Đây là loại quả xuất hiện ở nhiều vùng và thường gây nhầm lẫn, khiến nhiều học sinh ăn phải và ngộ độc, quả vông đồng nhiều nơi còn gọi là quả ngô đồng.
Loại quả quen thuộc khiến trẻ em liên tiếp bị ngộ độc
Mới đây, ngày 8/9, 40 em học sinh nội trú Trường Phổ thông trung học bán trú - Trung học cơ sở Mùn Chung, Mùn Chung, Tuần Giáo, Điện Biên đã rủ nhau ăn quả vông mọc ở bên bờ suối hái về và bị ngộ độc với các biểu hiện nôn, đi ngoài.
Tháng 3, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 14 trường hợp là các em học sinh trường THCS Quang Trung (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) nhập viện. Kết quả chuẩn đoán có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nghi do ăn quả cây ngô đồng (vông đồng).
Đây không phải lần đầu tiên có vụ học sinh bị ngộ độc "chùm" sau khi ăn quả vông. Trước đó, tháng 7/2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cũng đã tiếp nhận 10 trẻ trú tại xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang bị ngộ độc do ăn quả vông.
Trẻ đi chơi gần nhà, thấy quả vông mọc ở gần đường nên rủ nhau ăn. Sau khi ăn, các trẻ đều có biểu hiện đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều.
Thậm chí, năm 2017 còn liên tục xảy ra các vụ ngộ độc loại quả vông đồng khiến hàng trăm học sinh ở nhiều trường bị ngộ độc.
Cụ thể, ngày 10/4/2017, hơn 12 em học sinh Trường tiểu học Tân Giang (TP.Hà Tĩnh, Hà Tĩnh) tụ tập chơi trước sân trường. Thấy một số quả của cây vông đồng rụng xuống, cả nhóm lấy đập hạt ăn. Về nhà thì có triệu chứng mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng.
Tám ngày sau tại tỉnh Quảng Trị, ngày 18/04/2017 ở trường mầm non xã Triệu Đông huyện Triệu Phong có 16 em học sinh lớp mẫu giáo lớn bị ngộ độc do ăn phải hạt của cây ngô đồng (vông đồng) trước sân trường.
Ngày 20/4/2017, tại Trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An), trong giờ ra chơi, hơn 50 học sinh đã rủ nhau hái quả cây vông đồng mọc ở đằng sau trường để ăn, sau đó bị ngộ độc và được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Ngày 22/4/2017, 37 em học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Quỳ Châu, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cũng bị ngộ độc khi ăn hạt của loại quả này.
Theo các chuyên gia an toàn thực phẩm, loại quả mà các em ăn phải là quả vông đồng (có nơi gọi là quả ngô đồng). Cây vông đồng (ngô đồng) là cây thân gỗ, có tán lá rợp nên được trồng làm cây bóng mát ở nhiều nơi, đặc biệt ở nhiều vùng thường trồng ở sân trường, đường đi.
Khi quả già thường rụng xuống, có hạt lớn, vị ngọt và bùi như hạt mít luộc nên các em học thường lấy ăn gây ra ngộ độc.
Vông đồng là loại quả gì mà gây ngộ độc?
Chia sẻ trên báo Suckhoedoisong, bác sĩ Nguyễn Quang Dương- Khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cây vông đồng, còn gọi là cây bã đậu, tên khoa học là Hura crepitans.
Cây vông đồng là loài gỗ lớn thường xanh, có thể cao tới 30m. Cành cây thường to lớn, thuộc dạng thân hợp trục. Vỏ thân cành có màu vàng nâu với nhiều gai biểu bì. Lá đơn mọc cách vòng tập trung ở đầu cành.
Cuống lá dài 4–20cm, có hai tuyến nổi. Phiến lá hình trứng rộng có kích thước dài 2–29 cm, rộng 5–17 cm, đầu lá vuốt mũi nhọn, đuôi lá hình tim. Mạng gân lông chim với gân giữa nổi lên ở cả hai mặt của phiến lá, có 10-13 cặp gân phụ ở hai bên.
Vông đồng là loài cây đơn tính cùng gốc. Các hoa màu đỏ không có cánh hoa. Hoa đực mọc thành chùm dài còn các hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả hình cầu dẹt, thuộc dạng quả nang lớn, nổ to khi nứt. Khi chín, các quả nang có thể phóng hạt đi xa tới 100m.
Cây vông đồng hay được trồng để lấy bóng mát ven đường hoặc làm cây che bóng cho các loại cây trồng mục đích chính như ca cao hay va ni. Gỗ của vông đồng có thể dùng để đóng đồ gia dụng, thùng hộp, ván ép.
Cây vông đồng có hạt, dầu hạt, vỏ thân, nhựa mủ đều rất độc, có tác dụng diệt sâu bọ, đặc biệt chất crepitin có độc tính rất cao. Nếu dính vào da, có thể gây rộp da, bắn vào mắt gây tổn thương mắt và có thể bị mù.
Hạt của loài bã đậu Hura crepitans có chứa các chất độc: Toxalbumin, curcine… Chất curcine ít gây kích ứng cho dạ dày-ruột. Theo các thử nghiệm, cứ tám giọt dầu bã đậu được cảnh báo dễ gây ra nôn mửa, tiếp đến là tiêu chảy.
Ngoài ra, bác sĩ Phương cũng cho biết, có 1 số cây vông khác không có độc nên bị nhầm lẫn với nhau, dẫn đến việc ăn cây có độc. Đó là cây vông vang còn gọi là bông vang. Tên khoa học Hibiscus abelmoschus L. Thuộc họ Bông Malvaceae.
Đặc biệt, cây vông nem cây vông nem còn có tên là hải đồng bì, thích đồng bì. Tên khoa học Erythrina orientalis (L) Murr. Thuộc họ Cánh bướm, cũng là cây thân gỗ cao 10-20m như cây vông đồng, lá cũng gần giống nên dễ nhầm lẫn.
Cây vông nem mọc hoang và được trồng ở khắp nơi trong nước ta để làm hàng rào và lấy lá ăn, hoặc làm cảnh. Loài cây này có màu hoa rực rỡ, nổi bật, lá của cây vông nem có thể ăn được và làm thuốc. Nhiều nơi cũng gọi cây vông nem là cây ngô đồng.
Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, thầy cô giáo, gia đình cần tăng cường truyền thông cho học sinh, trẻ em biết về các loại cây ngộ độc không được ăn. Đồng thời tại môi trường có trẻ nhỏ hoạt động vui chơi nên tránh trồng các cây có nguy cơ ngộ độc đối với trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.