Loại hạt này ai cũng ăn, nhưng người làm ra lại chật vật tìm hướng đi để tồn tại

Khương Lực Thứ tư, ngày 28/12/2022 16:31 PM (GMT+7)
Là đất nước sản xuất muối tiềm năng, nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Muối nội địa có giá thành cao, chất lượng thấp, rất khó cạnh tranh với muối nhập khẩu nên khó tiêu thụ. Đời sống diêm dân khó khăn, một số nơi diêm dân bỏ nghề, tìm công việc khác có mức sống cao hơn.
Bình luận 0

Ngày 28/12, tại Nghệ An, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An và UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức diễn đàn thúc đẩy liên kết sản xuất nâng cao giá trị, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm muối Việt Nam. Đây là dịp để các đại biểu cùng thảo luận, chia sẻ nhằm nâng cao giá trị cho hạt muối, góp phần cải thiện cuộc sống cho diêm dân.

Ai cũng ăn hạt này, nhưng người làm ra lại chật vật tìm hướng đi để tồn tại - Ảnh 1.

Diễn đàn thúc đẩy liên kết sản xuất nâng cao giá trị, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm muối Việt Nam diễn ra tại Nghệ An là cơ hội để các đại biểu trao đổi, chia sẻ những giải pháp để nâng cao giá trị hạt muối, qua đó tăng thu nhập cho diêm dân. Ảnh: . N. Châu

Theo Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT), Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200km và bức xạ nhiệt cao. Muối lại là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hoá chất và một số ngành khác.

Thế nhưng, mỗi năm, Việt Nam phải nhập hàng trăm ngàn tấn muối phục vụ cho nhu cầu sản xuất hóa chất, y tế và chế biến thực phẩm (ước tính khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn, đến năm 2030 vào khoảng 2 triệu tấn/năm). Muối nội địa có giá thành cao, chất lượng thấp, rất khó cạnh tranh với muối nhập khẩu nên khó tiêu thụ. Đời sống diêm dân khó khăn, một số nơi diêm dân bỏ nghề, tìm công việc khác có mức sống cao hơn. Doanh nghiệp ngành muối đang tìm hướng đa dạng hóa các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước, tiến tới xuất khẩu. 

Theo báo cáo của địa phương, năm 2022 cả nước có khoảng 10.883 hộ sản xuất muối tương ứng với số lao động là 21.923 lao động. Diêm dân thu hoạch muối xong để thành đống trên bờ ruộng, được che phủ một cách sơ sài sau đó sẽ bán cho thương lái hoặc bán cho các cơ sở chế biến muối tại địa phương.

Loại hạt này ai cũng ăn, nhưng người làm ra lại chật vật tìm hướng đi để tồn tại - Ảnh 2.

Bà con diêm dân huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) tận dụng thời tiết thuận lợi để thu hoạch ruộng muối. Ảnh: Q.D

Tại diễn đàn, TS. Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn cho biết, muối là sản vật kết tụ tinh hoa của sức lao động có nơi hàng nghìn năm tại đồng bằng ven biển Bắc và Trung bộ ,có chiều dài về văn hoá lịch sử do các cộng đồng diêm dân ven biến tạo dựng qua các thế hệ. Vì thế, các làng sản xuất muối truyền thống nếu đáp ứng được các tiêu chí du lịch sẽ là các điểm đến hấp dẫn trong chương trình phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, cả nước có khoảng 10 địa phương vẫn còn những làng nghề sản xuất muối truyền thống thủ công với lịch sử lâu đời rải rác tại ba miền Bắc, Trung, Nam. Diêm dân sản xuất thủ công với công nghệ phơi cát và phơi nước phân tán để hạt muối giữ được khoáng chất vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCL thấp có lợi cho sức khoẻ.

Theo TS. Oanh, mô hình du lịch làng nghề muối truyền thống gắn du lịch đã được thực hiện trên thế giới, thậm chí ở tại các quốc gia công nghiệp đã nói lên đó là một xu thế tất yếu do nó đã mang lại các ích lợi về kinh tế xã hội và môi trường, đặc biệt giá trị vô giá về an ninh sức khoẻ cho cộng đồng.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNTcho biết, trong đề án của Chính phủ đã có dự án đầu tư về cơ sở hạ tầng sản xuất muối, trong đó các địa phương hỗ trợ một phần để xây dựng hạ tầng, quy hoạch đồng muối, giao thông, kho bãi... Chính vì thế, tại diễn đàn này ông đề nghị bàn nhiều hơn về các giải pháp "mềm" để nâng cao chất lượng, giá trị hạt muối do diêm dân làm ra.

Theo ông Thịnh, mặc dù Chính phủ có xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về muối, nhưng đó là tiêu chuẩn, quy chuẩn muối quốc gia, phù hợp với sản xuất muối quy mô công nghiệp. Trong khi đó muối do diêm dân sản xuất thủ công có nhiều yếu tố đặc thù về chất lượng, nhưng chưa có chỉ số phản ánh để diêm dân có thể giới thiệu cho khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ muối.

"Những giá trị của muối thủ công cần xây dựng lại và sát hơn để người dân có thể tự hào sản xuất muối của mình theo phương thức riêng, đặc thù của mình" - ông Thịnh nói và cho biết cần tổ chức lại sản xuất muối của diêm dân, làm sao họ tham gia vào hợp tác xã và có thể bán trực tiếp sản phẩm của mình cho khách hàng, từ đó đem lại thu nhập và lợi nhuận cao hơn. Cùng với đó, cần hỗ trợ các diêm dân cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nhà kho để người dân tích trữ muối.

Để nâng cao giá trị cho hạt muối của diêm dân, trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu: Phát triển ngành muối theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế của các địa phương có truyền thống sản xuất muối để nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nhằm đáp ứng nhu cầu muối trong nước, hướng đến xuất khẩu muối và tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân làm muối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem