Sức khỏe vô địch, võ nghệ tuyệt luân
Là một hiệp sĩ, trước hết phải là người có sức khỏe và tinh thông võ nghệ. Phải thế thì mới có thể hành hiệp trượng nghĩa, cứu người giúp đời. Và dĩ nhiên, Lỗ Trí Thâm có thừa. Lỗ Đạt hiện ra trong hồi thứ hai Thủy Hử như sau: “Có một người lực lưỡng ở ngoài đi sồng sộc bước vào… mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàng râu xoăn xoắn, mình cao tám thước, vai rộng đẫy ôm, cách ăn mặc ra đàng một tay quan võ”.
Đầu lĩnh đúng nghĩa anh hùng hiệp sĩ của Lương sơn Bạc, chỉ duy nhất Lỗ Trí Thâm.
Sức khỏe của họ Lỗ thì 2 ví dụ sau đây là đủ. Đầu tiên là ba quyền đánh chết Trịnh Đồ: “Một đấm vào giữa mũi, vẹo về một bên, máu chảy lênh láng… Nói xong lại đánh cho một đấm chính giữa mí mắt, lòi cả con ngươi ra ngoài, rồi lại đấm vào thái dương một cái rất mạnh. Đoạn thấy Trịnh Đồ nằm sóng soạt ra đất, chỉ thở hơi ra, không hít vào được nữa…” . Thứ hai là chuyện một tay nhổ bật cây dương liễu trong chùa Tương Quốc: “Hăm hăm đi đến gốc cây, cởi phăng áo ra, tay phải hướng xuống nắm lấy gốc cây, tay trái hướng lên trên nắm lấy thân cây, rồi xoay lưng vặn một cái, cây dương liễu tươi tốt cứ như vậy bị nhổ lên”.
Võ nghệ của Lỗ Trí Thâm được nhắc tới qua rất nhiều chi tiết xuyên suốt trong Thủy Hử truyện, từ việc một mình một thiền trượng đánh bạt mấy trăm lâu la trong cuộc hỗn chiến tại Nhị Long Sơn, hay giao đấu ngang ngửa gần 50 hiệp với cao thủ Đại nội – dòng dõi Dương Gia Tướng “Thanh diện thú” Dương Chí, tiếp đó đấu 40-50 hiệp không phân thắng bại với “Song tiên” Hô Diên Chước ở hồi 56, rồi cuộc đọ sức với đệ nhất dũng sĩ Phương Lạp – Đặng Nguyên Giáp hay việc chỉ mất vài hiệp đã đánh bại và bắt sống thủ lĩnh Phương Lạp.
Nhưng nếu chỉ khỏe mạnh hơn người, võ nghệ xuất chúng thì Lỗ Trí Thâm cũng đâu khác gì những Lâm Xung, Dương Chí, Võ Tòng, Tần Minh, Quan Thắng hay Hô Diên Chước. Sự khác biệt lớn nhất giữa họ Lỗ và tuyệt đại đa số các hảo hán còn lại của Lương Sơn chính là cái tâm hành hiệp trượng nghĩa, cứu người trong sáng, không một chút vụ lợi của chàng.
Lỗ Trí Thâm từng ba quyền đánh chết tươi Trịnh Đồ.
Sử gia Tư Mã Thiên trong cuốn “Sử Ký” đã dành riêng một thiên trong phần “liệt truyện” - “Du hiệp liệt truyện” – để bàn về hiệp sĩ như thế này: “Tuy nết không hợp với chính nghĩa nhưng lời họ nói ra thì chắc chắn, việc họ làm thì quả quyết, đã hứa thì nhất định phải làm, không tiếc tính mạng để cứu người ra khỏi nơi nguy khốn. Sau khi đã xông pha vào nơi nguy hiểm để cứu người, họ lại không khoe tài, lấy việc kể ơn làm thẹn… Quả là đáng khen lắm thay”. Lỗ Trí Thâm chính là một hiệp sĩ anh hùng như thế!
Hành hiệp trượng nghĩa,vô tư giúp người
Con đường thành “giặc cỏ” rồi sau này thành đầu lĩnh Lương Sơn của Lỗ, thoạt nhìn, có vẻ cũng tương tự nhiều nhân vật khác. Thân làm quan triều đình (Đề hạt phủ Kinh Lược) nhưng đánh chết người phải đi trốn nã, rồi cắt tóc đi tu, sau trở thành đầu lĩnh núi Nhị Long cùng đám Dương Chí rồi cuối cùng theo Tống Giang tụ về Lương Sơn.
Nhưng cái sự khác biệt lớn là ở chỗ mọi “tai bay vạ gió” tạo nên hành trình gian truân đầy màu sắc của Lỗ Trí Thâm, lại khởi nguyên từ việc chàng “gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Hồi hai Thủy Hử viết Lỗ Đạt cùng Sử Tiến và Lý Trung đương đánh chén ở Phan Tửu điếm tại phố Châu Kiều thì “bỗng đâu bên kia vách, ở gần bàn rượu có tiếng người rền rỉ khóc than” thì gọi ra hỏi, biết được chuyện của cha con Kim Nhị - Kim Thúy Liên bị tay ác bá Trịnh Đồ ép hại đủ đường.
Hoa hòa thượng, tay không nhổ bật gốc gây dương liễu trong chùa Tướng Quốc ở Đông Kinh.
Lần đầu gặp mặt, nghe chuyện bất bình, Lỗ Trí Thâm đã hành xử thế nào?
Lỗ Đạt quay bảo bố con Kim Nhị rằng: “Tôi đãi tiền cho lão già, ngày mai về Đông Kinh được không? Hai bố con Kim Nhị nói: - Nếu ngài cứu cho được về cố hương, thì thực ơn bằng cha mẹ, song làm thế nào được chủ hàng cơm cho đi, và nếu khi Trịnh đại nhân theo đuổi đòi tiền thì biết làm sao? Lỗ Đề Hạt nói: - Cái đó không cần, tôi sẽ có cách xử trí cho. Nói đoạn móc tay vào túi lấy ra lạng bạc, để trên bàn, rồi bảo Sử Tiến rằng: - Tôi có ít tiền quá, quan bác có đấy cho tôi mượn thêm một ít, rồi sáng mai tôi xin trả lại… Lỗ Đạt cầm lấy đưa cho Kim lão 15 lạng bạc mà bảo rằng: - Tiền này cha con giữ để tiêu dùng, rồi thu xếp hành lý cẩn thận, để sáng mai tôi đến đây sớm, tôi sẽ bảo cách cho mà đi, xem đứa nào giữ lại được nữa?
Rồi sáng sớm ngày hôm sau, đích thân Lỗ Đạt đến tận nơi trọ của cha con họ Kim, để đảm bảo hai người an toàn rời đi. “Lỗ Đề Hạt thấy Kim lão đi rồi, lại e khi tên tiểu nhị ở điếm còn tức mà đuổi theo, để quấy nhiễu, liền bắc ghế trước cửa điếm ngồi giữ ở đó, ước chừng khi Kim lão đi xa rồi, mới đứng dậy mà đi sang cầu Trạng Nguyên, để tìm vào nhà Trịnh Đồ”. Lần đầu gặp mặt, nghe chuyện bất bình, họ Lỗ không chỉ giúp tiền mà còn tận tâm, tận lực mọi nhẽ, thiên hạ mấy ai có được cái nghĩa khí như chàng?
Cái khí chất trong sáng và sự vô tư của Hiệp sĩ họ Lỗ còn thể hiện ở lần gặp lại Kim lão, khi chàng ta (vốn không biết chữ) đứng ngó nghiêng hóng chuyện ngay cạnh nơi dán cáo thị truy nã mình. Tuyệt nhiên, không thấy Lỗ ta một lời than van oán trách gì cả, mà thay vào đó lại là lo lắng cho sự an nguy của đối phương.
Võ nghệ của họ Lỗ cao cường, đánh 50 hiệp với cao thủ đại nội Dương Chí không phân thắng bại.
“Lỗ Đạt nói: - Chẳng dấu gì ông lão, vì việc của ông lão hôm ấy, mà thành ra tôi đến dưới cầu Trạng Nguyên, gặp tên Trịnh Đồ, đánh cho hắn có ba quyền chết tươi thẳng cẳng, rồi thì tôi phải trốn tránh đến đây. Còn ông lão thì làm sao không về Đông Kinh, mà lại cũng gặp ở đây như thế?
Tống Giang vì bản thân mà giết người (đâm chết Diêm Bà Tích), Lâm Xung vì bị ép đến cùng đường, uất hận dâng trào mà ra tay với kẻ phản bạn Lục Khiêm, Võ Tòng giết hàng chục mạng người vì báo thù cho anh trai (Phan Kim Liên, Tây Môn Khánh) vì chính mình (Tưởng Môn Thần, toàn bộ gia đình Trương Đô Giám), Dương Chí bị Ngưu Nhị ép quá thể, cực chẳng đã mà vung bảo đao đoạt mạng tay ác bá. Còn Lý Quý là tay lạm sát, giết người (kể cả trẻ em) mà không cần lý do…
Rất, rất nhiều hảo hán khi lên Lương Sơn đều là kẻ sát nhân. Nhưng họ giết người trước hết là vì chính bản thân mình. Còn Lỗ Trí Thâm, thực ra chẳng hề cố ý hại chết Trịnh Đồ và chàng mang tội sát nhân là vì người khác. Là để cứu người. Là vì chính nghĩa! Mà trong đời mình, Lỗ Trí Thâm có biết bao lần vô tư cứu người.
Lỗ Trí Thâm cứu Lâm Xung ở rừng Dã Trư.
Cứu người phải cứu tới nơi
Sau khi cứu cha con họ Kim, đánh chết Trịnh Đồ phải trốn nên Ngũ Đài Sơn làm sư. Tại đây, chàng gây ra đủ chuyện rặc rối buộc phải xuống núi. Trên đường tới Đông Kinh, lên chùa Tướng Quốc, họ Lỗ tá túc một đêm tại Đào hoa Trang, rồi nghe được chuyện con gái 19 tuổi của Lưu Thái Công bị một “Đại vương” của nhóm giặc cỏ trên Đào Hoa Sơn (chính là Tiểu bá vương Chu Thông) ép hôn, liền ra tay nghĩa hiệp, đánh Chu Thông một trận nhừ tử và sau đó tự mình chủ trì công bằng.
Có đoạn trích thế này ở hồi thứ 4 Thủy Hử: “Bấy giờ ba bốn người cùng ngồi, rồi Lỗ Trí Thâm bảo với Chu Thông rằng: - Bác Chu ơi! Việc hôn nhân ở nhà Lưu Thái Công, không nên ép nữa, vì ông ta chỉ có một người con gái dưỡng lão, mà nếu mình ức hiếp lấy ngay thì thực là bất tiện, vậy bất nhược ta lấy lại tiền, mà tìm đám khác thì hơn, bác nghĩ sao? Chu Thông nói: - Ngài đã dạy thế, thì tôi xin vâng lời, không dám nghĩ đến nữa. Trí Thâm nói: - Đại trượng phu ở đời, đã làm việc gì không nên nói đi nói lại, thế mới hay. Chu Thông liền bẻ mũi tên để thề, đoạn rồi Lưu Thái Công nộp lại số tiền cưới, mà bái tạ ra về”.
Vẫn trên hành trình đến Đông Kinh, Lỗ Trí Thâm tiếp tục “thấy việc bất bình chẳng tha” khi (cùng Sử Tiến) đánh chết cặp Khưu Đạo Nhân – Thôi Hòa Thượng, những kẻ áp bức nhà sư, cướp bóc dân lành và bắt phụ nữ làm chuyện đồi bại ở chùa Ngõa Quan. Rồi đến chuyện, kết nghĩa huynh đệ với Lâm Xung ở chùa Tướng Quốc.
Lỗ Trí Thâm – một đời hành hiệp trượng nghĩa với tôn chỉ “giúp người phải tới nơi”.
Sau này, Lâm Xung gặp nạn và đày đến Thương Châu, Lỗ Trí Thâm đi theo suốt dọc đường âm thầm bảo hộ. Khi đến rừng Dã Trư, quân áp giải là Đổng Siêu, Tiết Bá muốn mưu hại Lâm Xung. Lỗ Trí Thâm kịp thời ra tay, đã cứu Lâm Xung một mạng, sau đó một mạch hộ tống Lâm Xung thẳng đến Thương Châu ngoài bảy mươi dặm. Cũng vì chuyện này mà chàng bị Cao Cầu truy bắt, thêm một lần nữa phải phiêu bạt giang hồ.
Rồi khi đã chiếm lĩnh núi Nhị Long Sơn làm chốn dung thân, Lỗ trí Thâm dù coi thường bọn Lý Trung, Chu Thông vốn là phường hẹp hòi nhưng khi trại Đào Hoa Sơn của bộ đôi này bị Hô Diên Chước đánh, họ Lỗ vẫn thoải mái nhận lời cứu giúp. Con người của Lỗ Trí Thâm rõ ràng vô cùng, như chính lời mà chàng ta từng nói vậy: “Giết người phải lấy máu, cứu người thì phải tới nơi”. Anh hùng chân chính, hiệp sĩ đích thực của Thủy Hử – chỉ có Lỗ Trí Thâm là xứng đáng vậy!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.