Loại quýt mang nguồn gen quý ở Bắc Kạn

Thứ sáu, ngày 25/11/2016 19:05 PM (GMT+7)
Những năm gần đây, sản phẩm quýt Bắc Kạn đang ngày càng được người dân Bắc Kạn cũng như các địa phương trong vùng ưa chuộng, trở thành sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng giúp người dân giảm nghèo, làm giàu bền vững.
Bình luận 0

img

 Cuối năm 2012, quýt Bắc Kạn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Bản đồ chỉ dẫn địa lý bao gồm 12 xã: Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong (huyện Bạch Thông); Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên (huyện Chợ Đồn); Thượng Giáo, Địa Linh, Chu Hương, Mỹ Phương, Cao Trĩ, Yến Dương (huyện Ba Bể). 

Bắc Kạn có sản phẩm quýt thơm ngon mang nguồn gen quý, có tiếng lâu nay được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Cây quýt vốn là cây ăn quả đã được người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trồng từ nhiều năm nay. Những năm gần đây, sản phẩm quýt Bắc Kạn đang ngày càng được người dân Bắc Kạn cũng như các địa phương trong vùng ưa chuộng, trở thành sản phẩm hàng hóa nông sản đặc trưng giúp người dân giảm nghèo, làm giàu bền vững.

Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng với hình dạng quả. Quả quýt Bắc Kạn tròn dẹt, đường kính 7 - 9 cm, cao 4 - 5cm, vỏ nhẵn, khi chín có màu vàng tươi, dễ bóc tách, múi to đều mọng nước, tép quả màu vàng rơm, không nát, có vị chua dịu, không the đắng, thơm mùi đặc trưng. Thành phần gồm lượng đường chiếm 9%, nước chiếm 73%, còn lại là axít, vitamin C. 

Đối với quả quýt, bà con thường không dùng chất kích thích trong quá trình chăm sóc cũng như hóa chất bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nên rất được người dân địa phương và các tỉnh lân cận ưa chuộng. Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, người trồng quýt đã được tiếp cận với phương pháp ghép mắt, ghép cành thay thế cho phương pháp chiết cành truyền thống. Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng gốc bưởi để ghép nên có bộ rễ khỏe, có thể sống trên diện tích đất cằn cỗi, thời gian cho thu hoạch sớm hơn một năm so với cách trồng truyền thống (4 năm đã cho thu hoạch), thời gian bói quả và thu hoạch được lâu khoảng 10 năm, chất lượng quả tốt hơn, quả to đều, năng suất cao. 

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thấy triển vọng lớn của cây quýt đối với sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong gieo trồng, nhân giống, mở rộng diện tích, nhờ đó diện tích trồng cây quýt đã tăng qua từng năm. Diện tích quýt Bắc Kạn đã tăng gấp trên 300 lần chỉ trong vòng hơn 10 năm qua. Từ chỉ 7ha năm 1998 đến nay đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung với khoảng 2.400ha tại 3 huyện Bạch Thông, Chợ Đồn và Ba Bể, thời gian thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, sản lượng đạt 10.500 tấn/năm. Đối với những diện tích thâm canh cao thì năng suất đạt 120 - 150 tạ/ha; sản lượng đạt trên 14.000 - 18.000 tấn, mang lại giá trị sản xuất trên 100 tỷ đồng cho nông dân.

Bạch Thông là huyện trồng nhiều quýt nhất tại tỉnh Bắc Kạn, chủ yếu tập trung ở xã Quang Thuận - nơi được coi là vựa quýt của tỉnh, với diện tích trồng quýt chiếm hơn 50% diện tích trồng quýt của cả tỉnh. Hàng năm, sản lượng quýt của tỉnh đạt trên 10 nghìn tấn, trong đó huyện Bạch Thông đạt khoảng 6 nghìn tấn. Những ngày thời điểm chính vụ thu hoạch,  thương lái đến thu mua vận chuyển mang đi tiêu thụ tại các tỉnh như Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Ninh và Lạng Sơn... với tổng lượng quýt bán ra của người dân trên thị trường mỗi ngày trung bình khoảng 100 tấn. Nhờ loại cây này, nhiều hộ nông dân ở đây đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo ở Quang Thuận chỉ còn 10%.  

Sau khi quýt có chỉ dẫn địa lý, tỉnh đã tiếp tục quan tâm, đầu tư nhiều cách để xây dựng thương hiệu hàng hóa cho loại quả đặc sản này như: Triển khai các đề tài nghiên cứu cải tạo giống, phòng chống sâu bệnh, áp dụng quy trình kỹ thuật chuẩn trong canh tác quýt... Tháng 10.2015, tỉnh đã giao cho Hội Nông dân tỉnh quản lý Chỉ dẫn địa lý sản phẩm quýt Bắc Kạn. Như vậy cùng với gạo Bao thai Chợ Đồn, miến dong và hồng không hạt Bắc Kạn, đến nay tỉnh miền núi này đã có bốn sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ.

Sản xuất cây ăn quả đặc sản là hướng đi mà tỉnh Bắc Kạn xác định có tầm quan trọng trong việc tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá lớn, tạo công ăn việc làm nhằm thu hút được lực lượng lao động dư thừa ở nông thôn, góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc tại địa phương. Quýt Bắc Kạn đang ngày càng khẳng định được thương hiệu cũng như giá trị kinh tế trên thị trường. Và đang là loài cây ăn quả chính góp phần nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

Thời gian tới, tỉnh đang chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển ổn định diện tích quýt hiện có. Tập trung phát triển theo hướng đầu tư quy trình công nghệ chăm sóc, cải tạo 1.000ha cam, quýt theo tiêu chuẩn VietGAP.

Thu Trang (TTXTTMNNHN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem