Loại quả trồng nhiều nhất Đồng Tháp phải cạnh tranh với sản phẩm của Campuchia trên đất Trung Quốc

P.V Thứ sáu, ngày 07/05/2021 11:06 AM (GMT+7)
Việc Trung Quốc cho phép thêm 37 trang trại trồng xoài và 5 nhà máy đóng gói của Campuchia được phép xuất khẩu xoài chính ngạch vào nước này sẽ khiến áp lực cạnh tranh của xoài Việt Nam tại thị trường này tăng lên đáng kể.
Bình luận 0

Campuchia tăng xuất khẩu xoài sang Trung Quốc

Cuối tháng 4/2021, có tới 37 trang trại và 5 nhà máy đóng gói của Campuchia được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức cho phép xuất khẩu xoài chính ngạch vào thị trường này.

Trước đó, tháng 6/2020, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và đối tác Trung Quốc đã tiến hành thỏa thuận cho phép Campuchia nhập khẩu tới 500.000 tấn xoài sang Trung Quốc mỗi năm.

Sau khi đạt được thỏa thuận, cuối tháng 12/2020, những lô xoài tươi đầu tiên của Campuchia đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Thời điểm cuối tháng 12/2020, mới chỉ có 4 công ty của Campuchia đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Trung Quốc.

Chỉ sau hơn 4 tháng, con số đơn vị được phép xuất khẩu xoài sang Trung Quốc của Campuchia tăng lên đáng kể, cho thấy nước này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để tấn công vào thị trường khổng lồ này.

Theo thống kê, Campuchia có khoảng 100.000ha trồng xoài, với sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Năm 2019, Campuchia xuất khẩu gần 60.000 tấn xoài tươi sang các thị trường Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Pháp, Nga và Hong Kong (Trung Quốc).

Được biết, xoài được tiêu thụ khắp Trung Quốc nhưng lượng tiêu thụ cao nhất nằm ở ở các vùng phía Nam, các thành phố hạng nhất và hạng hai.

Bên cạnh dùng để ăn tươi, một phần khá lớn xoài nội địa Trung Quốc được chế biến thành nước ép, xoài bảo quản và các sản phẩm khác.

Năm 2018, Trung Quốc nhập khẩu gần 11.000 tấn xoài với tổng trị giá hơn 20 triệu USD từ 9 quốc gia và khu vực, tăng 113% về khối lượng nhưng chỉ tăng 8% về giá trị so với năm 2017. 

Phần tăng thêm này chủ yếu đến từ Thái Lan và Việt Nam với khối lượng xoài xuất khẩu sang Trung Quốc lần lượt tăng 492% và 816%.

Loại quả trồng nhiều nhất ở Đồng Tháp nay phải cạnh tranh với sản phẩm của Campuchia trên đất Trung Quốc - Ảnh 1.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu xoài sang thị trường Trung Quốc với 84% sản lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong ảnh: Sản phẩm xoài Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: TTXVN.

Xuất khẩu xoài Việt sang Trung Quốc, có đáng lo?

Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại xoài Việt sẽ có thêm sự cạnh tranh với Campuchia khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. 

Điều này hoàn toàn có cơ sở khi 84% sản lượng xoài xuất khẩu của Việt Nam (khoảng 160.000 - 170.000 tấn) tìm đến thị trường Trung Quốc, với giá trị kim ngạch 151,8 triệu USD. 

Đáng chú ý, trong số sản lượng xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chỉ có 0,08% (tương đương 141 tấn) được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong khi 99% là xuất khẩu theo đường tiểu ngạch.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), Việt Nam là nước sản xuất xoài lớn thứ 13 thế giới, với tổng diện tích trên 87.000ha, tổng sản lượng xoài trong năm 2020 đạt 893.200 tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu xoài của Việt Nam chỉ đạt 180,8 triệu USD, giảm 9% so với năm 2019. 

Không những xuất khẩu giảm, giữa tháng 8/2020, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, phía Trung Quốc thông báo 220 lô xoài Việt Nam (khoảng 3.300 tấn trong tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2019- 2020) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu xoài từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có liên quan để phối hợp tiến hành điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý. 

Trong số các vùng trồng và cơ sở đóng gói này, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sơ đóng gói của Đồng Tháp nằm trong danh sách vi phạm.

Tuy vậy, khả năng mở rộng xuất khẩu xoài Việt Nam sang Trung Quốc và các thị trường khác còn rất lớn. Để gia tăng xuất khẩu xoài, Cục Bảo vệ thực vật kiến nghị Bộ NNPTNT đầu tư nâng cấp các trung tâm kỹ thuật của Cục để thực hiện các nghiên cứu nhằm dỡ bỏ rào cản kỹ thuật, mở cửa thị trường và thực hiện giám định sinh vật gây hại, kiểm tra dư lượng trước khi xuất khẩu; số hóa toàn bộ cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý trên cơ sở kết nối từ người nông dân đến doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan kiểm tra tại cửa khẩu.

Đối với các địa phương, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị cần đẩy mạnh liên kết, tạo vùng nguyên liệu trên cơ sở quản lý chặt chẽ vùng trồng; tăng cường đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật ở địa phương; giao cơ quan Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói để xuất khẩu.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trái xoài Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang 40 thị trường trên thế giới như: Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand...

Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu xoài chỉ đạt khoảng 4%, số còn lại chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Đồng Tháp là tỉnh trồng nhiều xoài nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh hiện có hơn 9.200 ha xoài, sản lượng gần 100.000 tấn/năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem