã được cải thiện, trong khi lo ngại “nước lên thuyền lên”, tức là giá viện phí tăng thì các mức giá dịch vụ tiếp tục leo thang hơn nữa.

Ông Nguyễn Huy Thắng - Giám đốc Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên thì lo lắng về dự thảo này: “Cùng 1 bệnh nhưng nếu lên T.Ư thì được chi trả cao hơn, thuốc tốt hơn, người dân sẽ ngại khám ở tuyến dưới”. Về câu hỏi tăng viện phí, có nguồn thu cao hơn, bệnh viện sẽ làm gì, ông Thắng băn khoăn: Mức tăng này chỉ đủ hỗ trợ thêm lương, phụ cấp cho nhân viên y tế chứ không đủ để tích luỹ đầu tư cho trang thiết bị. Do vậy, mong muốn cải thiện chất lượng khám chữa bệnh thông qua tăng viện phí của Bộ Y tế khó đạt được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem