Mánh khóe lách luật buôn bán công khai loài động vật nguy cấp ở Việt Nam

Nguyễn Liễu - Thảo Ly - Như Ý Thứ ba, ngày 20/06/2023 14:29 PM (GMT+7)
Theo nghiên cứu của Chương trình bảo tồn rùa châu Á từ năm 2021, có tới 23/26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa của Việt Nam thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm và được pháp luật bảo vệ. Nhưng trên thực tế, khi bảo vệ càng gắt gao thì những con buôn lại càng tinh vi tìm những kẽ hở để luồn lách, trục lợi cá nhân.
Bình luận 0
Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Tình trạng buôn bán rùa thuộc các giống hoang dã đang được thực hiện khá công khai.

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Những năm gần đây, mạng xã hội Facebook liên tục cảnh báo người dùng khi tìm kiếm thông tin liên quan đến buôn bán bất hợp pháp về động vật hoang dã, trong đó có loài rùa. Thế nhưng, những tay buôn "hàng cấm" vẫn núp bóng dưới những hội nhóm yêu rùa để kinh doanh, buôn bán bất chấp pháp luật ngăn cấm.

Dạo quanh một vòng các hội nhóm kín, chúng tôi nhận thấy hầu hết các nhóm đều có quy định: "Nghiêm cấm hành vi trao đổi buôn bán". Nhưng thực tế, "những quy định" chỉ là vỏ bọc nhằm qua mắt chế độ kiểm duyệt của Facebook. Thậm chí, người bán còn "lách luật" bằng cách sử dụng những từ láy thông dụng mà giới săn rùa ngầm hiểu với nhau.

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Một ví dụ cụ thể, trong nhóm cộng đồng "Nghiện nuôi rùa cảnh ba miền" đã kết nối 8.500 người dùng Facebook. Ở đây, thay vì quảng cáo công khai các mặt hàng, người bán đã khôn khéo ẩn mình dưới những câu nói ngây thơ như "giả vờ bắt gặp loại rùa hiếm khi đang dọn vườn hay trong lúc đi rừng. Nhưng do không đủ điều kiện nuôi nên muốn bán lại với giá rẻ". 

Đây đều là các loài được liệt kê trong Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam; nếu hành vi nuôi trái phép các loài này bị phát hiện thì có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) hoặc thậm chí xử lý hình sự theo Điều 234 Bộ luật Hình sự hiện hành, tùy theo giá trị tang vật.

Lần sâu vào trang cá nhân của H., một thành viên của hội nhóm, những tình tiết sự thật được bóc mẽ dần.

Phóng viên trong vai những vị khách sộp, muốn tìm loại rùa hiếm để có thể nuôi ở trong nhà, thu hút tiền tài danh tiếng đã tiếp xúc với H. Lúc này, H. trở lại thành kẻ chào hàng sành sỏi, trở thành "bậc thầy" hiểu biết về các loại rùa. H. giới thiệu cho chúng tôi các loại rùa "phong thủy" và rùa cảnh đang được săn đón hiện nay. 

Từ những loại rùa cảnh mini có thể để trong bể cá như: sao đêm, vẽ tây, vẽ đông, bản đồ,... đến những loại rùa nặng đô hơn như rùa sa nhân, rùa núi vàng, mà H khuyên chúng tôi rằng: "Các em nuôi loại này chỉ nên nuôi kín kẽ ở phía sau nhà thôi". 

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Khi chúng tôi yêu cầu được xem hàng trước khi mua, người bán lại ra sức từ chối: "Thời buổi nào mà còn đòi xem hàng. Buôn bán như này ai dám cho em tới nhà xem. Như này thì em không mua được hàng bên anh đâu".

Người bán yêu cầu hẹn qua đâu đó để vận chuyển hàng, chọn hàng qua ảnh rồi sẽ chuyển rùa đến,... những phương pháp trao đổi gián tiếp được đề xuất thay vì đến tận nơi để người mua lựa chọn. Người bán đảm bảo khi vận chuyển thì sẽ cam đoan rùa còn sống, không có sứt mẻ gì và nếu mua nhiều cùng một lúc thì phí vận chuyển sẽ được giảm giá. Những con rùa nhanh chóng trở thành một món hàng thương mại sinh lời như phụ kiện hay túi xách, giao dịch qua tay một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, còn có những đối tượng, nhóm nhỏ tự đi săn, bẫy rùa cũng tìm đến chợ ảo 4.0 để chào hàng đến "các tay chơi". Nhóm này táo tợn hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và những loại rùa mà họ rao bán dĩ nhiên cũng sẽ hiếm và có cấp độ bảo vệ cao hơn.

Khách hàng tìm đến những đối tượng này không chỉ mua về để làm cảnh mà còn để ăn nhậu, làm thuốc hoặc mua về để bán lại cho những vị khách sộp khác. Tuy nhiên, điểm chung với những người bán rùa cảnh mini là những kẻ buôn này cũng không cho người mua xem hàng trực tiếp mà chỉ gửi ảnh qua những nền tảng mạng xã hội. 

Có những hình ảnh về loài rùa núi vàng từ 1,5kg – 2kg được kẻ buôn giới thiệu với phóng viên rằng: "Hàng này được bắt trực tiếp từ rừng Phú Yên, bắt trong khi đang đi bẫy động vật hoang dã tại rừng".

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Qua mạng xã hội Facebook, chúng tôi liên hệ được với Đ., một thành viên của nhóm "Cộng đồng mê rùa miền Bắc". Ở trang cá nhân của mình, Đ. đăng tải nhiều hình ảnh về các loại rùa mini, các loại rùa cảnh cùng với mô tả là những từ láy mà người nào trong giới chơi rùa đều hiểu.

Sau khi ngỏ ý muốn mua rùa cảnh, Đ. đã không ngần ngại tư vấn cho chúng tôi về những loại rùa sẵn có: rùa sao đêm, rùa bản đồ, rùa bụng hồng, rùa cá sấu… những loại rùa mà theo Đ. nói là dễ nuôi và có thể thả vào trong bể cá: "Chị muốn loại to phải nhiều tiền hơn, cái này người ta bom hàng trả lại. Bể nhà chị lớn thì mua một đống con bé về nuôi", kèm theo đó là những hình ảnh về các loại rùa. Sau một thời gian nói chuyện, Đ. tin tưởng hơn và đồng ý cho chúng tôi đến tận nhà để chọn lựa.

Chúng tôi được chỉ dẫn tới một ngôi nhà hai tầng tại Trung Châu, huyện Đan Phượng (Hà Nội), Đ. dành hẳn một không gian bên cạnh nhà, dựng lên nhiều xô chậu bể để nuôi rùa. Theo lời Đ., trước đây khu vực này để nuôi chó con. Đ. còn trẻ nhưng lịch sử buôn bán không hề tầm thường.

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Trước đây Đ. đã làm cộng tác viên cho một tay buôn rùa cảnh lớn tại Hà Nội nhưng do bán nhiều mà lợi nhuận thu về chẳng bao nhiêu nên cậu tách ra và trở thành một người bán lẻ. Với kinh nghiệm của những năm làm cộng tác viên nên Đ. liên hệ được với nguồn cung và vận dụng mạng xã hội như công cụ để quảng cáo.

"Tôi đặt hàng online qua mạng internet và rùa có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hàng sẽ đặt tùy theo số lượng rùa tồn kho và tùy thuộc vào kinh tế tôi có. Trung bình mỗi tuần số lượng rùa tôi bán ra khoảng 40 con lớn nhỏ và khi bán gần hết số lượng rùa trong bể thì tôi bắt đầu liên hệ nhập hàng", Đ. tự tin chia sẻ.

Nhưng nhập như thế nào, nhập chui hay chính thống, qua đường biên như thế nào mà không cần giấy phép chưa được Đ đề cập.

Từ Hà Nội, chúng tôi di chuyển đến chợ Hàng (Hải Phòng). Trong vai người mua, nhóm phóng viên tìm đến cửa hàng bán cá cảnh của chị L. để tìm mua rùa cảnh phong thủy cho một ông sếp lớn tại Hà Nội.

Sau khi xem các loại rùa trong cửa hàng, chúng tôi ngỏ ý muốn xem loại rùa độc đáo hơn, hiếm lạ hơn. Lúc này, chị L. có vẻ đề phòng, nhưng sau vài câu hỏi về giá cả và nhìn thấy sự hào phóng, không quan tâm vấn đề tiền bạc thì chị dễ chịu hơn và quyết định cho chúng tôi xem loại rùa quý.

Nhân viên xách từ trong nhà ra một chậu đỏ lớn, được che bởi một tấm vải mỏng ở phía trên. Chị lấy ra ba con rùa sa nhân cỡ lớn, ngang một bàn tay của người đàn ông trưởng thành, một loại rùa theo lời chị là "rùa vàng". Chưa để chúng tôi thắc mắc, chị đã vội nói, loài rùa này là loại rùa hiếm, tùy theo kích cỡ, con nhỏ nhất là 700.000 ngàn đồng, "lấy bao nhiêu cũng có".

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thống kê được hơn 2.000 vi phạm về loài rùa cạn và nước ngọt và rùa biển ở Việt Nam, tất cả các loài đều được ghi nhận vi phạm trừ rùa Hoàn Kiếm. Rùa núi vàng, sa nhân, núi viền… bị buôn bán nhiều nhất. Rùa ngoại lai cũng có tới hơn 200 vụ vi phạm, nếu nuôi nhốt loài này có nguy cơ rất lớn với đa dạng sinh học Việt Nam".

Chị cho biết thêm: "Khách của bên chị có mua phóng sinh, thả ao, nuôi bể…chị là chuyên rùa ở Hải Phòng, toàn khách Hà Nội lấy hàng của chị. Vào ngày rằm, mồng một, khách mua rùa bên chị phóng sinh, có loại rùa đá vừa tiền nên người ta mua nhiều, được hàng lắm".

Khi chúng tôi liên tục tỏ ra là một tay mơ trong loại rùa này thì bà chị sành sỏi giải thích: "Chơi rùa này thì không cần giấy phép, có phải loại rùa vàng 5-6 triệu đâu, chơi rùa này chỉ cần thả nó trong bể, vứt rau củ quả cho nó, đừng phô trương ra quá là được. Con rùa vàng này được nhập từ vùng núi Yên Bái - từ những thợ săn có tiếng trong giới rùa chứ ở mình không có đâu".

Nhưng một loài rùa mà theo chị là "không quý hiếm gì" lại là loài nằm trong Phụ lục II của Công ước CITES và Nhóm IB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam, thậm chí còn nằm trong Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Việc nuôi trái phép loài rùa vàng này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 244 của Bộ luật Hình sự hiện hành ngay cả chỉ với một cá thể..

Liệu những tay buôn luôn cho mình là người am hiểu tinh tường về rùa lại chính là người thiếu kiến thức về động vật hoang dã hay họ đang cố phớt lờ mọi thứ chỉ vì lợi nhuận trước mắt?

Tiếp tục lần theo nguồn thông tin thu nhập được từ những người buôn bán rùa có tiếng ở Sài Gòn, chúng tôi liên hệ với chủ trang trại rùa. Đối tượng được giới thiệu là anh H - một chủ trang trại trăn giống có bán cả rùa tại Đồng Nai. 

Trong vai là người mua, chúng tôi muốn đến tận nơi để xem trang trại rùa nhưng H đi vắng, chỉ còn số lượng ít rùa bán tại nhà: "Chìa khóa trang trại anh cầm theo, mai anh mới về, ở nhà anh còn hơn chục con nếu muốn xem thì các em ghé, anh nhờ người dẫn vào…".

Lúc này, chúng tôi liên hệ theo số điện thoại anh H. cung cấp và được một người phụ nữ tầm 60 tuổi dẫn vào nhà xem rùa. Căn nhà cấp bốn chật chội, một góc phòng khách là "chỗ ở" cho rùa. Từ hai thùng xốp trắng, bà H lấy ra 10 con rùa lớn nhỏ và bắt đầu mời chào khách mua.

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Bằng mắt thường quan sát, cân nặng các loài rùa ở đây giao động từ 1kg đến 1,5kg tùy con. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết tất cả đều là rùa núi vàng (là loài thuộc Phụ lục II của Công ước CITES và Nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của Việt Nam, như đã đề cập trước đó). Khi hỏi về làm thịt rùa, bà H. đon đả: "Cháu đưa lên mấy quán nhậu người ta làm quen, làm sạch". Và khi được hỏi mua với số lượng lớn bà cười: "Bao nhiêu cũng có, cháu muốn mua bao nhiêu trang trại nhà cô đều có đủ…".

Giống như bao cửa hàng buôn rùa trước đó, khi chúng tôi dò hỏi về vấn đề giấy tờ pháp lý thì bà H. lại cho rằng sản phẩm này không cần giấy tờ, chỉ cần giao hẹn thì sẽ có hàng nhanh chóng. Một loại động vật hoang dã quý hiếm, đang phải nằm trong xó nhà, phó mặc cho sự vận chuyển trao đổi của những tay buôn.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS), trong hơn 84 loài động vật hoang dã bị các đối tượng vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt, săn bắt... bất hợp pháp bị bắt giữ trong giai đoạn 2020-2021, các loài thuộc nhóm rùa bị vi phạm nhiều nhất, chiếm gần một phần ba tổng số cá thể bị tịch thu.

Đón đọc bài 2: Nỗi oan của "thần dược" trong tay những con buôn

Loài động vật hoang dã bị buôn bán nhiều nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem